Ngân hàng đẩy mạnh thâu tóm công ty tài chính

(Kinhdoanhnet) - Việc mua lại các công ty tài chính (CTTC) sẽ là cơ hội tăng trưởng, vì tiềm năng phát triển tín dụng tiêu dùng của thị trường còn khá lớn, các ngân hàng có thể rút ngắn thời gian đẩy mạnh chiến lược bán lẻ, cho vay phân tán.

Trong giai đoạn hiện nay, hoạt động kinh doanh của các ngân hàng hiện vẫn đang gặp nhiều rất nhiều khó khăn, nhất là hoạt động tín dụng cho doanh nghiệp vay sản xuất kinh doanh… Một hướng đi mới đang được các ngân hàng chú ý đến đó là phân khúc tín dụng cho mục đích tiêu dùng. Đây là một trong những động lực khiến các ngân hàng đang chạy đua thâu tóm các công ty tài chính (CTCC). Thêm vào đó, thời điểm này phía “cung” đang ở giai đoạn tăng khi các tập đoàn Nhà nước đang được yêu cầu gấp rút hoàn thành thoái vốn đầu tư ngoài ngành.

Mặt khác các công ty tài chính thường có quy mô nhỏ, vốn điều lệ chỉ 500 - 1.000 tỷ đồng, nên sẽ rất khó duy trì hoạt động, mà phải bán lại cho ngân hàng để tái cấu trúc hoạt động. Đồng thời nguồn vốn của CTTC thường cho vay trung và dài hạn, trong khi họ không được huy động vốn trên thị trường dân cư, nên khó tồn tại bền vững.

Còn về phía các ngân hàng, việc mua lại các CTTC sẽ là cơ hội tăng trưởng, vì tiềm năng phát triển tín dụng tiêu dùng của thị trường còn khá lớn, các ngân hàng có thể rút ngắn thời gian đẩy mạnh chiến lược bán lẻ, cho vay phân tán.

Ngân hàng đẩy mạnh thâu tóm công ty tài chính
Ngân hàng đẩy mạnh thâu tóm công ty tài chính.

Vì thế chỉ trong thời gian ngắn, hàng loạt ngân hàng đã và đang lên kế hoạch mua lại công ty tài chính nhằm hướng tới thị trường cho vay tiêu dùng nhiều tiềm năng.

Tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2014, Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) đã công bố kế hoạch mua lại một công ty tài chính này nhằm chuyên biệt hóa mảng cho vay tiêu dùng một cách chuyên nghiệp từ đội ngũ bán hàng, phát triển sản phẩm.  Nhưng ngân hàng này lại chưa cho biết dự định sẽ mua công ty nào.

Sau đó lại rộ lên thông tin SHB sẽ mua lại Công ty Tài chính cổ phần Vinaconex - Viettel (VVF). Tuy nhiên không chỉ có SHB, còn có thêm cả thông tin VietinBank cũng muốn mua VVF.

Tháng trước, Maritime Bank trở thành cổ đông lớn nhất của Công ty tài chính Dệt may sau khi mua lại toàn bộ số cổ phần của tập đoàn Dệt May tại công ty này (64,1%).

Mới đây, Ngân hàng Việt Nam Phát triển thịnh vượng (VPBank) cũng đưa ra thông tin cho biết sẽ  mua lại Công ty TNHH MTV tài chính Than Khoáng sản Việt Nam (CMF) từ tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin)….

Việt Nam có lợi thế về dân số trẻ, nhưng tỷ lệ sử dụng dịch vụ tài chính - ngân hàng còn hạn chế. Đặc biệt là với tín dụng tiêu dùng, nhu cầu của người dân luôn có, song cung trên thị trường chưa đủ. Chính vì vậy xu hướng mua lại công ty tài chính đang được các ngân hàng đẩy mạnh hơn bởi họ muốn phát triển cơ sở khách hàng và đẩy mạnh hoạt động bán lẻ thông qua thâu tóm công ty tài chính.

Hiện nhu cầu vốn tiêu dùng của người dân Việt Nam có thể coi là rất lớn, nhưng để có thể  vay được tiền từ ngân hàng lại là điều quá khó khăn bởi một loạt quy định ràng buộc mà người dân lao động khó có thể đáp ứng nổi.

Nhận ra “miếng mồi” béo bở này, các ngân hàng thương mại đã bắt đầu chạy đua thâu tóm các công ty tài chính để có thể nhanh chóng mở rộng thị phần bằng con đường tắt, thay vì thành lập CTTC hoặc mở rộng mạng lưới cho vay nhỏ lẻ.

Ngọc Anh (TH)

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục