Được biết, Số 3-3A-3B-5 Sương Nguyệt Ánh là một trong nhiều lô đất có giá trị lớn được Ngân hàng Nam Việt - Navibank (tên gọi cũ của NCB) mua lại dưới thời ông Đặng Thành Tâm. Đây từng là địa chỉ trụ sở cũ của nhà băng này trước khi bị đổi chủ, thay tên và chuyển hội sở ra Hà Nội.
Năm 2015, khu đất 3-5 Sương Nguyệt Ánh đã được phát triển thành khách sạn 4 sao mang thương hiệu Fusion Suites; chủ đầu tư là Công ty TNHH Khách sạn Fusion Suites Sài Gòn.
Khách sạn Fusion Suites Sài Gòn tại địa chỉ số 3-3A-3B-5 Sương Nguyệt Ánh
Theo giới thiệu, tại Fusion Suites Sài Gòn, có tất cả 71 phòng dạng suite mang lối thiết kế hiện đại và tối giản, được trang bị đầy đủ tiện nghi, có khu vực bếp tích hợp bên trong phòng. Bên cạnh đó, với lợi thế nằm ngay trung tâm, thuận tiện và liền kề các điểm du lịch hấp dẫn, Fusion Suites Sài Gòn tự tin sẽ đáp ứng tất cả yêu cầu của khách du lịch hiện đại.
Mặc dù vậy, từ cuối năm ngoái đến nay, trên một số trang tin địa ốc liên tục đăng thông tin rao bán khách sạn 3-5 Sương Nguyệt Ánh. Về kết cấu, lô đất này có diện tích 970 m2 (24,7x40,02m), diện tích xây dựng 469m2, gồm 2 hầm, 10 lầu, 84 phòng với tổng diện tích sàn 7.132 m2. Về pháp lý, khu đất có sổ đỏ lâu dài, đất tư nhân sẵn sàng giao dịch, với mức giá được đưa ra là 35 triệu USD, tương đương 730 tỷ đồng.
Thông tin rao bán khách sạn Fusion Suites Sài Gòn trên một số trang Web
Tuy nhiên theo điều 63 Luật các tổ chức tín dụng năm 2010, một trong những nhiệm vụ, quyền hạn của HĐQT là: "Quyết định đầu tư, giao dịch mua, bán tài sản của tổ chức tín dụng từ 10% trở lên so với vốn điều lệ của tổ chức tín dụng ghi trong báo cáo tài chính đã được kiểm toán gần nhất".
Như vậy, nếu việc bán tài sản tại số 3-3A-3B-5 Sương Nguyệt Ánh, Phường Bến Thành, Quận 1 được thông qua thì sẽ mang về cho NCB khoản thu nhập có giá trị ít nhất 10% vốn điều lệ, tương đương ít nhất 300 tỷ đồng. Đây sẽ là nguồn bổ sung quan trọng cho nội lực của ngân hàng này, có thể đáp ứng kỳ vọng của ngân hàng về tăng trưởng lợi nhuận trong năm 2018.
Theo BCTC hợp nhất bán niên năm 2018 mới được NCB cho thấy, hoạt động kinh doanh của nhà băng này trong nửa đầu năm tăng trưởng mạnh mẽ, với kết quả lợi nhuận thuần lũy kế đến hết Quý II đạt 106,5 tỷ đồng, tăng 32,8% so với cùng kỳ.
Tuy nhiên, trong kỳ, nhà băng này đã phải chi ra gần 51,3 tỷ cho các khoản xử lý theo đề án tái cấu trúc và 39,6 tỷ cho dự phòng rủi ro tín dụng, do đó lợi nhuận trước thuế và sau thuế của NCB lần lượt mang về 15,6 tỷ đồng và 12,5 tỷ đồng, tương ứng tăng 91,8% và 108,1% so với cùng kỳ năm 2017, đồng thời hoàn thành 42% kế hoạch cả năm 2018.
Tính đến hết ngày 30/6/2018, NCB có tổng tài sản đạt 73.317 tỷ đồng, tăng 2,3% so với đầu năm. Cho vay khách hàng ở mức 35.311 tỷ đồng tăng gần 10% so với cuối năm 2017, trong khi đó, huy động tiền gửi của khách hàng lại sụt giảm 1,7% đạt 44.930 tỷ đồng.
Cùng với sự tăng trưởng mạnh mẽ của hoạt động tín dụng, nợ xấu nội bảng của ngân hàng này cũng tăng xấp xỉ 75% lên mức 750 tỷ đồng, tương đương tỷ lệ nợ xấu thêm 0,6% so với đầu năm lên 2,13%. Ngoài ra, NCB cũng có khoản nợ xấu đã bán cho VAMC để đổi lấy trái phiếu đặc biệt với tổng giá trị lên tới gần 6.700 tỷ đồng.
Nguồn: BCTC hợp nhất bán niên 2018 NCB
Tại ĐHĐCĐ thường niên năm nay, Chủ tịch của NCB kỳ vọng hết quý II/2018, giá cổ phiếu NCB sẽ lên 12.000 -14.000 đồng/cp. “Giá hiện đang giữ ở mức thấp do hạn chế về mặt truyền thông. Năm 2018, lợi nhuận kỳ vọng của ngân hàng sẽ tăng nhiều nhờ vào việc bán một loạt bất động sản và xử lý nợ”, lãnh đạo này cho biết.
Ánh Phượng