Ngân hàng đã "toát mồ hôi" sau thời kỳ tăng trưởng "nóng"?

Nhiều ngân hàng đã bắt đầu dè dặt trong việc đặt kế hoạch kinh doanh sau khi đã có sự bùng nổ về tăng trưởng lợi nhuận trong năm qua.

Lợi nhuận ngân hàng "bùng nổ"

Năm 2018 đã xuất hiện không ít xáo trộn trong bảng xếp hạng các ngân hàng có lợi nhuận cao nhất.

Theo xếp hạng, Vietcombank tiếp tục giữ “ngôi vương” với lợi nhuận đạt trên 18.300 tỷ đồng. Tiếp theo là Techcombank với 10.660 tỷ đồng; BIDV đạt 9.476 tỷ đồng; VPBank đạt trên 9.200 tỷ đồng; Agribank đạt 7.525 tỷ đồng; MB đạt 7.700 tỷ đồng; Vietinbank đạt 6.900 tỷ đồng…

Các ngân hàng có mức tăng trưởng cao phải kể đến như VIB (95%); TPBank (87,3%); MBBank (68,3%); HDBank (65,7%); Vietcombank (61,4%); VietABank (54,6%); VietBank (52,5%); Agribank (50,9%); Sacombank (50,6%);...

Tuy nhiên, sau năm 2018 đầy bứt phá, nhiều ngân hàng đã tỏ ra thận trọng hơn trong năm 2019 và đặt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận thấp hơn năm ngoái.

Ngân hàng đã "toát mồ hôi" sau thời kỳ tăng trưởng "nóng"? - Ảnh 1

Cụ thể, Techombank đặt mục tiêu lãi trước thuế 11.750 tỷ đồng, tăng 10% so với năm ngoái. Mức tăng trưởng lợi nhuận này thấp hơn nhiều so với mức 32,7% trong năm 2018.

VIB đặt kế hoạch lợi nhuận trước thuế 2019 là 3.400 tỷ đồng, tăng 24% so với năm trước. Trước đó, năm 2018 VIB đạt 2.743 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng tới 162%.

VPBank chỉ đặt mục tiêu 9.500 tỷ đồng lợi nhuận trong năm 2019, ACB cũng công bố mục tiêu lợi nhuận trước thuế trong năm 2019 đạt 7.279 tỷ đồng, tăng trưởng 14% so với cùng kỳ năm ngoái.

MBBank có vẻ tự tin hơn khi đặt ra mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận 27%, đạt hơn 9.800 tỷ đồng. Trong năm ngoái, lợi nhuận của nhà băng đã tăng 68% đạt hơn 7.700 tỷ đồng.

Lợi nhuận tăng, lãi suất cho vay khó giảm


Từ đầu năm 2019 đến nay, NHNN tiếp tục điều hành lãi suất phù hợp với diễn biến kinh tế, lạm phát, thị trường tiền tệ.

Cụ thể, vẫn giữ nguyên các mức lãi suất điều hành của NHNN; giữ nguyên lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND đối với lĩnh vực ưu tiên gồm nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao 6,5%/năm; giữ nguyên lãi suất tối đa bằng VND đối với tiền gửi có kỳ hạn dưới 6 tháng.

Hiện lãi suất cho vay phổ biến khoảng 6 - 9%/năm đối với ngắn hạn, trung-dài hạn khoảng 9 - 11%/năm.

Còn lãi suất cho vay USD phổ biến ở mức 2,8 - 6%/năm. Trong đó lãi suất cho vay ngắn hạn phổ biến ở 2,8 - 4,7%/năm, lãi suất cho vay trung, dài hạn ở 4,5 - 6%/năm.

Có thể thấy, ngoài một số ngân hàng thực hiện giảm lãi suất cho vay với các lĩnh vực ưu tiên hồi đầu năm thì lãi suất chung trên thị trường không có xu hướng giảm đi. Đặc biệt, một số khoản vay như vay bất động sản, lãi suất còn có xu hướng tăng kể từ đầu năm.

Vào đầu năm 2018, một loạt ngân hàng đã điều chỉnh giảm lãi suất cho vay từ 0,5- 1%/năm nên trong thời gian ngắn khó có đợt giảm tiếp theo. Hơn nữa, muốn giảm lãi suất cho vay cần phải tính toán dựa trên dòng vốn đầu vào, đầu ra và phải có độ trễ, chứ không phải muốn giảm là giảm ngay được.

Mặt khác, vấn đề lạm phát ở nước ta vẫn còn cao, vào khoảng 3,5 - 4%. Theo xếp hạng của nước ngoài, nền kinh tế nói chung và các doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn tương đối rủi ro (hệ số tín nhiệm Việt Nam đang là BB).

Ngoài ra, một loạt các chi phí hoạt động của ngân hàng ngày càng cao như chi phí lao động, đầu tư công nghệ thông tin, chi phí hoạt động... Những yếu tố này khiến cơ hội giảm lãi suất cho vay, rất khó có thể thực hiện đối với các ngân hàng.

Hà Phương (t/h)


KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục