Mưa lũ gây thiệt hại nặng nề tại các tỉnh Hà Giang, Lai Châu và Bắc Kạn

Mực nước trên sông Lô tại thành phố Hà Giang lên nhanh, vào đầu giờ chiều ngày 24.6 đạt 104 m, trên mức báo động III. Mực nước Sông Lô dâng cao, nhiều tuyến đường bị ngập gây ách tắc giao thông.

Mưa lũ gây thiệt hại nặng nề tại các tỉnh Hà Giang, Lai Châu và Bắc Kạn - Ảnh 1
[Mưa lũ gây ngập lụt tại huyện Văn Bàn (Lào Cai). Ảnh: Hương Thu - TTXVN

* Hà Giang: Mưa lũ làm 2 người thiệt mạng, nhiều địa phương bị cô lập hoàn toàn

Ông Phạm Bá Khoát, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hà Giang cho biết: Do ảnh hưởng của rãnh áp thấp có trục ở khoảng 24 - 26 độ vĩ Bắc kết hợp với hội tụ gió trên cao hoạt động mạnh dần lên nên từ chiều tối và đêm 22 đến ngày 24/6, trên địa bàn tỉnh Hà Giang đã xảy ra mưa lớn kéo dài, cộng với thủy điện đầu nguồn xả lũ nên nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Hà Giang đã bị cô lập hoàn toàn; có 2 nạn nhân chết do mưa lũ là bà Giàng Thị Lầu, 43 tuổi và con gái là Lò Thị Và, 4 tuổi ở xã Lùng Tám, huyện Quản Bạ do sập nhà.

Theo Đài Khí tượng Thủy văn Hà Giang, một số nơi có lượng mưa lớn như thành phố Hà Giang, 89 mm; Bắc Quang, 219 mm; xã Thông Nguyên (Hoàng Su Phì), 101 mm; các khu vực khác phổ biến từ 40 đến 70 mm. Bên cạnh đó, các hồ thủy điện phía thượng nguồn các sông đồng loạt xả lũ với lưu lượng từ 1.200m3/s đến 1.300 m3/s.

Do đó, mực nước trên sông Lô tại thành phố Hà Giang lên nhanh, vào đầu giờ chiều ngày 24.6 đạt 104 m, trên mức báo động III. Mực nước Sông Lô dâng cao, nhiều tuyến đường bị ngập gây ách tắc giao thông.

Thống kê từ Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hà Giang, mưa to kéo dài và lũ lớn đã khiến gần 400 nhà tại khu vực thành phố Hà Giang bị ngập hoàn toàn, 15 ngôi nhà tại huyện Quản Bạ bị lũ cuốn trôi, rất nhiều ngôi nhà ở các huyện Quang Bình, Quản Bạ và thành phố Hà Giang bị đổ tường, sạt lở, ngập úng nền, chân tường, nhà bị nghiên có nguy cơ đổ.

Mưa to kéo dài và lũ lớn cũng gây thiệt hại nặng về nông lâm nghiệp, thủy sản trên địa bàn. Gần 60 ha cây cối hoa màu của huyện Quản Bạ và thành phố Hà Giang bị ngập chìm trong biển nước. Nhiều lồng cá của nhân dân nuôi trên sông Miện phải di dời; hàng chục hét ta lúa, ngô, thóc giống bị ngập úng.

2 trường tiểu học và 1 trường mầm non trên địa bàn xã Cán Tỷ thuộc huyện Quản Bạ và phường Ngọc Hà thuộc thành phố Hà Giang đã bị đổ tường rào, nhiều đồ dùng học tập của thầy cô giáo và các em học sinh bị hư hỏng.

Nhiều tuyến đường giao thông bị chia cắt, nhiều địa phương bị cô lập hoàn toàn. Hiện tuyến đường quốc lộ từ thành phố Hà Giang đi 4 huyện vùng cao phía Bắc và từ thành phố Hà Giang đi huyện Bắc Mê nước dâng cao, nhiều đoạn đường hàng nghìn mét khối đất đá sạt lở gây tắc đường hoàn toàn.

7 khu vực trên địa bàn thành phố Hà Giang bị ngập, gây ách tắc giao thông, sinh hoạt của bà con nhân dân. Nhiều công trình thủy lợi, công trình phúc lợi bị sập, sạt lở, hư hỏng. T

Hiện Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hà Giang đã tiến hành họp khẩn cấp, cử nhiều đoàn công tác về các địa phương kiểm tra tình hình thiệt hại do thiên tai gây ra. Cán bộ, chiến sỹ các lực lượng vũ trang hỗ trợ bà con nhân dân khẩn trương sơ tán đến nơi an toàn.

UBND các huyện, thành phố triển khai phương châm “4 tại chỗ” để giúp đỡ các hộ gia đình bị thiệt hại như thăm hỏi, động viên gia đình có người chết, di dời người và tài sản, ổn định cuộc sống

Mưa lũ gây thiệt hại nặng nề tại các tỉnh Hà Giang, Lai Châu và Bắc Kạn - Ảnh 2
Trang trại nuôi cá hồi và cá tầm cùng nhà cửa của các hộ ở bản Chu Va 12, xã Sơn Bình, huyện Tam Đường bị lũ san phẳng. Ảnh: Quý Trung - TTXVN

* Lai châu: Mưa lũ làm 11 người thương vong, thiệt hại trên 40 tỷ đồng

Do mưa lớn kéo dài từ ngày 23 đến chiều 24/6, trên địa bàn tỉnh Lai Châu xuất hiện lũ ống, lũ quét ở một số địa phương khiến 3 người chết, 3 người người mất tích, 5 người bị thương, gây thiệt hại trên 40 tỷ đồng.

