Mưa lũ tại miền Trung: 18 người chết và mất tích, gần 8 vạn nhà bị ngập

(Kinhdoanhnet) - Tính đến sáng nay (16/10), mưa lũ tại miền Trung đã khiến 14 người chết , 4 người mất tích và 18 người bị thương, khoảng 95.350 ngôi nhà bị ngập.

Khoảng 95.350 ngôi nhà bị ngập, trong đó Quảng Bình có 71.192 nhà, Hà Tĩnh có 24.158 nhà. Hiện Thừa Thiên Huế, Quảng Trị đã hết ngập, nước đang rút. Ngoài các tuyến đường quốc lộ và tuyến đường sắt Bắc Nam qua xã Văn Hóa, huyện Tuyên Hóa, Quảng Bình bị ngập thì nhiều tuyến đường liên huyện, liên xã tại cũng ngập nặng, hiện nước đang rút.

Mưa lũ tại miền Trung: 18 người chết và mất tích, gần 8 vạn nhà bị ngập - Ảnh 1
Lũ ngập người dân Cồn Sẽ (Quảng Lộc, thị xã Ba Đồn,Quảng Bình) lên nóc nhà tránh lũ. Ảnh: Người lao động

Hiện các địa phương bị ảnh hưởng mưa lũ đang tích cực tìm kiếm người mất tích, giúp dân thu dọn nhà cửa, vệ sinh môi trường, khôi phục hệ thống điện, nước sinh hoạt chỉ đạo các lực lượng tiếp tục sẵn sàng ứng phó với diễn biến mưa lũ và khắc phục hậu quả.

 

Lũ quét đã xảy ra tại xã Đức Hóa, huyện Tuyên Hóa, Quảng Bình khiến 34 hộ nằm trong khu vực bị ảnh hưởng. Địa phương đang cử đoàn công tác xuống hiện trường chỉ đạo khắc phục hậu quả và thống kê thiệt hại.

Hà Tĩnh có 34 hồ đập lớn, hiện nay đã có tới 11 hồ đập đến quy trình phải xả. Vì vậy, lo ngại nhất hiện nay là việc điều tiết hồ đập để tránh những ảnh hưởng có thể ngập sâu hơn nữa tới người dân ở vùng hạ du.

Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo, huy động 1.238 người và 25 phương tiện cùng các lực lượng tham gia ứng phó và tìm kiếm cứu nạn.

Mưa lũ tại miền Trung: 18 người chết và mất tích, gần 8 vạn nhà bị ngập - Ảnh 2
Ngập lụt nghiêm trọng trên trục đường Tuệ Tĩnh, thành phố Vinh (Ảnh chụp lúc 8 giờ sáng 15/10). Ảnh: TTXVN
Ban Chỉ huy PCTT & TKCN tỉnh Quảng Bình đề xuất lãnh đạo tỉnh này nên kiến nghị với Chính phủ, các bộ, ban ngành trung ương, hỗ trợ khẩn cấp cho địa phương 5.000 tấn gạo, trước mắt hỗ trợ 2.000 tấn nhằm cứu đói cho người dân ở những vùng thiệt hại không có gạo để ăn. Hỗ trợ 250 tỉ đồng, trước mắt hỗ trợ khẩn cấp 100 tỉ đồng để sớm khắc phục hậu quả do lũ lụt gây ra. Hỗ trợ giống cây trồng phù hợp với cơ cấu giống của tỉnh, cho tỉnh nhận giống tại Công ty cổ phần giống cây Quảng Bình: Lúa giống các loại: 500 tấn; Ngô giống các loại: 100 tấn; Lạc giống các loại: 100 tấn; Hỗ trợ hạt giống rau:15 tấn. Hỗ trợ giống vật nuôi, thuốc xử lý môi trường, nước sinh hoạt và các vật tư thiết bị khác, phòng dịch bệnh vật nuôi, cây trồng: 50 tỉ đồng. Về hỗ trợ đầu tư sửa chữa cơ sở hạ tầng, đề nghị Trung ương hỗ trợ tỉnh khắc phục, sửa chữa các công trình thiết yếu, để ổn định đời sống và sản xuất của nhân dân với tổng số tiền là: 1.220 tỉ đồng. Ngoài ra cần có chính sách khoanh nợ, giảm lãi suất hoặc không tính lãi suất cho vay đối với các khoản vay của các doanh nghiệp và hộ gia đình bị thiệt hại do bão gây ra; đồng thời, tiếp tục có chính sách cho vay ưu đãi để khắc phục hậu quả bão lụt nhằm đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh.

 

Tỉnh Thừa Thiên Huế cũng kiến nghị hỗ trợ đầu tư trước mắt cho 20km với khoảng 300 tỉ đồng, xây dựng công trình chống sạt lở một số đoạn bờ sông Bồ; một số đoạn qua sông Hương. Hỗ trợ khoảng 1.000 tỉ, để xây dựng các công trình chống sạt lở bờ biển tại xã Phú Thuận, xã Vinh Hải và xã Quảng Công. Ngoài ra, đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường quan tâm đầu tư 03 hệ thống máy đo gió (01 tại Thuận An, 01 tại Phú Lộc và 01 tại trung tâm TP Huế), hiện nay chỉ có máy đo gió đặt ở trạm Khí tượng Huế tại xã Thủy Bằng nằm sâu trong đất liền chưa phản ánh đúng cấp độ gió khu vực ven biển và TP Huế.

