Ngân hàng ép phạt phí trả nợ trước hạn quá cao?

(Kinhdoanhnet) - Thời gian gần đây, thị trường tài chính rộ lên nhiều thông tin liên quan tới việc nhiều người vay vốn bị ngân hàng ép phạt phí rất cao khi họ trả nợ trước hạn. Mức phạt phí của các ngân hàng này có thể lên tới 8 – 9% dư nợ gốc còn lại trong khi đó mức phí này không hề được nhắc đến trong hợp đồng lúc ký kết.

Nếu như một ngân hàng nào đó mà có vô tình nhắc tới thì cũng chỉ là nêu một cách chung chung mức phí phạt trả nợ trước hạn được áp dụng theo quy định của ngân hàng, hoặc qua tư vấn của nhân viên tín dụng mà không có bất cứ cam kết cụ thể nào.

Chính vì thế nhiều khách hàng khi đến trả nợ trước hạn thì không khỏi ngạc nhiên khi được ngân hàng thông báo phải nộp một số tiền phí phạt quá lớn.

Ví dụ như chị chị Tuyền ở TP HCM cho biết chị có vay ngân hàng 2,8 tỷ đồng với thời hạn gần 9 năm, lãi suất ưu đãi. Tuy nhiên sau 5 tháng chị Tuyền cần bán gấp căn nhà là tài sản thế chấp nên xin tất toán trước hạn. Nhưng khi đến trả nợ chị sốc khi ngân hàng này thông báo phạt chị 248 triệu đồng tiền trả trước hạn cộng với khoản phải trả lại phần chênh lệch do ưu đãi lãi suất, tương đương gần 38 triệu đồng. Như vậy tổng số tiền cần phải thanh toán cho việc trả nợ trước hạn của chị lên gần 286 triệu đồng.

Ngân hàng ép phạt phí trả nợ trước hạn quá cao?
Ngân hàng ép phạt phí trả nợ trước hạn quá cao.

Chị cũng cho biết thêm đối với phải trả lại tiền ưu đãi lãi suất, chị không có ý kiến vì đã được quy định trong hợp đồng. Nhưng đối với khoản phí trả nợ trước hạn khiến chị vô cùng bất ngờ bởi trong hợp đồng thì quy định chung chung, không đưa ra công thức tính cụ thể.

 "Ngay trước lúc ký hợp đồng, tôi có thắc mắc về điều khoản này nhưng cán bộ tín dụng của ngân hàng không giải thích rõ ràng mà cứ bảo là sẽ tính theo quy định. Ở tư thế người đi vay tiền, tôi đành phải nhanh chóng ký vào hợp đồng" - Chị Tuyền nói.

Hay như vợ chồng chị L.T.T. vay 480 triệu đồng của NH Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) với thời hạn vay 60 tháng để mua đất. Ngoài việc trả gốc và lãi hằng tháng, mỗi khi có thu nhập bất thường vợ chồng chị đều trả cho ngân hàng để cấn trừ nợ gốc, việc trả nợ diễn ra ở nhiều chi nhánh.

Sau khi tính toán thấy số dự nợ của mình chỉ còn 25 triệu đồng, vợ chồng anh chị đã đến ngân hàng để trả nốt số nợ thì được nhân viên tại ngân hàng này thông báo để tất toán khoản vay, chị phải nộp phí trả trước hạn tổng cộng… trên 113 triệu đồng. Số phí được tính trên tổng cộng các khoản chị đã trả trước hạn tại các chi nhánh là 328 triệu đồng.

Tình trạng áp phí phạt trả nợ trước hạn cao đã gây bức xúc cho nhiều người dân, nhiều khách hàng đã kiến nghị lên các cơ quan cấp trên xin giảm bớt tỷ lệ thu phí trả nợ trước hạn xuống 2 - 3% cho phù hợp.

Trả lời về vấn đề này Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, theo Quy chế cho vay của tổ chức tín dụng đối với khách hàng tổ chức tín dụng và khách hàng được phép thỏa thuận về mức phí phải trả trong trường hợp khách hàng trả nợ trước hạn. Tuy nhiên, trong bối cảnh hoạt động sản xuất kinh doanh còn gặp nhiều khó khăn như hiện nay, toàn hệ thống ngân hàng đã và đang thực hiện các giải pháp nhằm chia sẻ khó khăn đối với khách hàng vay.

Vì thế hồi đầu năm 2014, Ngân hàng Nhà nước đã ra chỉ thị chỉ đạo các ngân hàng phải xem xét áp dụng mức thu phí hợp lý đối với các khoản phí được thu theo quy định của pháp luật; không được thu các loại phí liên quan đến khoản vay, trừ các khoản phí quy định tại Thông tư số 05/2011/TT-NHNN ngày 10/3/2011.

Nếu như trường hợp tổ chức tín dụng áp dụng mức phí trả nợ trước hạn cao, không phù hợp với chỉ đạo của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước, khách hàng cần phản ánh ngay và cung cấp thông tin đầy đủ cho NHNN để có ý kiến đề nghị tổ chức tín dụng trên địa bàn xem xét áp dụng mức phí hợp lý.

Ngọc Anh (TH)

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục