Ngân hàng không dễ cho vay tín chấp

(Kinhdoanhnet) - Mặc dù NHNN đã có chỉ thị đẩy nhanh việc xây dựng hệ thống xếp hạng tín nhiệm DN để tăng cường khả năng cho vay không cần tài sản đảm bảo nhưng về phía các ngân hàng thực hiện hay không lại là chuyện khác.

Ngân hàng không muốn cho vay tín chấp

Trong 2 năm trở lại đây, hầu hết nhà băng đã ngưng cho vay tín chấp đối với khách hàng cá nhân. Đối với khách hàng doanh nghiệp (DN), các nhà băng cũng rất hạn chế cho vay tín chấp và chỉ cấp vốn cho DN tốt, trong khi các DN này lại ít có nhu cầu vốn.

Khi mà nợ xấu vẫn còn là nỗi lo với các ngân hàng thì nếu không có tài sản đảm bảo, khách hàng DN, nhất là DN vừa và nhỏ rất khó tiếp cận được tín dụng ngân hàng. Thực tế, đến cuối năm 2013, tín dụng cho các DN vừa và nhỏ chỉ tăng khoảng 0,95% so với cuối năm 2012. Theo số liệu của NHNN, chỉ có chưa đầy 36% số DN vừa và nhỏ tiếp cận được nguồn vốn ngân hàng.

Trên thực tế, không ít ngân hàng đã đẩy mạnh cho vay tín chấp từ trước đó. Chẳng hạn, HDBank dành 500 tỷ đồng cho vay tín chấp đối với các DN FDI có nhu cầu vốn để sữa chữa, xây dựng mới nhà xưởng, máy móc, thiết bị, mua nguyên vật liệu… Lãi suất trong 6 tháng đầu tiên là 12%/năm đối với loại tiền vay vay bằng VND và 5%/năm đối với loại tiền vay bằng USD. Hay tại Sacombank, ACB, Eximbank, OCB... đều có hình thức vay tín chấp bằng dòng tiền, cho vay theo hợp đồng cung ứng…

Tuy nhiên, các ngân hàng kiểm tra khá chặt chẽ dự án sản xuất - kinh doanh của DN. DN muốn được vay vốn bằng dự án, phương án sản xuất - kinh doanh thì phải có phương án bao tiêu đầu ra; thế chấp bằng dòng tiền thì phải có dự án khả thi.

Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc OCB cho rằng, nhiều khi làm việc với DN vừa và nhỏ, Ngân hàng cảm thấy rất tiếc vì có những DN có dự án rất tốt, nhưng không đáp ứng đủ điều kiện cho vay. Điều kiện không đủ ở đây là thiếu tài sản thế chấp, hoạt động thiếu minh bạch... Do đó, theo ông Tùng, cần lập một trung tâm hỗ trợ cho vay DN vừa và nhỏ để có cơ sở, dữ liệu giúp DN và ngân hàng mạnh dạn cho vay.

Ngân hàng không dễ cho vay tín chấp - Ảnh 1

Lo ngại rủi ro nợ xấu

Theo tổng giám đốc một ngân hàng thương mại, việc NHNN yêu cầu xếp hạng tín nhiệm DN để tăng cường cho vay tín chấp là điều kiện để tăng trưởng tín dụng, nhưng không phù hợp trong bối cảnh thị trường hiện nay khi nợ xấu vẫn gia tăng.

Tăng trưởng tín dụng khó khăn, nhưng không phải vì thế mà ngân hàng hạ chuẩn cho vay. Trái lại, việc kiểm soát chất lượng tín dụng càng phải đặt lên hàng đầu. Do đó, ngân hàng chỉ xem xét cho vay tín chấp đối với những DN có dự án kinh doanh khả thi.

Rủi ro nợ xấu tăng, trích lập dự phòng cao, trong khi chênh lệch lãi suất huy động và cho vay thu hẹp khiến các ngân hàng chùn tay trong việc đẩy mạnh tín dụng.

Tổng giám đốc ACB, ông Đỗ Minh Toàn cho biết, dư nợ đối với khối DN vừa và nhỏ tại Ngân hàng khó tăng trưởng, cho dù ACB chủ trương đẩy mạnh vốn hỗ trợ khối DN này. Bởi lẽ, DN vay chủ yếu thế chấp bằng dòng tiền, nhưng dòng tiền của DN lại không đảm bảo. Trong khi đó, biên lợi nhuận hoạt động kinh doanh hiện nay sụt giảm, doanh nghiệp rút vốn vay ra mua tài sản cố định dẫn đến mất cân đối nguồn vốn, gây nguy cơ không trả được nợ, nên Ngân hàng không cho vay.

Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Phước Thanh cho biết, chủ trương của NHNN nhằm kích cầu tín dụng khi mà tình hình tín dụng vẫn trong xu hướng tăng chậm, do sức mua của thị trường và tồn kho chưa cải thiện. Tuy nhiên, việc xếp hạng tín nhiệm và quyết định trao vốn là hoàn toàn do các ngân hàng quyết định.

Do đó, mục tiêu tăng trưởng tín dụng đưa ra cho năm nay, lãnh đạo NHNN cũng cho rằng, điều đó còn phụ thuộc vào sức hấp thụ vốn của nền kinh tế, ngân hàng không thể đơn phương kích cầu tín dụng, dù đã nỗ lực lớn trong khơi thông vốn và giảm lãi suất hay đẩy mạnh cho vay tín chấp.

Quốc Hưng (Tổng hợp)

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục