Giảm 2% thuế VAT trong 6 tháng
Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý với dự thảo Nghị định quy định chính sách giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) 2% trong thời gian từ ngày 1/1/2024 đến hết ngày 30/6/2024 theo Nghị quyết của Quốc hội.
Bộ Tài chính cho biết, ngày 29/11/2023, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV, tại điểm 10 Nghị quyết nêu: Giảm 2% thuế suất thuế VAT đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ quy định tại điểm a, mục 1.1, khoản 1 Điều 3 của Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian từ ngày 01/01/2024 đến hết ngày 30/6/2024. Giao Chính phủ tổ chức thực hiện kịp thời, hiệu quả, không làm ảnh hưởng đến dự toán thu và bội chi ngân sách nhà nước năm 2024 theo Nghị quyết của Quốc hội, báo cáo Quốc hội kết quả thực hiện tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV.
Triển khai thực hiện Nghị quyết nêu trên và được sự đồng ý của Lãnh đạo Chính phủ về việc xây dựng Nghị định quy định việc giảm thuế, Bộ Tài chính đã xây dựng dự thảo Nghị định quy định chính sách giảm thuế VAT 2%.
Dự thảo Nghị định nêu rõ, giảm thuế VAT đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10%, trừ nhóm hàng hóa, dịch vụ sau: Viễn thông, hoạt động tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, kim loại và sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, sản phẩm khai khoáng (không kể khai thác than), than cốc, dầu mỏ tinh chế, sản phẩm hoá chất.
Sản phẩm hàng hóa và dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt. Công nghệ thông tin theo pháp luật về công nghệ thông tin.
Việc giảm thuế VAT cho từng loại hàng hóa, dịch vụ quy định được áp dụng thống nhất tại các khâu nhập khẩu, sản xuất, gia công, kinh doanh thương mại. Đối với mặt hàng than khai thác bán ra (bao gồm cả trường hợp than khai thác sau đó qua sàng tuyển, phân loại theo quy trình khép kín mới bán ra) thuộc đối tượng giảm thuế VAT. Mặt hàng than thuộc Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này, tại các khâu khác ngoài khâu khai thác bán ra không được giảm thuế VAT.
Các tổng công ty, tập đoàn kinh tế thực hiện quy trình khép kín mới bán ra cũng thuộc đối tượng giảm thuế VAT đối với mặt hàng than khai thác bán ra.
Trường hợp hàng hóa, dịch vụ nêu tại các Phụ lục I, II và III ban hành kèm theo Nghị định này thuộc đối tượng không chịu thuế VAT hoặc đối tượng chịu thuế VAT 5% theo quy định của Luật Thuế VAT thì thực hiện theo quy định của Luật Thuế VAT và không được giảm thuế VAT.
Theo dự thảo, mức giảm thuế VAT như sau: Cơ sở kinh doanh tính thuế VAT theo phương pháp khấu trừ được áp dụng mức thuế suất thuế VAT 8% đối với hàng hóa, dịch vụ quy định.
Cơ sở kinh doanh (bao gồm cả hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh) tính thuế VAT theo phương pháp tính trực tiếp trên VAT bằng tỷ lệ % nhân với doanh thu được giảm 20% mức tỷ lệ % để tính thuế VAT khi thực hiện xuất hóa đơn đối với hàng hóa, dịch vụ được giảm thuế VAT quy định.
Đối với cơ sở kinh doanh quy định tại điểm a nêu trên, khi lập hoá đơn VAT cung cấp hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng giảm thuế VAT, tại dòng thuế suất thuế VAT ghi "8%"; tiền thuế VAT; tổng số tiền người mua phải thanh toán. Căn cứ hóa đơn VAT, cơ sở kinh doanh bán hàng hóa, dịch vụ kê khai thuế VAT đầu ra, cơ sở kinh doanh mua hàng hóa, dịch vụ kê khai khấu trừ thuế VAT đầu vào theo số thuế đã giảm ghi trên hóa đơn VAT.
Đối với cơ sở kinh doanh quy định tại điểm b nêu trên, khi lập hoá đơn bán hàng cung cấp hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng giảm thuế VAT, tại cột "Thành tiền" ghi đầy đủ tiền hàng hóa, dịch vụ trước khi giảm, tại dòng "Cộng tiền hàng hóa, dịch vụ" ghi theo số đã giảm 20% mức tỷ lệ % trên doanh thu, đồng thời ghi chú: "đã giảm… (số tiền) tương ứng 20% mức tỷ lệ % để tính thuế VAT theo Nghị quyết số .../2023/QH15".
Dự kiến Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2024 đến hết ngày 30/6/2024.
Giảm thu 25 nghìn tỷ đồng
Đánh giá tác động của chính sách tới thu ngân sách nhà nước (NSNN), Bộ Tài chính cho biết, dự kiến số giảm thu NSNN khoảng 4,175 nghìn tỷ/tháng, nếu áp dụng trong 6 tháng đầu năm 2024 thì tương đương khoảng 25 nghìn tỷ đồng.
Để khắc phục và bù đắp các tác động đến thu NSNN trong ngắn hạn, đảm bảo tỷ lệ tăng thu NSNN theo dự toán đã được Quốc hội thông qua cũng như đảm bảo sự chủ động trong điều hành dự toán NSNN, Bộ Tài chính sẽ phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan và các địa phương chú trọng chỉ đạo thực hiện và triển khai hiệu quả các Luật thuế; Tiếp tục cải cách hiện đại hóa hệ thống thuế, đơn giản hóa thủ tục hành chính thuế;
Quyết liệt công tác quản lý thu NSNN, tập trung triển khai kịp thời, có hiệu quả các nhóm giải pháp quản lý thu, chống thất thu, chuyển giá, trốn thuế; đẩy mạnh khai thác tăng số thu từ các nguồn thu còn dư địa, tiềm năng như kinh doanh trên nền tảng số, thương mại điện tử, chuyển nhượng bất động sản, kinh doanh theo chuỗi, tài nguyên, khoáng sản...; tăng cường quản lý thuế qua công tác thanh tra, kiểm tra; kịp thời đôn đốc thực hiện kết luận sau thanh tra, kiểm tra; quản lý chặt chẽ sử dụng hóa đơn điện tử; hoàn thuế; đẩy mạnh triển khai công tác quản lý nợ thuế; theo dõi sát sao tiến độ thu nợ và cưỡng chế nợ thuế, các khoản thuế được gia hạn để tổ chức đôn đốc người nộp thuế nộp đầy đủ, kịp thời các khoản tiền thuế đã hết thời gian gia hạn vào ngân sách;
Kịp thời tháo gỡ khó khăn về thủ tục cho các dự án để đẩy nhanh tiến độ đấu giá đất, đảm bảo nguồn lực đầu tư công thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Cũng theo Bộ Tài chính, trong điều hành yêu cầu cả ngân sách trung ương và ngân sách các địa phương phải tiếp tục rà soát, cắt giảm các khoản chi chưa thực sự cần thiết (kể cả chi đầu tư phát triển và chi thường xuyên) để đảm bảo cân đối chi ngân sách, không làm phát sinh tăng bội chi so với mức Quốc hội đã quyết định.
Báo cáo của Bộ Tài chính cho biết, trong năm 2022, việc thực hiện chính sách giảm thuế VAT theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 đã góp phần kích cầu tiêu dùng nội địa tăng cao, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2022 tăng 19,8% so với năm 2021. Thu thuế VAT nội địa tăng khoảng 10% so với cùng kỳ năm trước.
Năm 2023, ngay từ tháng đầu tiên sau khi áp dụng chính sách (tháng 7/2023), tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 7/2023 tăng 1,1% so với tháng 6/2023 (tăng 7,1% so với cùng kỳ năm trước); tháng 8/2023 tăng 0,9% so với tháng 7/2023 (tăng 7,6% so với cùng kỳ năm trước) và tháng 9 tăng 2,4% so với tháng 8/2023 (tăng 7,5% so với cùng kỳ năm trước).
Mặc dù, tính chung trong quý 3/2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng chỉ tăng 7,3% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn quý 2/2023 và quý 1/2023 tuy nhiên về giá trị tuyệt đối thì tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng quý 3/2023 (khoảng 1.550,2 nghìn tỷ đồng) cao hơn quý 2/2023 (khoảng 1.520,2 nghìn tỷ đồng), quý 1/2023 (khoảng 1.505,3 nghìn tỷ đồng) và đều cao hơn cùng kỳ năm 2022.
|