Ngân hàng ngoại vươn sang DN nội
Đến cuối năm nay, AEC sẽ chính thức được thành lập và một trong những mục tiêu đề ra là thực thi hệ thống ngân hàng mở, có nghĩa là các quốc gia thành viên sẽ phải bỏ mọi giới hạn về sở hữu nước ngoài với các ngân hàng nội địa của mình.
Sự gia nhập của các ngân hàng nước ngoài cũng đồng nghĩa với việc sẽ có một cuộc cạnh tranh khốc liệt hơn với nhóm các ngân hàng Việt Nam. Bởi bên cạnh việc phục vụ nhu cầu tài chính cho hoạt động đầu tư của các DN nước ngoài, các ngân hàng ngoại cũng có khả năng thu hút khách hàng là DN địa phương dựa vào uy tín thương hiệu trên thị trường cũng như sức mạnh tài chính dồi dào từ các công ty mẹ.
Thực tế là, tận dụng cơ hội của AEC, một số ngân hàng thương mại tại các nước ASEAN đang có kế hoạch nâng cao sự hiện diện của mình tại Việt Nam. Mới đây, Ngân hàng Kasikorn của Thái Lan đã thành lập hai văn phòng đại diện tại Hà Nội và TP.HCM. Trước Kasikorn, Ngân hàng Phát triển Singapore (DBS) và Maybank (Malaysia) cũng đã có mặt tại thị trường Việt Nam. Trong đó Kasikorn cho biết, sẽ mở rộng hoạt động tại Việt Nam và tiếp tục mở thêm nhiều văn phòng và chi nhánh sau khi được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cấp phép. Trước khi ra mắt chính thức vào đầu tháng 3 vừa qua, Kasikorn đã từng có quá trình hợp tác với hai ngân hàng lớn của Việt Nam là Vietinbank và Agribank.
Với nhu cầu vốn ngày càng lớn từ các DN Việt Nam cũng như những DN FDI tại đây, rất nhiều ngân hàng thuộc các nước ASEAN muốn đón đầu xu thế này và tìm cách phát triển kinh doanh tại Việt Nam. Ông Tharabodee Serng-Adichaiwit, Phó chủ tịch, kiêm Tổng giám đốc Ngân hàng Bangkok chi nhánh Việt Nam cho hay, trong 3 quý đầu năm 2014, tăng trưởng tín dụng của ngân hàng này đã tăng 10%, cao gấp 2,5 làn mức tăng trưởng tín dụng của hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam cùng thời gian, trong đó. “các khoản tín dụng cấp cho nhà đầu tư FDI chiếm hơn 90% khoản cho vay mới của chi nhánh ngân hàng chúng tôi tại Việt Nam”, ông Tharabodee Serng-Adichaiwit tiết lộ.
Đại diện một quỹ đầu tư nước ngoài tại Việt Nam nhận xét, tới đây AEC được hình thành, cộng với hàng loạt FTA như Việt Nam-EU, TPP… được ký kết sẽ khiến vốn FDI vào Việt Nam tăng mạnh hơn. Hiện tại, đã có nhiều tập đoàn nước ngoài bắt đầu “đổ bộ” sang Việt Nam. Tuy nhiên, với các khách hàng tiềm năng này, các ngân hàng trong nước cũng không có nhiều cơ hội, bởi thường dòng vốn FDI chảy đến đâu, ngân hàng của nước đó sẽ đi theo tới đó.
Minh chứng rõ ràng nhất là, trong số hơn 100 chi nhánh, văn phòng đại diện của ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam hiện nay, có nhiều đại diện của ngân hàng Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Thái Lan… Đây cũng chính là những quốc gia và vùng lãnh thổ có vốn đầu tư lớn vào Việt Nam thời gian qua.
