Sở hữu chéo trong hệ thống ngân hàng dù được cảnh báo sẽ gây ra những hệ lụy, những hậu quả khôn lường cho hệ thống và nên kinh tế, nhưng thực tế thời gian qua việc xử lý sở hữu chéo vẫn chưa được dứt điểm còn nhiều dây dưa.
Ngay trong Kỳ họp thứ bảy vừa qua đại biểu Quốc hội Huỳnh Nghĩa cũng đã chất vấn Thống đốc NHNN về vấn đề này.
Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình hầu hết các hệ thống ngân hàng trên toàn thế giới đều xuất hiện vấn đề sở hữu chéo, đầu tư chéo với quy mô và mức độ khác nhau gây ra nhiều tác động tiêu cực cho nền kinh tế nên cần biện pháp quản lý, kiểm soát.
Đối với hệ thống tổ chức tín dụng tại Việt Nam, sở hữu chéo, đầu tư chéo đã xuất hiện từ khá lâu. Tính đến cuối năm 2013, quy mô sở hữu chéo trực tiếp chưa lớn, nhưng khá phức tạp, gây nên một số tác động tiêu cực và tiềm ẩn nhiều rủi ro, ảnh hưởng đến an toàn hoạt động của từng TCTD.
Thống đốc cũng cho biết thêm muốn xử lý được sở hữu chéo cần phải có lộ trình, đi từng bước thận trọng để có thể giữ ổn định được từng tổ chức tín dụng. Giải pháp xử lý cần phải toàn diện bao gồm sửa đổi, hoàn thiện cơ chế, chính sách để hạn chế sở hữu chéo và quy định an toàn hoạt động ngân hàng; xử lý đồng bộ, toàn diện, nhưng có tính đến đặc điểm của từng TCTD cụ thể.
Kể từ năm 2012 đến nay, đã không dưới 2 lần Thủ tướng Chính phủ khi dự Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng đã nhắc nhở: Phải kiên quyết chặt đứt sở hữu chéo, không để tình trạng này lũng đoạn hệ thống ngân hàng, gây mất an toàn cho cả thị trường tài chính và nền kinh tế.
Mặc dù cho đến nay cũng đã đạt được một số kết quả khả quan khi NHNN đã tiến hành tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, buộc 9 ngân hàng yếu kém, hoạt động không hiệu quả phải hợp nhất, sáp nhập lại. Tuy nhiên bấy nhiêu đây thôi vẫn chưa thể nói lên được điều gì khi hiện tại mối quan hệ giữa các cổ đông trong hệ thống ngân hàng vẫn đang là một mớ bòng bong.
Muốn xử lý được sở hữu chéo cần phải có lộ trình cụ thể.
Sở hữu chéo không phải lúc nào cũng gây ra hậu quả tiêu cực, bởi nếu nó minh bạch thì sẽ góp phần cải thiện sự hỗ trợ vốn, công nghệ, kinh nghiệm lẫn nhau giữa các thành viên. Nhưng nó sẽ thực sự biến thành “thảm họa” nếu không được kiểm soát chặt chẽ, khi mà cổ đông là thể nhân hay pháp nhân sở hữu tỷ lệ cổ phần chi phối, có quyền định đoạt tại nhiều ngân hàng khác nhau.
Để có thể xử lý được vấn đề này, NHNN cho biết sẽ triển khai cơ chế giám sát chặt chẽ các cổ đông, việc chấp hành giới hạn sở hữu cổ phần và quan hệ tín dụng của cổ đông, người có liên quan với tổ chức tín dụng; định kỳ xem xét, đánh giá thực trạng cơ cấu sở hữu vốn điều lệ và mức độ ảnh hưởng cổ đông lớn, nhóm cổ đông lớn và người có liên quan của các cổ đông lớn đối với quản trị, điều hành và hoạt động của ngân hàng.
Thêm vào đó khi tiến hành tái cơ cấu, NHNN sẽ đặc biệt quan tâm tới các cổ đông, nhóm cổ đông mới nhận chuyển nhượng cổ phần, vốn góp từ các cổ đông cũ tại ngân hàng thương mại cổ phần yếu kém. Các cổ đông này phải chứng minh có đủ năng lực tài chính, không sử dụng vốn vay, vốn huy động từ chính các ngân hàng đó hoặc các tổ chức, cá nhân khác. Đồng thời, NHNN thông qua các công cụ theo dõi, giám sát và phối hợp với các cơ quan có liên quan tiến hành thêm các biện pháp xác minh nguồn tiền hợp pháp của cổ đông mới.
Đối với các tổ chức tín dụng được sở hữu bởi cùng một hoặc một nhóm cổ đông, Ngân hàng Nhà nước sẽ thực hiện sáp nhập, hợp nhất lại với nhau để vừa xử lý vấn đề sở hữu chéo, tránh sự liên thông vốn giữa các tổ chức tín dụng, vừa xử lý những vấn đề yếu kém, vi phạm pháp luật của các tổ chức tín dụng đó.
Thanh Tuyền (TH)