Sau gần 1 tháng kể từ khi có thông tin Ngân hàng Nhà nước sẽ tiến hành mua lại ngân hàng Xây dựng Việt Nam (VNCB) với mức giá 0 đồng/CP thì trong ngày 05/03 NHNN đã chính thức công bố quyết định mua và chuyển đổi ngân hàng này thành ngân hàng do Nhà nước sở hữu 100% vốn.
Mặc dù trước đây VNCB đã từng là một ngân hàng lớn và có uy tín trong hệ thống các tổ chức tín dụng Việt Nam, tuy nhiên đến năm 2014 ngân hàng này lại rơi vào diện kiểm soát đặc biệt của NHNN và phải nhờ tới sự “trợ giúp” từ Vietcombank kể từ sau hàng loạt lãnh đạo cấp cao của ngân hàng này rơi vào vòng lao lý hồi tháng 7/2014.
Mua lại VNCB với giá 0 đồng tốt hơn là cho phá sản ngân hàng.
Do VNCB đã rơi vào tình trạng bị âm vốn quá sau vì vậy ngân hàng này đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông bất thường VNCB nhằm thông báo công khai về kết quả kiểm toán độc lập về thực trạng tài chính, giá trị thực và vốn điều lệ của ngân hàng, và thông qua phương án bổ sung vốn điều lệ theo quy định của pháp luật.
Tuy nhiên Đại hội đồng cổ đông của ngân hàng này đã không thông qua phương án bổ sung vốn điều lệ để đảm bảo giá trị thực vốn điều lệ tối thiểu của ngân hàng bằng mức vốn pháp định. Do vậy NHNN đã bắt buộc phải mua lại toàn bộ vốn cổ phần của VNCB với giá bằng 0 đồng/cổ phần.
Theo lãnh đạo NHNN trong thời gian tới không chỉ có VNCB mà sẽ còn có nhiều ngân hàng khác cũng sẽ phải xử lý tương tự. Tuy nhiên, NHNN sẽ tạo điều kiện để các ngân hàng có thời gian khắc phục. Nếu các cổ đông không kịp thời bổ sung vốn theo đúng quy định của pháp luật thì NHNN sẽ trở thành chủ sở hữu 100% vốn điều lệ của ngân hàng đó. Lộ trình xử lý cũng giống như quá trình giải quyết tình trạng yếu kém của VNCB.
Trước thông tin nói trên, tổng giám đốc một nhà băng cho rằng cách làm này là phù hợp với điều kiện Việt Nam. "Tôi nghĩ phương án Ngân hàng Nhà nước mua lại với giá 0 đồng sẽ hợp lý hơn. Nếu để một ngân hàng chết, thị trường có thể náo loạn và chúng ta sẽ không lường hết ảnh hưởng của nó"-ông cho biết.
Theo TS. Cao Sĩ Kiêm – nguyên Thống đốc NHNN, Chủ tịch NHTMCP Đông Á (DongABank) cho rằng việc NHNN mua lại VNBC với giá 0 đồng/1 cổ phần còn được gọi là hình thức "cho ngân hàng phá sản kiểu mới". Bởi khi thực hiện thương vụ này thì đồng nghĩa với việc thương hiệu này sẽ biến mất khỏi thị trường ngân hàng.
“Xóa một cái tên, một thương hiệu là việc cực chẳng đã, nhưng nếu thương hiệu đó xuống cấp, không còn gì thì cũng không nên giữ lại. Từ đây, chúng ta có điều kiện xem xét, cơ cấu lại ngân hàng bằng cách thay đổi toàn bộ mô hình quản lý, quản trị của ngân hàng…. Và sẽ tính tới chuyện vực lại ngân hàng này khi có điều kiện, đủ “cứng cáp” trở lại” – ông Kiêm nói.
Phó thống đốc Nguyễn Phước Thanh cũng cho biết, thực chất VNCB đã đủ điều kiện để phá sản, tuy nhiên Nhà nước không chọn cách này mà mua lại với giá 0 đồng nhằm đảm bảo quyền lợi của người gửi tiền, ổn định chính trị, xã hội.
“Thà mất tiền (Nhà nước chi trả) để có sự bình ổn trong xã hội sẽ tốt hơn nếu tuyên bố ngân hàng phá sản, người dân mất tiền sẽ dẫn đến mất niềm tin mất, rồi gây bất ổn xã hội và nhiều hệ lụy khác. Do đó, NHNN đang và sẽ tiếp tục chọn phương án trên đối với ngân hàng thương mại”- Phó thống đốc khẳng định.
Cũng có cùng quan điểm trên, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu nhìn nhận việc Ngân hàng Nhà nước đứng ra mua cổ phần ngân hàng với giá 0 đồng sẽ giúp lòng tin của người dân đối với hệ thống ngân hàng được củng cố khi mà những ngân hàng yếu kém bị xử lý quyết liệt.
Không chỉ có T.S Hiếu, nhiều chuyên gia ngân hàng cho biết, trên thực tế, với tình trạng mất hết vốn chủ sở hữu như VNCB, có thể nói ngân hàng này đã ở trong trạng thái phá sản về mặt kỹ thật. Do đó quyết định “quốc hữu hóa” VNCB của NHNN là hoàn toàn sáng suốt nhằm đảm bảo quyền lợi cho người gửi tiền, không gây bất ổn tới hệ thống.
Ngọc anh (TH)