 

Công điện của Thủ tướng về ứng phó khẩn cấp mưa lũ tại miền Trung 
Ngày 15/10, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục có Công điện số 1827/CĐ-TTg gửi các Bộ ngành có liên quan về việc tập trung ứng phó khẩn cấp mưa lũ tại các tỉnh miền Trung. 
Trong công điện, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu: 

1. Ủy ban nhân dân các tỉnh: 

- Theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, triển khai ngay các biện pháp khẩn cấp ứng phó với mưa lũ theo cấp báo động, bảo đảm an toàn cho người dân, chủ động triển khai phương án khắc phục hậu quả mưa lũ. 

- Kiên quyết sơ tán các hộ dân sinh sống tại các vùng nguy hiểm có nguy cơ bị ngập sâu, lũ quét, sạt lở đất đến nơi an toàn. 

- Huy động mọi phương tiện, lực lượng, bằng mọi biện pháp tiếp cận những khu dân cư bị ngập sâu, chia cắt; tổ chức cứu trợ lương thực, nhu yếu phẩm cho nhân dân, nhất là những người dân chưa kịp sơ tán tại các khu vực bị ngập sâu, không để người dân bị đói, khát; tập trung nỗ lực cao nhất tìm kiếm những người còn đang mất tích; tổ chức thăm hỏi, động viên các gia đình bị thiệt hại, hỗ trợ cứu chữa người bị thương, mai táng chu đáo cho người bị thiệt mạng; bố trí chỗ ở tạm cho các hộ bị mất nhà cửa. 

- Khẩn trương thực hiện Công điện 1826/CĐ-TTg ngày 15/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ về tập trung ứng phó, khắc phục sự cố ách tắc giao thông do mưa lũ. 

2. Ủy ban quốc gia Tìm kiếm cứu nạn, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an chỉ đạo lực lượng tìm kiếm cứu nạn, các lực lượng quân đội, công an trên địa bàn triển khai lực lượng, phương tiện hỗ trợ sơ tán nhân dân, cứu nạn, cứu hộ theo đề nghị của địa phương. 

3. Các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương theo dõi sát diễn biến của mưa lũ, phối hợp với các địa phương chỉ đạo vận hành các hồ chứa thủy lợi, thủy điện trong khu vực để bảo đảm an toàn, góp phần cắt giảm lũ cho hạ du. 

4. Bộ Công Thương chỉ đạo vận hành an toàn hệ thống lưới điện, chuẩn bị đủ nguồn lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu, kiểm soát chặt chẽ giá cả các mặt hàng thiết yếu, không để tình trạng lợi dụng mưa lũ tăng giá. 

5. Bộ Giao thông vận tải tiếp tục thực hiện Công điện 1826/CĐ-TTg ngày 15/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ về tập trung ứng phó, khắc phục sự cố ách tắc giao thông do mưa lũ; chỉ đạo các đơn vị quản lý đường bộ, đường sắt phối hợp với địa phương hỗ trợ phương tiện trung chuyển khách đi tàu bị ách tắc, kiểm soát, hướng dẫn, bảo đảm an toàn giao thông; tập trung khắc phục nhanh các tuyến giao thông chính bị sự cố, sạt lở ngay sau khi lũ rút, nhất là trên các tuyến quốc lộ, tuyến đường sắt Bắc-Nam. 

6. Bộ Y tế chỉ đạo lực lượng y tế cơ sở và các đơn vị liên quan cung cấp đủ cơ số thuốc chữa bệnh và phòng chống dịch bệnh, hướng dẫn vệ sinh môi trường, không để phát sinh dịch bệnh sau khi lũ rút. 

7. Các bộ, ngành liên quan theo chức năng và nhiệm vụ của mình chỉ đạo các đơn vị trực thuộc sẵn sàng giúp đỡ địa phương khi có yêu cầu, hỗ trợ các địa phương ổn định đời sống và phục hồi sản xuất ngay sau khi lũ rút. 

8. Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo Trung tâm Khí tượng thuỷ văn Quốc gia tiếp tục theo dõi diễn biến của mưa, lũ, dự báo và cung cấp thông tin kịp thời phục vụ công tác chỉ đạo và thông báo cho nhân dân biết để chủ động phòng, tránh. 

9. Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam và các cơ quan thông tin đại chúng ở Trung ương và địa phương tăng tần suất, thời lượng phát sóng, cung cấp đầy đủ, kịp thời cho người dân nắm được thông tin về thiên tai, chủ động phòng, tránh, giảm thiểu thiệt hại. 

10. Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai tổ chức thường trực theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, mưa lũ, kịp thời chỉ đạo, đôn đốc các bộ, ngành, địa phương triển khai các biện pháp đối phó với mưa lũ; kịp thời báo cáo, đề xuất Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo xử lý các tình huống cấp bách, vượt thẩm quyền.
 

Thu Trang (Tổng hợp)

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục