Ngân hàng không trích lập đủ dự phòng không được chia cổ tức

(Kinhdoanhnet) – Đây là thông tin mà Thống đốc Ngân hàng Nhà nước – ông Nguyễn Văn Bình đã công bố mới đây.

Khép lại năm 2014, đã có khá nhiều nhà băng công bố kết quả kinh doanh với kết quả phần lớn đều hoàn thành hoặc vượt chỉ tiêu lợi nhuận đã đề ra. Không chỉ có các ngân hàng thuộc top đầu như BIDV hay Vietinbank công bố đạt lợi nhuận “khủng” trong năm vừa qua, nhiều ngân hàng quy mô nhỏ và vừa khác như Nam A Bank, DongA Bank, OCB, SCB… cũng đạt được những kết quả khá ấn tượng.  Trong đó NamA Bank đạt hơn 240 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, vượt gần 30% chỉ tiêu đưa ra; SCB hoàn thành 100% chỉ tiêu đưa ra, Techcombank, lợi nhuận trước thuế tăng mạnh 61%, VIB lãi trước thuế cao gấp 8 lần năm trước…

Với những kết quả kinh doanh khả quan như trên khiến cho giới đầu tư đạt khá nhiều kỳ vọng vào việc chia cổ tức trong năm 2014 của các ngân hàng. Tuy nhiên mới đây Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) - ông Nguyễn Văn Bình đã công bố một thông tin gây sốc cho các nhà đầu tư. Cụ thể ông Bình cho biết việc chia lợi nhuận năm 2014 của các ngân hàng sẽ nằm dưới sự giám sát chặt chẽ của NHNN đảm bảo rằng chỉ các tổ chức tín dụng nào trích lập đầy đủ dự phòng rủi ro thì mới được phép chia cổ tức.

“Tôi đề nghị các đồng chí giám đốc các NHNN, chi nhánh phối hợp chặt chẽ với thanh tra NHNN và các đơn vị của NHNN kiểm soát chặt chẽ việc này”, Thống đốc nhấn mạnh.

Đây là một tin buồn đối với khá nhiều cổ đông ngân hàng bởi với sự chỉ đạo quyết liệt này của NHNN, có thể thấy rằng sẽ có không ít ngân hàng sẽ khó có thể thực hiện nghĩa vụ cổ tức năm 2014 với cổ đông.

Ngân hàng không trích lập đủ DPRR không được chia cổ tức
Ngân hàng không trích lập đủ DPRR không được chia cổ tức.

Đơn cử như Eximbank, theo lãnh đạo của ngân hàng này cho biết nếu trích đủ dự phòng rủi ro, lợi nhuận còn lại sau thuế của Eximbank sẽ không nhiều nên khả năng chính sách cổ tức năm 2014 cũng sẽ phải được xem xét lại, thậm chí không loại trừ trường hợp không chia. Không chỉ có Eximbank một số ngân hàng thương mại khác như SCB, OCB cũng đang dự kiến sẽ không chia cổ tức trong năm nay.

Trao đổi về vấn đề này Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Phước Thanh cho rằng trong bối cảnh thị trường còn gặp nhiều khó khăn như hiện nay, đặc biệt là khi mọi nguồn lực đều phải dành để trích lập dự phòng rủi ro, xử lý nợ xấu thì việc NHNN yêu cầu các tổ chức tín dụng phải trích lập đầy đủ dự phòng trước khi nghĩ đến việc chia lợi tức cho cổ đông cũng là điều hoàn toàn hợp lý.

Được biết trong năm 2014 vừa qua các ngân hàng thương mại cũng đã tích cực trích lập dự phòng rủi ro nhằm tự bản thân ngân hàng có thể xử lý được nợ xấu hoặc là một phần nợ xấu của ngân hàng mình. Thậm chí có nhiều ngân hàng còn tăng mạnh trích lập dự phòng rủi ro nhằm đảm bảo cuối năm 2015 có đủ nguồn lực để xử lý nợ xấu, đưa nợ xấu về dưới 3% theo như chủ trương của NHNN đã đề ra.

Anh Công (TH theo Stockbiz; ĐTCK; VPBS)

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục