Ngân hàng đã trích lập đủ dự phòng?

(Kinhdoanhnet) - 6 tháng đầu năm 2014, các ngân hàng tăng cường trích lập dự phòng nhưng trước tình trạng nợ xấu tiếp tục tăng, mức dự phòng như vậy có là đủ?

Công ty kiểm toán E&Y đã thực hiện 1 cuộc khảo sát các NHTM tại Việt Nam, khi được hỏi, có tới 76% các NH được hỏi trả lời nợ xấu là vấn đề quan trọng nhất. Vì được đánh giá quan trọng nhất nên trong báo cáo tài chính của các NH, đánh giá về nợ xấu có thay đổi đáng kể.

Tại báo cáo tài chính hợp nhất quý II của Vietcombank cho thấy nợ xấu tăng khá mạnh. Cuối năm 2013, nợ xấu của Vietcombank là 7.463 tỷ đồng tương đương với tỷ lệ 2,7% thì đến 31/6/2014 con số này là 9.031 tỷ đồng, tương đương 3% dư nợ. Trong đó nợ dưới tiêu chuẩn (nợ xấu nhóm 3) và nợ nghi ngờ (nợ xấu nhóm 4) giảm, toàn bộ phần nợ xấu tăng là nợ có khả năng mất vốn (nợ xấu nhóm 5) lên tới  1.974 tỷ đồng.

Tại ACB, sau 6 tháng đầu năm 2014, nợ xấu ACB tăng từ 3.241 tỷ đồng tương đương 3% thì lên 4.046 tỷ đồng tương đương 3,6%.Chiếm hơn nửa trong số 802 tỷ đồng nợ xấu tăng thêm  là nợ xấu nhóm 5. Vì vậy, trích lập dự phòng rủi ro của ACB tăng rất mạnh trong quý II/2014.

Cụ thể, quý II/2013 ACB chỉ trích lập 56,9 tỷ thì riêng trong quý II năm nay NH đã trích lập 354 tỷ đồng và 6 tháng trích lập 578 tỷ đồng gấp hơn 2 lần của năm trước.

Nợ có khả năng mất vốn tại Agribank là 23.652 tỷ đồng, chiếm 59,23% tổng dư nợ xấu, bằng 89% vốn điều lệ.

Theo thông lệ quốc tế, nợ xấu ở mức 3% là chấp nhận được với các NH. Tuy nhiên, tỷ lệ 3% được chấp nhận đó còn bao hàm ý nghĩa các NH trích lập dự phòng rủi ro đầy đủ. Đặc biệt, đối với các NH đã niêm yết cổ phiếu trên TTCK thì việc trích lập dự phòng không đẩy đủ khiến đánh giá về kết quả kinh doanh của cổ đông, nhà đầu tư sai lệch rất nhiều.

Tại ACB, với nợ xấu 4.036 tỷ đồng thì NH quy định trích lập dự phòng 3.028 tỷ đồng, tuy nhiên NH mới chỉ trích lập 1.941 tỷ đồng. Như vậy, ACB còn trích lập thiếu 1.087 tỷ đồng. Với lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh khi chưa trích lập dự phòng rủi ro sau 6 tháng là 1.309 tỷ đồng và nếu ACB thực hiện trích lập đầy đủ thì lợi nhuận thực tế của ngân hàng chỉ bằng một nửa con số 730 tỷ đồng LNTT.

Ông Vijay Maheshwari, giám đốc Tài chính của ACB cho biết dự phòng cụ thể mà ACB đã trích là 931 tỷ, tương đương 36% và tài sản đảm bảo cho khoản nợ theo giá thị trường là 3.000 tỷ đồng. Ngân hàng cho rằng: “Đây là thách thức nhưng cũng là cơ hội trong tương lai khi kinh tế phục hồi trở lại, kéo theo giá trị tài sản đảm bảo tăng và khả năng trả nợ của khách hàng được cải thiện thì ACB sẽ có nguồn thu lớn từ dự phòng được hoàn nhập”.

Tại Sacombank, theo đúng quy định ngân hàng cần trích lập 1.516 tỷ đồng nhưng đến cuối kỳ dự phòng của Sacombank mới có 1.417 tỷ đồng, ít hơn quy định gần 100 tỷ đồng.

Như vậy, mặc dù đều có tỷ lệ nợ xấu nhóm 5 tăng cao nhưng việc trích dự phòng rủi ro cho thấy chất lượng quản trị rủi ro có sự khác biệt khá lớn. Qua đó, cổ đông và nhà đầu tư cũng có đánh giá khác nhau về chất lượng lợi nhuận của từng ngân hàng.

Ngân hàng đã trích lập đủ dự phòng? - Ảnh 1

Các ngân hàng có thể có lý khi trích lập không đủ với khoản nợ có tài sản đảm bảo nhưng điều đó cũng đồng nghĩa với việc cổ đông, nhà đầu tư sẽ rơi vào tình thế "may rủi" khi đánh giá có nên đầu tư vào các cổ phiếu ngân hàng này không? Điều này thể hiện sự thiếu minh bạch trong cung cấp thông tin, điểm yếu cố hữu chưa cải thiện của đa phần DN Việt Nam.

Một cách thức khác mà các NH đang làm để xử lý nợ xấu là bán nợ cho VAMC để làm đẹp báo cáo tài chính. Tuy nhiên khi bán nợ xấu thì các NH vẫn phải trích lập 20% dự phòng. Điều đáng nói ở đây con số 20% có được các NH thực hiện đầy đủ hay không?

Như thế, số liệu lợi nhuận bị phản ánh sai lệch. Điều này chưa được chứng thực, song không loại trừ khả năng "chế biến" khoản trích dự phòng trái phiếu VAMC để có thể làm tăng/giảm số liệu lợi nhuận trên sổ sách.

Quốc Hưng (Tổng hợp)

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục