Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB) đã thông qua kế hoạch kinh doanh với lợi nhuận trước thuế dự kiến 655 tỷ đồng, tăng "khiêm tốn" 1% so với năm 2014.
Ngân hàng thứ hai đã tổ chức ĐHĐCĐ là Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank). Mấy năm qua tình hình kinh doanh của ngân hàng này đang trên đà tuột dốc. Năm 2011, ngân hàng đạt 1.086 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, năm 2012 còn 967 tỷ đồng, năm 2013 là 664 tỷ đồng và bất ngờ năm vừa qua chỉ còn 535 tỷ đồng.
Chính vì thế, năm 2015, LienVietPostBank cũng chỉ "dè dặt" đưa ra kế hoạch lợi nhuận 936 tỷ đồng, tăng 75% kết quả đã thực hiện được năm qua, nhưng giảm 14% so với kế hoạch 2014.
Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) đạt 303 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế năm 2014, chỉ hoàn thành được 87% kế hoạch đề ra đầu năm. Dự kiến, kế hoạch lợi nhuận trước thuế trình ĐHĐCĐ vào tháng này của ngân hàng cũng chỉ “khiêm tốn” khoảng 400 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế.
Ngân hàng TMCP Nam Á (NamABank), lợi nhuận năm qua đạt 243 tỷ đồng trước thuế, vượt 15% mục tiêu đầu năm. Kế hoạch lợi nhuận năm 2015 được ngân hàng dự kiến cũng là 400 tỷ đồng.
Trong khi đó, mục tiêu lợi nhuận của Ngân hàng TMCP Sài Gòn thương tín (Sacombank) dự kiến đưa ra cho năm nay không cao hơn kế hoạch 3.000 tỷ đồng năm trước.
Tăng trưởng ổn định nhưng Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) cũng rất thận trọng khi dự kiến lợi nhuận trước thuế 3.150 tỷ đồng, giảm 0,75% so với lợi nhuận đạt được 3.174 tỷ đồng năm 2014.
Năm nay, chỉ tiêu lợi nhuận của Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu (Eximbank) đưa ra dự kiến chỉ ở mức 1.000 tỷ đồng trước thuế.
Mạnh bạo nhất trong loạt ngân hàng đặt kế hoạch đến thời điểm này là Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển (BIDV). 2015, BIDV dự kiến lợi nhuận trước thuế tăng trưởng không thấp hơn 20%. Trong năm 2014, ngân hàng đạt 6.065 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. Như vậy, ước tính mục tiêu lợi nhuận của BIDV trong năm nay ít nhất phải là 7.278 tỷ đồng.
Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cho biết, năm 2015, Ngân hàng đặt kế hoạch lợi nhuận trước thuế 5.900 tỷ đồng, tăng 0,42% so với kết quả thực hiện 5.875 tỷ đồng năm 2014.
Các ngân hàng đang thận trọng với kế hoạch lợi nhuận bởi gánh nặng nợ xấu. Chi phí trích lập dự phòng đối với nợ xấu sẽ tăng lên vì dự kiến việc áp dụng Thông tư 36 và toàn bộ Thông tư 02 trong năm nay sẽ làm cho bức tranh nợ xấu rõ ràng hơn. Điều này cũng sẽ ảnh hưởng đến lợi nhuận ngân hàng.
Ngay trong năm 2014, lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh trước dự phòng của các ngân hàng ở mức tương đối cao nhưng vì chi phí dự phòng rủi ro lớn, ăn mòn lợi nhuận.
Trong năm qua, ngân hàng VIB đạt lợi nhuận trước dự phòng đến 1.836 tỷ đồng, nhưng sau dự phòng lợi nhuận trước thuế chỉ còn 648 tỷ đồng.
Ba tháng cuối năm, Eximbank lỗ khủng 678 tỷ đồng do dự phòng rủi ro tăng vọt gấp gần 5 lần. Kết quả lợi nhuận cả năm 2014 Eximbank chỉ đạt 56 tỷ đồng, hoàn thành vỏn vẹn 4% kế hoạch đề ra cho cả năm.
Lý giải về mục tiêu đặt ra không cao hơn năm trước, ngân hàng MB cho rằng kinh tế vĩ mô có dấu hiệu phục hồi, song vẫn tiềm ẩn nhiều khó khăn.
Với trường hợp của LienVietPostBank, ông Nguyễn Đức Hưởng, Phó Chủ tịch thường trực nhà băng này "trấn an" cổ đông rằng, đối với LienVietPostBank, “giảm” ở đây là để ... “tính đường dài”.
"Đường dài" mà ông nói là việc ngân hàng đổi mới biên chế, chi phí mở rộng mạng lưới và trích lập dự phòng rủi ro, tập trung đầu tư phát triển công nghệ.
Có thể nói, với hàng loạt các Thông tư 36, Thông tư 02 chính thức có hiệu lực trong năm nay, các ngân hàng đang đứng trước rất nhiều áp lực, đây là nguyên nhân mà nhiều ngân hàng lý giải khi thận trọng đề ra chỉ tiêu lợi nhuận trình trước ĐHĐCĐ.
Theo BizLIVE