Trong cuộc hội thảo khoa học "Tăng trưởng tín dụng các ngân hàng thương mại Việt Nam hiện nay - Thực trạng và giải pháp", ông Lê Đức Thọ - Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank) khẳng định:
"Đối với lãi suất cho vay, theo thông tin từ Vụ Chính sách tiền tệ NHNN, từ nay đến cuối năm 2014, về cơ bản NHNN vẫn điều hành chính sách lãi suất ổn định như hiện nay. Nếu không có biến động đột biến của CPI, các TCTD có thể giảm lãi suất cho vay xuống thêm 1-2%/năm".
Như vậy lại thêm một lần nữa các ngân hàng rơi vào tình trạng mặc cả lãi suất. Lần này là lãi suất cho vay mà nguyên nhân cũng bắt nguồn từ chính sự bất ổn nội tại của ngân hàng, đó là nợ xấu.
Sau khẳng định này của Tổng Giám đốc Ngân hàng Vietinbank, thị trường không mấy hào hứng mà có phần bi quan hơn. Doanh nghiệp đã không còn kỳ vọng vào việc lãi suất cho vay sẽ giảm tiếp, bởi đây không phải là lần đầu ngành ngân hàng đưa ra thông điệp này.
Ngân hàng khó giảm lãi suất cho vay vì nợ xấu.
Có một điều mà hầu hết ai cũng có thể nhìn ra đó là việc ngân hàng rất khó giảm lãi suất cho vay trong điều kiện hiện nay, vì nợ xấu, áp lực lợi nhuận.
Theo báo cáo của các tổ chức tín dụng, đến cuối tháng 7/2014, tổng nợ xấu nội bảng là 162,2 nghìn tỷ đồng, chiếm 4,11% tổng dư nợ (cuối năm 2013, tỷ lệ nợ xấu là 3,61%). Trong khi đó tính đến cuối tháng 8/2014, VAMC mới chỉ mua được 3.281 khoản nợ, với tổng dư nợ gốc hơn 56 ngàn tỷ đồng nợ xấu, giá mua hơn 46 ngàn tỷ đồng.
Muốn giảm lãi suất cho vay thì trước hết ngân hàng cần thời gian để xử lý bớt nợ xấu, chờ kinh tế vĩ mô tốt lên để doanh nghiệp làm ăn hiệu quả và trả nợ cho ngân hàng. Vậy nên, dù rất muốn nhưng các ngân hàng không thể giảm ngay được một lúc 1 - 2%, mà là giảm từ từ, tuy theo độ trễ của từng kỳ hạn cho vay, huy động của mỗi ngân hàng, với mỗi khách hàng.
Nợ xấu tăng cao và tín dụng tăng thấp được cho là kết quả của những cái giá phải trả cho một thời “vung tiền qua cửa sổ”.
Trước đây có một thời gian dài việc cấp tín dụng dễ dãi quá, tiền ngân hàng cứ như là mang ra phát chẩn. Có thời kỳ còn phân bổ cho cán bộ tín dụng định mức mỗi năm phải đẩy ra được mấy chục tỷ, không hoàn thành thì không đủ lương. Cho nên họ cố gắng hết sức để đưa tiền ra, dù doanh nghiệp không đủ tiêu chuẩn để cho vay. Từ cái cho vay dễ thì dự án cũng dễ dẫn tới hiệu quả thấp và nợ xấu tăng ngày càng cao.
Thống đốc Bình cũng chia sẻ: “Trước đây, để phát triển chúng ta đưa tín dụng ra nhiều quá, phát hành tiền ra nhiều quá, nhưng lại không nhiều hiệu quả thì nó dẫn đến lạm phát, tất yếu, rồi dẫn đến nợ xấu mà cho đến nay chúng ta phải còng lưng ra mà gánh, mà giải quyết thôi”.
Trong thời điểm tăng trưởng thì thấp “lẹt đẹt” còn nợ xấu thì lại “cao vút cành cây” như hiện nay thì tất yếu các ngân hàng sẽ tính toán kỹ lưỡng các phương án phòng thân cho mình vì thế lãi suất cho vay khó mà giảm được.
Theo chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh, trong mua bán, khi doanh thu thấp, phải kéo chênh lệch giá mua - bán giãn ra nên khả năng giảm lãi suất là khó. .
Còn theo sự nhìn nhận đánh giá của các lãnh đạo các ngân hàng thì việc giảm lãi suất cho vay trong thời điểm hiện tại là rất khó, buộc phải trông chờ vào việc tiết kiệm tối đa chi phí, tăng cường thu dịch vụ khác và giảm chỉ tiêu lợi nhuận. Nếu phải dùng đến biện pháp giảm tiếp lãi suất huy động để giảm lãi suất cho vay, các ngân hàng sẽ rơi vào bẫy thanh khoản.
Thêm vào đó các ngân hàng khó giảm lãi suất cho vay là hợp lý bởi các nhà băng này cần phải bảo vệ lợi nhuận của họ cho dù nhiều ý kiến cho rằng đó là sự ích kỷ.
Ngọc Anh (TH)