Sau gần 3 năm triển khai thực hiện Đề án tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng giai đoạn 2011 - 2015, mặc dù đã đạt một số kết quả nhất định nhưng tiến độ thực hiện vẫn còn chậm. 2015 là năm cuối cùng thực hiện đề án tái cơ cấu này, do vậy để có thể hoàn thành được mục tiêu đề ra ngay từ đầu năm 2015, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) – ông Nguyễn Văn Bình đã phát đi lời kêu gọi các Ngân hàng cổ phần nhà nước vào cuộc mua bán sáp nhập và đưa ra lời cam kết sẽ tạo điều kiện thuận lợi hỗ trợ cho những ngân hàng này không bị thiệt thòi khi sáp nhập.
Theo Thống đốc Bình trong năm nay sẽ có ít nhất 6 ngân hàng phải thực hiện sáp nhập. Được biết tính đến thời điểm hiện nay các thương vụ chắc chắn sẽ được sáp nhập là Ngân hàng Phương Nam với Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), Ngân hàng Mê Kông (MDB) về với Ngân hàng Hàng hải Việt Nam (Maritime Bank). Trong đó thương vụ sáp nhập đầu tiên sẽ là Southernbank vào Sacombank, sau đó yêu cầu nhiều ngân hàng yếu kém khác nhập vào ngân hàng lớn.
Mới đây hai thương vụ nữa cũng đã được công bố đó là cuộc “kết hôn” giữa Vietcombank – SaigonBank và VietinBank - PGBank. Ngoài ra một “ông lớn” ngân hàng khác là BIDV hiện cũng đang có kế hoạch tìm hiểu một số ngân hàng nhỏ để tiến hành sáp nhập. Tuy nhiên theo một số thông tin nhận được thì có thể đối tượng sáp nhập của BIDV sẽ là Ngân hàng Phát triển nhà đồng bằng sông Cửa Long (MHB).
Ngân hàng TMCP Nam Á (NamAbank) cũng cho biết hiện đang tiến hành tìm kiếm và lựa chọn đối tác phù hợp để sáp nhập. Ông Trần Ngọc Tâm - Phó Tổng Giám đốc ngân hàng này cho biết, hiện có khoảng 2-3 sự lựa chọn. “Chúng tôi sẽ xin cổ đông cho phép lựa chọn, sau khi xong nếu cần thiết có thể họp cổ đông bất thường rồi trình xin ý kiến NHNN” - ông Tâm nói. Theo nhiều đồn đoán có thể đối tác của NamABank sẽ là Ngân hàng thương mại cổ phần xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank).
Năm 2015, ngân hàng nào sẽ phải sáp nhập?
Hiện cặp đôi DongABank và An Bình Bank, cũng đang trong giai đoạn tìm hiểu nhau.
Không chỉ khuyến khích các ngân hàng tham gia sáp nhập, Thống đốc NHNN cũng cho biết sẽ kiên quyết xử lý những ngân hàng yếu kém, không có triển vọng phục hồi, phát triển, kể cả giải thể, phá sản. Thậm chí trong thời gian sắp tới, sẽ có thêm những ngân hàng bị “quốc hữu hóa” giống như Ngân hàng Xây dựng Việt Nam (VNCB). Điều này không những cho thấy một bước đột phá mà còn là biện pháp chưa có tiền lệ được sử dụng tại Việt Nam. Qua đây thể hiện được ý chí quyết tâm mạnh mẽ của NHNN để có một hệ thống ngân hàng phát triển lành mạnh tại Việt Nam.
Trao đổi về vấn đề tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng của NHNN, chuyên gia ngân hàng TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng năm 2015 sẽ là một năm ngân hàng nhà nước chịu áp lực rất lớn khi giải quyết rốt ráo những tồn đọng từ các năm trước, nhất là liên quan đến vấn đề tái cơ cấu hệ thống ngân hàng.
Chính vì vậy ngay từ đầu năm, NHNN đã có nhiều động thái ngày càng quyết liệt nhằm thúc đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu. Tuy nhiên trong bối cảnh hiện nay theo T.S Hiếu không nên kỳ vọng quá lớn vào thời điểm cuối năm nay Việt Nam sẽ có hệ thống ngân hàng hoàn hảo nhất, nợ xấu được giải quyết một cách dứt điểm… Bởi: “Để làm được điều này, theo tôi, cần có thêm thời gian khi nền kinh tế thực sự hồi phục mạnh, hệ thống NH hoạt động lành mạnh, phát triển vững chắc hơn. Giải quyết vội vã quá sẽ có những hậu quả và hệ lụy cũng như tác động phụ khó lường”- ông Hiếu chia sẻ.
Đồng quan điểm trên chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh cũng cho rằng việc cơ cấu hệ thống ngân hàng dù dưới hình thức sáp nhập, hợp nhất, mua lại hay cho giải thể, phá sản thì xử lý tài sản, đặc biệt các nghĩa vụ nợ là phức tạp và khó khăn nhất do quy mô rất lớn, đụng chạm đến nhiều đối tượng trên địa bàn rộng lớn, trong khi các mối quan hệ đan xen cũng như việc đánh giá chất lượng và xác định giá trị tài sản là không hề đơn giản.
Ngọc Anh (TH theo TP; TBNH; PL.TPHCM; SG Online)