Nở rộ cho vay lãi thấp
Hiện các ngân hàng đang ở trạng thái dư thừa vốn kéo dài, tín dụng tăng trưởng thấp, sáu tháng đầu năm chỉ đạt mức 3,52% vì thế các ngân hàng đưa ra các mức lãi suất cho vay hấp dẫn để thu hút khách hàng.
VPBank đang chào khách hàng vay tiêu dùng lãi suất chỉ 5%/năm cho 12 tháng đầu tiên, tại ACB là 8,9%/năm cho ưu đãi cho năm đầu tiên.
Ngân hàng HDBank cũng có gói lãi suất cho vay chỉ 6,8%/năm cho 03 tháng đầu, và mức 9%/năm cho 12 tháng. ABBank cho vay chỉ 8,5%/năm cho 12 tháng đầu tiên.
Ba tháng trước, Ngân hàng Đại Dương (OceanBank) gây chú ý trên thị trường ở sản phẩm cho vay mua nhà Easy Home. Cụ thể, ngân hàng này cho vay mua chung cư Starcity Lê Văn Lương với lãi suất chỉ 5,91%/năm.
Dĩ nhiên, bản chất của những mức lãi suất thấp đó cũng cần xem xét kỹ. Thông thường, đó chỉ là mức ưu đãi khởi đầu, áp trong thời gian rất ngắn như trong 1-3 tháng đầu tiên; và nó không đủ để đại diện cho quá trình vay. Ngân hàng đang huy động 7-8%, thậm chí 9%/năm, đương nhiên không thể lỗ với lãi suất cho vay thấp hơn.
Lãi suất thấp thường được áp dụng cho các khách hàng cá nhân vay vốn dài hạn, 3-5 năm. Mức lãi suất sau thời điểm ưu đãi với biên độ cam kết điều chỉnh, mới phản ánh đúng chi phí phải trả của người vay vốn
Ngân hàng chịu lỗ?
Đầu tháng 8 này, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) tung ra gói cho vay tiêu dùng lãi suất chỉ 7,8%/năm (không nêu rõ thời hạn ưu đãi trong kỳ vay).
Trong tháng 4 rồi, hay mới từ ngày 5/8, Ngân hàng Phát triển Tp.HCM (HDBank) lần lượt tung các chương trình cho vay lãi suất thấp, bỏ luôn lãi suất trong 12 tháng đầu khi áp dụng 0%/năm.
Ngân hàng Đông Nam Á (SeABank) cũng đang quay vòng sản phẩm riêng, lãi suất 0%/năm cho khách hàng mua 5 dòng xe của Mercedes - Benz theo chương trình hợp tác với đại lý phân phối…
Hiện ngân hàng ngoại HSBC Việt Nam cũng vào cuộc đua lãi suất thấp 7,99%/năm trong 06 tháng đầu cho khoản vay có tài sản đảm bảo là bất động sản…
Nhìn vào cơ cấu nguồn vốn huy động và cho vay có thể kết luận các ngân hàng đang lỗ ở mảng tín dụng. Bởi khi huy động vào nhưng không thể cho vay ra được, có nghĩa các ngân hàng đang phải bỏ tiền túi của mình ra trả lãi cho người gửi tiết kiệm. Đó là chưa kể, lãi cận biên cũng bị thu hẹp đáng kể do mặt bằng lãi suất cho vay giảm nhanh hơn huy động.
Theo một quan chức NHNN, trước khi NHNN có các quyết định giảm lãi suất hôm 27/6 vừa qua, nếu chưa tính đến chi phí dự phòng rủi ro tín dụng thì chênh lệch lãi suất đầu vào - đầu ra của các TCTD là 3,03%; nhưng nếu trừ chi phí dự phòng rủi ro tín dụng thì chênh lệch hiện chỉ còn 1,93%, giảm so với mức 2,33% cuối năm 2012.Sự khó khăn đưa vốn ra thị trường của các ngân hàng là có thật hiện nay VietinBank, SeABank, Vietcombank… đều cho DN vay lãi suất 6%/năm.
Như đã nói ở trên, các mức lãi suất thấp không đủ đại diện cho chi phí thực phải trả cho khoản vay và kỳ vay. Với mức lãi suất thấp cho 1 năm đầu tiền, lãi suất cho các năm tiếp theo được tính theo công thức: lãi suất tiết kiệm 12 tháng cộng với biên độ từ 3-4%/năm. Tính ra, mức lãi suất các năm tiếp theo cũng từ 12-13%/năm. Bên cạnh đó ngân hàng tăng nguồn thu từ những dịch vụ khác như lãi thu được từ tiền gửi, phí thanh toán… cộng tất cả lại nếu ngân hàng thấy cân đối được khoản lãi trong dài hạn thì trong ngắn hạn, ngân hàng mới chấp nhận chịu lỗ để cho vay vốn thấp hơn giá vốn huy động.
Dù thế, yếu tố cạnh tranh ở lãi suất thấp là có thực. Không chỉ các ngân hàng nhỏ giảm lãi suất cho vay mà các ngân hàng lớn cũng tiến vào xu hướng này khi sẵn sàng cạnh tranh, hạ lãi suất cho vay ở phân khúc khách hàng nhỏ lẻ.
Một lãnh đạo ngân hàng chia sẻ, ngân hàng lớn sẵn sàng cho vay doanh nghiệp lớn có dòng tiền và uy tín tốt với lãi suất cực thấp mà các ngân hàng vừa và nhỏ rất khó cạnh tranh và len vào được.
Với người đi vay, việc các ngân hàng hạ lãi suất cũng là một tín hiệu tốt so với thời điểm 2 năm trước.
Quốc Hưng (Tổng hợp)