Ngân hàng, bảo hiểm “chống lưng” cho ngành thủy sản

(Kinhdoanhnet) - Chính phủ vừa ban hành Nghị định 67/2014 nhằm hỗ trợ ngành thủy sản. Thực hiện theo nghị định Vietcombank và BIDV đã dành 16.000 tỷ đồng cho vay phát triển thủy sản. Bên cạnh đó các doanh nghiệp thủy sản còn được hỗ trợ về chính sách bảo hiểm khai thác hải sản theo Nghị định này.

Thực hiện theo nghị định 67/2014 của Chính Phủ, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) vừa công bố triển khai chương trình hỗ trợ phát triển thủy sản với tổng doanh số cho vay 15.000 tỷ đồng. Nhằm  hỗ trợ ngư dân vươn khơi bám biển, nâng cao đời sống người dân, khẳng định chủ quyền biển đảo.

Trong chương trình này các đối tượng sẽ được vay vốn để phục vụ cho việc đóng mới, nâng cấp tàu khai thác hải sản xa bờ, tàu dịch vụ hậu cần nghề cá, cho vay vốn lưu động để khai thác hải sản và cung cấp dịch vụ hậu cần khai thác hải sản xa bờ.

Cho vay ngắn hạn thi công đóng tàu; cho vay các dự án đầu tư theo hình thức BT, ứng trước vốn đối với chương trình phát triển thủy sản do vốn ngân sách Nhà nước bố trí. Cho vay phát triển nuôi trồng, sản xuất giống, chế biến thủy hải sản và gia tăng năng lực chế biến hải sản, cá ngừ đại dương.

Ngoài BIDV, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cũng đã công bố sẽ dành 1.000 tỷ đồng cho chương trình này trong năm đầu.

Theo đó, các chủ tàu sẽ được vay tối đa 70% tổng giá trị đầu tư đóng tàu vỏ gỗ và tối đa 95% tổng giá trị đầu tư đóng tàu vỏ thép với cùng lãi suất 7%/năm tại các hệ thống ngân hàng VietcomBank. Chủ tàu được thế chấp giá trị tài sản hình thành từ vốn vay là tàu mới đóng hoặc tàu nâng cấp để bảo đảm khoản vay.

Ngân hàng, bảo hiểm “chống lưng” cho ngành thủy sản
Ngân hàng, bảo hiểm “chống lưng” cho ngành thủy sản.

Ngoài ra chủ tàu còn được vay vốn ngắn hạn đảm bảo chi phí khai thác hải sản và cung cấp dịch vụ hậu cần, với hạn mức tối đa 70% giá trị cung cấp dịch vụ hậu cần đối với tàu dịch vụ hậu cần khai thác hải sản và chi phí cho một chuyến đi biển đối với tàu khai thác hải sản, với lãi suất 7%/năm.

Được biết ngoài BIDV và Vietcombank, còn có 2 ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước khác cũng đã sẵn sàng dành hàng nghìn tỷ đồng cho hỗ trợ phát triển thủy sản theo Nghị định 67 này của Chính phủ. Với số vốn này, cùng vốn đối ứng của ngư dân, sẽ có hơn 2.000 tàu vỏ thép và hàng trăm tàu dịch vụ mới vươn khơi, tạo sức sống mới cho ngành thủy sản.

Không chỉ được các ngân hàng hỗ trợ về vốn, các doanh nghiệp thủy sản còn được hỗ trợ về chính sách bảo hiểm khai thác hải sản theo Nghị định này. Trong đó các ngư dân sẽ được hỗ trợ phí bảo hiểm.

Theo đó, đối tượng được hỗ trợ kinh phí mua bảo hiểm là chủ tàu khai thác hải sản xa bờ, tàu dịch vụ hậu cần khai thác hải sản xa bờ có tổng công suất máy chính từ 90CV trở lên đáp ứng đầy đủ một số yêu cầu cơ bản.

Doanh nghiệp bảo hiểm sẽ được ngân sách nhà nước chi trả phí bảo hiểm khai thác hải sản (phần ngân sách nhà nước hỗ trợ theo quy định) theo trình tự, thủ tục quy định trong Nghị định.

Hoàng Công (TH)

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục