Cụ thể, mưa lũ ở các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên làm 15 người chết. Trong đó, Quảng Bình 3 người, Quảng Trị 2 người, Bình Định 2 người (tăng 1 người), Phú Yên 7 người (tăng 4 người), Đắk Lắk 1 người.
Mưa lũ ở miền Trung làm 15 người chết, 6 mất tích
Mưa lũ cũng khiến 6 người mất tích, tăng 1 người so với báo cáo trước đó. Cụ thể, Quảng Bình 1 người, Quảng Ngãi 3 người, Phú Yên 1 người, Kon Tum 1 người.
Ngoài ra, hơn 45.000 ngôi nhà bị sập đổ, cuốn trôi, ngập ngước do mưa lũ gây ra. 12.000 ha lúa, hoa màu, cây trồng hàng năm, cây trồng lâu năm, cây ăn quả bị ngập.
Bên cạnh đó, mưa lũ cũng khiến hơn 43 nghìn gia súc, giam cầm bị chết, cuốn trôi. Nhiều tuyến đê, tuyến đường bị hư hỏng, giao thông bị chia cắt. Lực lượng chức năng mới khắc phục tạm thời được một số tuyến đường, để người dân đi lại.
Hạ tầng giao thông tiếp tục gánh chịu hậu quả năng nề do mưa lũ. Tại các tỉnh đã có 198.137m3 đường và 151 cầu, cống bị hư hỏng, sạt lở. Kênh mương, đê kè bị sạt lở dài 46.842m, với khối lượng đất đá, bê tông sạt lở 54.299m3.
Theo Chi cục Phòng chống thiên tai khu vực miền Trung – Tây Nguyên, tổng thiệt hại tính đến sáng 6/11 là 492,08 tỷ đồng. Trong đó, Phú Yên chịu thiệt hại nặng nhất với 337,04 tỷ đồng. Một số tỉnh khác vẫn đang tiếp tục cập nhật.
Văn phòng thường trực PCTT&TKCN tỉnh Phú Yên cho biết, UBND tỉnh vừa có tờ trình đề nghị hỗ trợ 1.100 tấn gạo cứu đói cho 11.200 hộ/33.600 nhân khẩu. Về hỗ trợ hóa chất, vật tư y tế: 1.000kg Cloramine B; 30.000 viên Aquatabs; 500 lít Permethrin; 10 máy phun ULV. Phú Yên cũng đề nghị được hỗ trợ 9 xuồng cao su gắn máy phục vụ công tác PCTT&TKCN, hỗ trợ kinh phí 90 tỷ đồng khắc phục thiệt hại giao thông, thủy lợi.
Hiện, các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế nước đã rút hết. Quảng Ngãi, Bình Định, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Kon Tum, Gia Lai, Đắc Nông còn bị ngập cục bộ ở một số vùng trũng, thấp. Riêng, tỉnh Phú Yên và Đắc Lắc nước đang rút chậm nên một số địa phương vẫn còn bị ngập.
Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai yêu cầu các địa phương tiếp tục theo dõi diễn biến của mưa lũ, chủ động di dời dân ra khỏi khu vực có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất, ngập úng. Liên tục kiểm tra an toàn hồ chứa, đảm bảo an toàn đập và hạ du, nhất là các hồ đang xả lũ, tổ chức công tác khắc phục hậu quả, tổ chức đánh giá, thống kê tình hình thiệt hại.
Mai Anh (TH theo VOV, Báo giao thông)