Theo báo cáo của Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Lai Châu, đến 16 giờ chiều 24/6, mưa lũ trên địa bàn đã phá hủy nhiều công trình nhà nước và tài sản của người dân. Ước tính sơ bộ tổng thiệt hại trên 20 tỷ đồng.

Mưa lớn từ chiều qua kéo dài đến nay đã gây lũ quét, cuốn trôi 4 trại nuôi trồng cá nước lạnh tại xã Sơn Bình (huyện Tam Đường); cuốn trôi 5 con trâu, ngập úng hơn 40ha lúa trên địa bàn hai huyện Sìn Hồ và Tân Uyên và Than Uyên. Tại huyện Sìn Hồ có 23 ngôi nhà bị đất đá tràn vào nhà, 2 xe ô tô bị ngập nước, hơn 63ha hoa màu bị ảnh hưởng; 1 khu dân cư bị ngập úng, gây thiệt hại lớn về tài sản của người dân.

Đến nay địa phương đã ghi nhận có 1 cầu treo bị hư hỏng, 1 cầu bê tông bị nước lũ cuốn trôi. Nhiều tuyến quốc lộ, tỉnh lộ bị lũ quét mất đường hoặc sạt lở đất đá với khối lượng lớn, gây ách tách giao thông.

Nặng nhất là Quốc lộ 4D từ km 69 đến km89 thuộc khu vực đèo Hoàng Liên Sơn, thuộc địa phận xã Sơn Bình, huyện Tam Đường xuất hiện gần chục điểm sạt lở, với khối lượng hàng hơn 10.000m3 đất đá, gây chia cắt giao thông giữa tỉnh Lai Châu và tỉnh Lào Cai.

Tại Quốc lộ 279 lối huyện Than Uyên với huyện Văn Bàn (Lào Cai), Quốc lộ 32 lối huyện Tân Uyên với huyện Than Uyên cũng xuất hiện nhiều điểm sạt lở, ngập úng, gây chia cắt giao thông. Nhiều tuyến đường tỉnh lộ, liên xã, liên bản trên địa bàn mưa lũ cũng gây sạt lở, ách tắc giao thông cục bộ. Nhiều công trình thủy lợi, nước sinh hoạt cũng bị thiệt hại.

Ông Mai Khắc Phương, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Lai Châu cho biết, đến thời điểm này mưa lũ trên địa bàn tỉnh rất lớn. Tất cả các tuyến từ quốc lộ và tỉnh lộ đều thiệt hại nặng, đặc biệt là tuyến Quốc lộ 32, Quốc lộ 4D. Tỉnh Lai Châu đã huy động tất cả các phương tiện máy móc và vật tư để triển khai, đảm bảo giao thông nhanh nhất.

Hiện Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Lai Châu đã thành lập nhiều đoàn công tác về những nơi bị thiệt hại để chỉ đạo khắc phục. Trong đó huy động tối đa các phương tiện, máy máy tập trung hót sụt sạt tại các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ. Với các tuyến đường liên xã, liên bản UBND các xã, thị trấn huy động nhân lực tại chỗ khắc phục tạm để đảm bảo giao thông.

* Bắc Kạn khẩn trương khắc phục hậu quả mưa lũ

Theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bắc Kạn, đêm 23/6 và sáng 24/6 trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn xuất hiện mưa giông kèm theo gió giật, một số địa phương có lượng mưa lớn gây sạt lở đất và hư hỏng cây cối, hoa màu như: huyện Ngân Sơn 208 mm; xã Hà Hiệu, huyện Ba Bể 177 mm; thị trấn Nà Phặc, huyện Ngân Sơn 151 mm...

Theo báo cáo sơ bộ, mưa to kèm giông lốc đã làm gần 7 ha lúa, ngô bị ngập úng và bùn đất tràn qua; khoảng 0,4 ha thủy sản bị lũ cuốn làm vỡ bờ và thiệt hại về cá khoảng 600 kg; khoảng 0,1 ha ngô đồi bị sạt, một ruộng lúa tại huyện Ngân Sơn bị sạt hơn 20 m2.

Về giao thông, tuyến đường thôn Khuổi Liên, xã Hà Hiệu, huyện Ba Bể bị hư hỏng nặng với chiều dài 10m, hiện nay rất khó khăn cho việc đi lại của nhân dân thôn Khuổi Liên. 7 tuyến đường tràn trên tỉnh lộ 258B và 251 bị ngập gây khó khăn cho việc đi lại của người dân.

Các đơn vị quản lý đường giao thông đã cắm biển cảnh báo, cử người túc trực không cho phương tiện giao thông đi qua các điểm ngập tràn, đến nay các điểm ngập đã được thông tuyến. Ước thiệt hại do mưa lũ và giông lốc trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn khoảng 300 triệu đồng.

Sau khi xảy ra mưa lũ, lãnh đạo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn đã xuống các địa phương bị thiệt hại để kiểm tra tình hình và chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả thiên tai.

Đồng thời UBND tỉnh Bắc Kạn yêu cầu Văn phòng Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai tìm kiếm cứu nạn các cấp tổ chức trực ban nghiêm túc, theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, bằng mọi biện pháp cảnh báo đến người dân để chủ động phòng tránh; có phương án sơ tán dân ở các khu vực trũng, thấp, khu vực có nguy cơ sạt lở đất, lũ ống, lũ quét đến nơi an toàn; sẵn sàng lực lượng phương tiện cứu hộ cứu nạn để ứng cứu khi có yêu cầu./.

Theo TTXVN

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục