NamA Bank đã tính chuyện “lên sàn”

(Kinhdoanhnet) - Việc thực hiện niêm yết cổ phiếu NamABank trên sàn chứng khoán sẽ tạo điều kiện, cơ hội kinh doanh tốt hơn cho các nhà đầu tư, gia tăng quyền lợi cho các cổ đông Ngân hàng

Theo như nội dung tài liệu chuẩn bị cho cuộc họp Đại hội cổ đông thường niên năm 2015 sắp được tổ chức tới đây của Ngân hàng Thương mại Cổ phần Nam Á (NamABank), ngân hàng nay đang lên kế hoạch niêm yết cổ phiếu.

Cụ thể NamA Bank cho biết hiện ngân hàng đã đủ điều kiện và đang tiến hành các thủ tục để được Ngân hàng Nhà nước và Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép niêm yết trên sàn chứng khoán.

Theo ban lãnh đạo ngân hàng, việc thực hiện niêm yết cổ phiếu NamABank trên sàn chứng khoán sẽ tạo điều kiện, cơ hội kinh doanh tốt hơn cho các nhà đầu tư, gia tăng quyền lợi cho các cổ đông Ngân hàng. Mặt khác, kế hoạch này cũng sẽ giúp tăng giá trị thương hiệu, tiến tới việc minh bạch, công khai các hoạt động ngân hàng.

NamA Bank đã tính chuyện “lên sàn”
NamA Bank đã tính chuyện “lên sàn”.

NamABank nhận định hoạt động đầu tư và kinh doanh chứng khoán năm 2015 là thời cơ lớn, tạo ra lợi nhuận đột phá nên sẽ trình đại hội thông qua việc đầu tư vào các doanh nghiệp (bao gồm các TCTD), quỹ đầu tư, dự án, góp vốn liên doanh, thành lập công ty trực thuộc.

Trong năm nay NamABank sẽ tiếp tục kế hoạch tăng vốn điều lệ lên 4.000 tỷ đồng. Trước đó trong năm 2014, Ngân hàng đã thực hiện các thủ tục tăng vốn lên 4.000 tỷ và đã được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận bằng văn bản ngày 06/01/2015. NamABank cho biết sẽ hoàn tất tăng vốn sau khi được Ủy ban chứng khoán chấp thuận.

Như vậy NamA Bank đã trở thành Ngân hàng thương mại đầu tiên vạch ra kế hoạch cụ thể cho việc thực hiện niêm yết trên sàn chứng khoán trong năm 2015 này.

Năm 2015, NamABank trình cổ đông kế hoạch năm 2015 với tổng tài sản 40.000 tỷ đồng, tăng 7% so với thực hiện năm trước. Chỉ tiêu huy động tiền gửi đạt 23.500 tỷ đồng, tăng 16%. Lợi nhuận kế hoạch đạt 360 tỷ đồng, tăng 49% so với năm 2014. Tỷ lệ nợ xấu dưới 3%.

Trước NamA Bank, cũng đã có khá nhiều ngân hàng cũng lên kế hoạch niêm yết trên sàn chứng khoán tập trung nhưng sau đó kế hoạch này lại bị “treo giò”. Techcombank, VPBank, Ngân hàng Phương Đông, HDBank, DongABank… cũng lên kế hoạch niêm yết từ vài năm trước nhưng vẫn chưa lên sàn với lý do khá phong phú như bối cảnh thị trường chứng khoán không thuận lợi, phải ưu tiên cho mục tiêu khác như phát triển thương hiệu, tự tái cơ cấu để kiện toàn hệ thống…

Theo các chuyên gia ngân hàng, việc kêu gọi các ngân hàng tự nguyện niêm yết trên sàn chứng khoán thời điểm này ra rất khó. Với mỗi ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước cần phải ấn định thời gian niêm yết trên sàn chứng khoán tập trung. Các chuyên gia cho rằng với cơ chế buộc các ngân hàng niêm yết trên sàn chứng khoán tập trung sẽ giúp cho việc xử lý tình trạng sở hữu chéo được giải quyết nhanh hơn. Bởi những cổ phiếu niêm yết trên sàn sẽ giúp cổ đông của các ngân hàng thoái vốn dễ dàng hơn.

Ngọc Anh (TH theo Vneconomy; Vietstock; ANTT)

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục