Muốn tăng trưởng kinh tế phải tăng tín dụng ngân hàng

TS. Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế nhận định, tín dụng ngân hàng có mối quan hệ mật thiết với việc thực hiện hai mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội quan trọng hàng đầu của Việt Nam là tốc độ tăng trưởng kinh tế và tốc độ lạm phát hàng năm. Muốn thúc đẩy tăng trưởng kinh tế phải tăng tín dụng ngân hàng do mô hình tăng trưởng của Việt Nam hiện vẫn còn dựa nhiều vào tăng vốn đầu tư, trong đó có tăng vốn tín dụng.

Tại Hội thảo khoa học “Tăng trưởng tín dụng của các NHTM Việt Nam hiện nay: thực trạng và giải pháp” vừa được Hiệp hội Ngân hàng tổ chức đầu tuần này, thêm một lần nữa, câu chuyện tắc tín dụng được nêu lên như một nguy cơ lớn.

Tuy nhiên, dường như những vấn đề nêu ra chưa có nhiều đột phá, mà vẫn thuộc dạng "biết rồi khổ lắm nói mãi" như rất nhiều hội thảo đã từng được tổ chức… Vấn đề bây giờ là cần phải hành động mạnh mẽ và thực chất hơn.

Muốn tăng trưởng kinh tế phải tăng tín dụng ngân hàng
Muốn tăng trưởng kinh tế phải tăng tín dụng ngân hàng.

 

Ngân hàng có thể giảm lãi suất cho vay

Ông Lê Đức Thọ, Tổng giám đốc Vietinbank cho biết, với kỳ vọng lạm phát cả năm khoảng 5 - 6%, để đảm bảo duy trì lãi suất thực dương cho người gửi tiền, mặt bằng lãi suất huy động gần như không còn dư địa để giảm thêm. Đối với lãi suất cho vay, từ nay đến cuối năm 2014, về cơ bản, NHNN vẫn điều hành chính sách lãi suất ổn định như hiện nay nếu không có biến động đột biến của CPI, các TCTD có thể giảm lãi suất cho vay xuống thêm 1 - 2%/năm.

Tổng giám đốc MB, ông Lê Công nhận định, các NHTM đang tiết giảm chi phí hoạt động, tăng cường đầu tư đổi mới công nghệ, mở rộng các kênh bán hàng, đặc biệt là các kênh điện tử và kênh liên kết với đối tác… để có thể giảm bớt giá thành sản phẩm, tạo cơ sở để giảm lãi suất cho vay, chia sẻ khó khăn với cộng đồng doanh nghiệp. Mặc dù lãi suất hiện nay đã ở mức hợp lý và không còn là yếu tố quyết định đến tăng trưởng tín dụng, nhưng trong điều kiện cho phép, nếu ngân hàng điều chỉnh giảm lãi suất cho vay cũng sẽ là một biện pháp hữu hiệu để kích thích nhu cầu vay vốn của các doanh nghiệp.

"Tiếp tục tái cơ cấu, giảm thiểu chi phí, thủ tục hành chính, qua đó, có thể tiếp tục giảm lãi suất cho vay", TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế phân tích.

Bên cạnh đó, đại diện của OceanBank cho biết, Ngân hàng sẽ thu hút các khách hàng cá nhân, hộ gia đình, doanh nghiệp nhỏ và vừa để cho vay vốn ngắn hạn, giảm tỷ lệ nợ xấu, nợ quá hạn thông qua công tác quản lý nợ, quản trị rủi ro cũng như đôn đốc thu hồi nợ quá hạn.

"OceanBank đã xây dựng đa dạng các sản phẩm tín dụng, tập trung cho vay xuất khẩu, tiêu dùng trong nước, thương mại, dịch vụ với nhiều ưu đãi về lãi suất, thời gian xử lý hồ sơ, kèm theo các gói sản phẩm toàn diện… để đa dạng hóa danh mục đầu tư một cách an toàn và hiệu quả", một lãnh đạo của Ngân hàng nói.

Nhưng doanh nghiệp cũng phải chủ động

PGS. TS. Lê Thị Tuấn Nghĩa, Học viện Ngân hàng cho rằng, triển khai các nhiệm vụ tái cấu trúc nền kinh tế đòi hỏi tập trung nâng cao năng lực của các yếu tố sản xuất như công nghệ và chất lượng lao động, vốn dĩ đã chậm phát triển so với các doanh nghiệp nước ngoài và các quốc gia khác. Đây là điều kiện tiền đề để các doanh nghiệp có thể hấp thụ được lượng vốn tín dụng từ các ngân hàng, cũng như xa hơn là nâng cao năng lực cạnh tranh và tiến tới thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

"Theo đó, có sự phân bổ đầu tư hợp lý cho hoạt động khoa học công nghệ, đổi mới cơ chế, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào khoa học công nghệ. Các hình thức chuyển giao, phổ biến khoa học công nghệ phải phù hợp với quy mô, khả năng của doanh nghiệp"… PGS. TS. Lê Thị Tuấn Nghĩa nhận định.

