Thời gian qua, tín dụng vẫn tăng trưởng chậm bất chấp nỗ lực giảm lãi suất. Nguyên nhân sâu xa của vấn đề này là do nền kinh tế hấp thu vốn rất yếu và lãi suất trung hạn còn khá cao, ở mức bình quân trên 10% nên chưa kích thích được các doanh nghiệp (DN) làm ăn tốt đầu tư mới.
Mới đây NHNN và cả Thủ tướng cũng đã có chỉ đạo các tổ chức tín dụng xây dựng quy trình thu thập, khai thác thông tin về đánh giá tín nhiệm, để có thể cho vay không có bảo đảm bằng tài sản. Nhưng các ngân hàng đều tỏ vẻ quan ngại.
Thực chất, từ lâu các ngân hàng đều đã xếp hạng tín dụng để cho vay tín chấp, hoạt động cho vay không tài sản đảm bảo đã được các NH triển khai từ rất lâu. Tuy nhiên trong bối cảnh kinh tế hiện nay thì hoạt động này thì các ngân hàng buộc phải thu hẹp hoạt động này.
Bên cạnh đó, việc xếp hạng tín nhiệm DN để cho vay tín chấp yêu cầu NHTM phải kiểm soát được rủi ro. Nhưng mọi tính toán ở thời điểm hiện tại không bảo đảm là sẽ không thể gặp rủi ro trong tương lai. Chính vì vậy, tâm lý của các NHTM hiện tại là vẫn thận trọng khi đẩy vốn cho vay không tài sản đảm bảo, nhất là khi nợ xấu đang tăng.
Trong thời gian này, chỉ các DN có uy tín, có quan hệ làm ăn với NH từ trước mới được vay tín chấp, ngoài ra còn không có nợ quá hạn mới được vay. Nhưng mức vay cũng hạn chế hơn trước do NH lo ngại các khoản vay này trở thành nợ xấu.
Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc NH Nhà nước chi nhánh TPHCM cho biết, các NH thương mại đang triển khai cho vay tín chấp theo chỉ đạo của thống đốc nhưng khá dè dặt vì sợ nợ xấu. Để hiệu quả, NH phải chọn DN để xếp hạng tín nhiệm nội bộ kỹ càng. “Bản thân các DN muốn vay tín chấp phải được thẩm định lại phương án sản xuất kinh doanh, có tính khả thi cao NH mới dám cho vay không đảm bảo. Cho vay tín chấp lúc nào cũng rủi ro và phải trích dự phòng rùi ro cao hơn các loại khác” - ông Minh nói.
Ông Võ Anh Tuấn, Giám đốc khối khách hàng DN, NH TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank), cho rằng “tín chấp” là tín nhiệm giữa 2 bên, trong khi DN nhỏ, thời gian hoạt động chưa nhiều nên chưa tạo được chữ tín với NH. Do đó, các DN vừa và nhỏ cần phải có chiến lược hoạt động kinh doanh minh bạch, có thể mở tài khoản NH, thực hiện các giao dịch thông qua tài khoản và hạn chế dùng tiền mặt. Về lâu dài, các NH mới đánh giá độ tín nhiệm của DN để cân nhắc cho vay…
Ngân hàng vẫn e ngại cho vay tín chấp
Chung quy lại, cái khó đối với tăng trưởng tín dụng là nợ xấu không ngừng tăng. Vì vậy, mặc dù chính sách lãi suất cho vay sẽ tiếp tục xu hướng đi xuống, nhưng tăng trưởng tín dụng không chỉ hoàn toàn phụ thuộc vào lãi suất mà còn phụ thuộc vào chính sách tăng trưởng dư nợ của các NHTM.
Theo báo cáo kết quả điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động NH của NHNN, đến ngày 31/7/2014, huy động vốn tăng 6,98% nhưng đầu ra tín dụng toàn hệ thống đối với nền kinh tế tăng 3,68% so với cuối năm 2013. Báo cáo này không công bố cụ thể tỉ lệ nợ xấu nhưng NHNN cho biết đã và đang triển khai các giải pháp đồng bộ để kiềm chế nợ xấu gia tăng.
Tuy nhiên, chỉ riêng tại TPHCM, cơ quan quản lý đánh giá tình hình nợ xấu của các TCTD trên địa bàn vẫn đang diễn ra phức tạp, có xu hướng tăng và nợ có khả năng mất vốn (nợ nhóm 5) chiếm tỉ trọng cao trong tổng nợ xấu. Theo báo cáo của NHNN chi nhánh TPHCM, tỉ lệ nợ xấu của các NH vẫn ở mức 4,65%, không giảm nhiều so với đầu năm, cho dù đã xử lý được lượng nợ xấu khổng lồ 8.000 tỉ đồng tính đến thời điểm cuối tháng 7/2014.
Nguồn xử lý nợ xấu của các NH chủ yếu là do trích lập dự phòng, còn xử lý thu tiền mặt và phát mãi tài sản rất ít. Rủi ro cho vay tín chấp cao nên đòi hỏi trích dự phòng phải cao hơn. Vì thế, có thể dễ hiểu vì sao các NHTM còn e dè khi cho vay tín chấp.
Quốc Hưng (Tổng hợp)