Điều đáng nóii là do có mạng lưới hoạt động rộng rãi, nên các ngân hàng trong khu vực khi “đổ bộ” vào Việt Nam không chỉ “thâu tóm” được khách hàng “ruột” của nước mình, mà còn nắm giữ được khách hàng tại nhiều quốc gia khác có ý định đầu tư vào Việt Nam. Đơn cử, Ngân hàng Bangkok chi nhánh Việt Nam không chỉ phục vụ khách hàng Thái Lan, mà còn thu hút được nhiều DN Trung Quốc có ý định đầu tư sang Việt Nam nhờ từ lâu đã thiết lập được mạng lưới chi nhánh ở Trung Quốc.
Cạnh tranh khốc liệt
Hiện tại, các ngân hàng trong nước sống dựa chủ yếu vào khối DNNN và các tập đoàn tư nhân lớn, bên cạnh cho vay cá nhân. Số ngân hàng đủ sức vươn ra các nước trong khu vực còn ít và hiệu quả cũng chưa cao. Thời gian qua, các ngân hàng như Vietcombank, Vietinbank, BIDV… đều đặt kế hoạch mở rộng khách hàng sang khối ngoại, song để thực hiện được là việc không hề dễ dàng.
Ông Phạm Quang Dũng, Tổng giám đốc Vietcombank cho biết, nhóm khách hàng FDI chiếm vai trò quan trọng trong giao dịch đối với các tổ chức kinh tế nói chung, đặc biệt là hoạt động kinh doanh ngoại tệ và thanh toán xuất khẩu. Bởi vậy, tiềm năng đẩy mạnh doanh số thanh toán xuất nhập khẩu đối với khách hàng FDI tương đối lớn. “Thời gian qua, Vietcombank đã cung cấp nhiều sản phẩm, dịch vụ như tiền gửi, tài khoản thanh toán, giao dịch mua bán ngoại tệ, trả lương qua tài khoản, phát hành thẻ ATM… cho DN FDI. Tuy nhiên, số lượng khách hàng và dư nợ vẫn chiếm tỷ lệ khá nhỏ trong cơ cấu khách hàng và tổng dư nợ của Vietcombank”, ông Dũng thừa nhận.
Còn theo ông Lê Quang Trung, Phó tổng giám đốc khối nguồn vốn và ngoại hối, Ngân hàng VIB, cách đây mấy năm, VIB đã lập cả “đội” phụ trách DN FDI, song cho đến nay, kết quả đạt được chưa được như mong muốn.
Điều đáng lo là, trong khi các ngân hàng trong nước đang chật vật khai phá khối khách hàng FDI, thì nhiều ngân hàng nước ngoài đã công khai bày tỏ mong muốn sẽ “nhắm” vào các DN nội, vốn là khách hàng của ngân hàng trong nước.
Theo ông Đàm Nhân Đức, Giám đốc trung tâm phân tích và quản trị chiến lược của Techcombank, giải pháp duy nhất cho các ngân hàng nội là hợp tác với các ngân hàng ASEAN như DBS, OCBC hay Maybank, để cùng nhau phát triển.
Chuyên gia kinh tế Phan Minh Ngọc cũng cho rằng việc thành lập cộng đồng kinh tế chung sẽ mang lại nhiều giá trị cho ngành ngân hàng trong nước còn lớn hơn những bất lợi về cạnh tranh. Bởi theo ông Ngọc, tài sản thuộc sở hữu của các ngân hàng ASEAN thực tế vẫn còn nhỏ nếu so sánh với các ngân hàng quốc tế. Vì vậy, hội nhập sẽ góp phần tạo ra các ngân hàng hùng mạnh hơn cũng như giúp mở rộng hệ thống khách hàng.
ASEAN hiện là đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam. Theo số liệu thống kê của Bộ Công thương, kim ngạch thương mại với ASEAN chiếm hơn 14% tổng giá trị thương mại của Việt Nam trong năm 2014.
Tổng giá trị xuất khẩu của Việt Nam sang các nước Asean đạt 19 tỷ USD, chiếm 12,7% trong tổng kim ngạch xuất khẩu. Tổng vốn đầu tư của doanh nghiệp thuộc các quốc gia ASEAN tại Việt Nam 53 tỷ USD, chiếm 20% tổng vốn FDI tại Việt Nam.
Theo tapchithue.com.vn