Còn TS. Cấn Văn Lực cho rằng, về phía doanh nghiệp cũng cần đưa ra những giải pháp cho mình như: giảm giá, đưa hàng về nông thôn, góp phần giảm tồn kho; thiện chí hợp tác, phối hợp với TCTD trong cơ cấu lại nợ, thanh toán nợ và xây dựng phương án kinh doanh phù hợp. Thực hiện quyết liệt tái cơ cấu, chiến lược - tổ chức, hoạt động, tài chính và quản trị…

"6 'ngón' giúp doanh nghiệp Mỹ vượt qua khó khăn là: cắt giảm chi phí; nhìn ra bên ngoài; sử dụng các hình thức tiếp thị 'ít tốn kém'; liên kết kinh doanh với phương châm sử dụng 'trí khôn của đám đông'; quay lại những bài học cơ bản trong kinh doanh như kiểm soát tài chính, đào tạo bán hàng, quản lý quan hệ khách hàng… và cuối cùng là không mắc lại lỗi lầm, học từ lỗi lầm và đi tiếp", TS. Cấn Văn Lực gợi ý.

Trong chuyến thực địa hoạt động ngành tại tỉnh Thanh Hóa, ông Nguyễn Văn Bình, Thống đốc NHNN Việt Nam đã khẳng định, hệ thống ngân hàng không thiếu tiền, nhưng làm thế nào thì phải cân nhắc. Ban lãnh đạo NHNN vẫn chưa muốn lãi suất tăng, nên có tình trạng các ngân hàng thừa tiền, nhưng các doanh nghiệp cũng phải làm sao để tốt lên.

"Trước đây, vay dễ thì hiệu quả thấp, nợ xấu lớn và thực tế đó chúng ta đã phải trả giá, chính vì vậy mới phải tái cấu trúc. 3 năm vừa qua, tín dụng thấp nhưng hiệu quả kinh tế đảm bảo, ổn định vĩ mô. Do đó, doanh nghiệp nào không hiệu quả thì cũng buộc phải loại bỏ, nhưng đổi lại, chúng ta có hiệu quả cao hơn cho nền kinh tế", Thống đốc NHNN nói.

Mấu chốt vẫn là xử lý mối quan hệ đan xen

TS. Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế nhận định, tín dụng ngân hàng có mối quan hệ mật thiết với việc thực hiện hai mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội quan trọng hàng đầu của Việt Nam là tốc độ tăng trưởng kinh tế và tốc độ lạm phát hàng năm. Muốn thúc đẩy tăng trưởng kinh tế phải tăng tín dụng ngân hàng do mô hình tăng trưởng của Việt Nam hiện vẫn còn dựa nhiều vào tăng vốn đầu tư, trong đó có tăng vốn tín dụng.

Đến lượt mình, tín dụng tăng mạnh nhưng lại không được sử dụng hiệu quả tất yếu dẫn đến bất ổn kinh tế vĩ mô, nguy hiểm trực tiếp nhất là đẩy lạm phát tăng cao trong khi tốc độ tăng trưởng kinh tế không tăng được do hiệu quả sử dụng vốn thấp. Để duy trì ổn định vĩ mô, kiềm chế lạm phát buộc phải thắt chặt chính sách tiền tệ, giảm tốc độ tăng tổng tín dụng, do đó, tác động tiêu cực tới tốc độ tăng trưởng kinh tế, thậm chí gây ra suy giảm kinh tế.

Ông Lê Đức Thọ chia sẻ, để lưu thông dòng vốn tín dụng, thời gian tới đòi hỏi tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp chính sách vĩ mô để tháo gỡ những nút thắt quan trọng như: tăng tổng cầu, hỗ trợ thị trường, tiêu thụ sản phẩm đầu ra của DN; giải quyết dứt điểm nợ đọng của ngân sách, tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn liên quan đến xử lý nợ để hỗ trợ các TCTD thu hồi nợ xấu; minh bạch các thông tin/chính sách, tạo niềm tin cho thị trường…

"Xử lý mối quan hệ bộ ba: tốc độ tăng tổng tín dụng - tốc độ tăng trưởng kinh tế - tốc độ lạm phát vừa là khoa học vừa là nghệ thuật nhằm tìm ra phương án tối ưu cho từng thời điểm, từng giai đoạn cụ thể", TS. Vũ Đình Ánh nói.

Theo Đầu tư Chứng khoán

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục