Ngân hàng có thể không được bán đấu giá nợ

Một trong những thay đổi tại dự thảo thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 09/2015 là Ngân hàng nhà nước đã bỏ quy định cho phép các ngân hàng tự tổ chức bán đấu giá khoản nợ như trước.

Ngân hàng có thể không được bán đấu giá nợ - Ảnh 1

Nhằm đảm bảo thống nhất với quy định pháp luật và xử lý được các vấn đề thực tế phát sinh, Ngân hàng nhà nước (NHNN) đã đề xuất sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 09/2015.

Một trong những thay đổi tại dự thảo thông tư mới là NHNN bỏ quy định cho phép các ngân hàng tự tổ chức bán đấu giá khoản nợ như trước. Thay vào đó, hoạt động bán đấu giá khoản nợ sẽ chỉ được thực hiện khi bên bán nợ (ngân hàng) thuê tổ chức bán đấu giá chuyên nghiệp thực hiện.

Về định giá, dự thảo thông tư mới yêu cầu việc định giá khoản nợ phải được thực hiện theo quy định pháp luật về giá. Trong đó, quy định rõ việc ngân hàng thực hiện xác định giá mua, bán nợ theo phương pháp thỏa thuận và giá khởi điểm theo phương thức bán đấu giá.

Cụ thể, giá sẽ được căn cứ theo giá trị ghi sổ của khoản nợ, lãi mà bên nợ phải trả trong tương lai. Đồng thời, căn cứ tính giá cũng bao gồm nhóm khoản nợ được phân loại, tình hình tài chính khách hàng vay, cung cầu thị trường và các yếu tố khác có ảnh hưởng đến giá trị khoản nợ, khả năng thu hồi, tình trạng và giá trị tài sản bảo đảm (nếu có) tại thời điểm định giá.

Ngoài ra, giá khoản nợ cũng phải tuân theo quy định, hướng dẫn của Bộ Tài chính về các tiêu chuẩn thẩm định giá.

NHNN cho biết Bộ Tài chính đã ban hành các văn bản hướng dẫn về doanh nghiệp thẩm định giá và ban hành 13 tiêu chuẩn về thẩm định giá và hiện cơ quan này cũng đang nghiên cứu để ban hành tiêu chuẩn thẩm định giá riêng cho các khoản nợ. Do vậy, các ngân hàng cũng được áp dụng tiêu chuẩn thẩm định của Bộ Tài chính.

Bên cạnh đó, NHNN cũng đề xuất cho phép bên bán nợ được mua lại các khoản nợ đã bán trong trường hợp mua lại theo phương án tái cơ cấu đã được phê duyệt. 

Nhằm ngăn ngừa và hạn chế hiện tượng các tổ chức tín dụng cho vay khách hàng chéo để che giấu nợ xấu, trong dự thảo mới NHNN yêu cầu các tổ chức tín dụng không được cấp tín dụng cho khách hàng để mua nợ của chính tổ chức tín dụng đó hoặc tổ chức tín dụng khác.

Theo NHNN, trong quá trình thực hiện mua bán nợ theo Thông tư 09/2015, các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đã cho biết có một số phát sinh vướng mắc do thông tư này chưa hướng dẫn cụ thể về cách định giá khoản nợ, xử lý chênh lệch tỷ giá, xử lý tài chính đối với một số trường hợp bên mua nợ là tổ chức tín dụng khác…

Vì vậy, để đảm bảo thống nhất với quy định pháp luật và xử lý được các vấn đề thực tế phát sinh, NHNN đã đề xuất sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 09/2015.

Trước bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, nhiều ngân hàng đang chạy đua bán tài sản đảm bảo để giảm tỷ lệ nợ xấu.

Hồi giữa năm, các "ông lớn" của ngành ngân hàng đua nhau "xả nợ" như ViettinBank thông báo bán loạt tài sản bảo đảm ở nhiều chi nhánh; BIDV cũng dồn dập rao bán hàng loạt tài sản thế chấp từ nhà, xe, cổ phiếu; Agribank cũng rao bán hàng loạt tài sản tại nhiều địa phương,...

Theo các chuyên gia, việc ngân hàng rao bán các khoản nợ khó đòi là cần thiết nhằm đảm bảo đồng vốn hoạt động và giảm tỷ lệ nợ xấu trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp rơi vào khó khăn do dịch COVID-19.

TCDN
In bài viết
KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục