Tổng công ty Bia Rượu Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) được thành lập năm 2003 trên cơ sở Công ty Bia Sài Gòn. Tới năm 2004, Sabeco chuyển sang tổ chức và hoạt động theo mô hình Công ty mẹ - công ty con. Tính tới năm 2016, Sabeco đang sở hữu tới 17 công ty con và liên kết, phần lớn đều hoạt động trong lĩnh vực sản xuất bia, cồn rượu và nước giải khát…
Cùng với Habeco, Sabeco là doanh nghiệp tuy đã được cổ phần hóa từ năm 2008 nhưng cho đến này cả 2 doanh nghiệp này vẫn chưa niêm yết trên thị trường chứng khoán và thực tế Nhà nước vẫn nắm giữ phần lớn vốn điều lệ. Hiện tại, Nhà nước đang nắm giữ 81,79% vốn điều lệ tại Habeco, và 89,59% vốn điều lệ tại Sabeco.
Mới đây, Chính phủ đã chỉ đạo đẩy mạnh việc thoái vốn tại Habeco và Sabeco cùng với việc 2 doanh nghiệp này niêm yết trên sàn giao dịch. Bộ Công Thương – đại diện phần vốn góp của Nhà nước tại 2 doanh nghiệp dự kiến, đối với Habeco sẽ thoái toàn bộ vốn thuộc sở hữu Nhà nước là 81,79% vốn điều lệ tương đương 9.000 tỷ đồng trong năm 2016. Đối với Sabeco, do sở hữu vốn lớn hơn nên Bộ Công Thương đề nghị thoái vốn chủ sở hữu Nhà nước theo 2 đợt, đợt 1 bán 53,39% vốn điều lệ, tương đương 24.000 tỷ đồng trong năm 2016; đợt 2 bán 36% vốn điều lệ còn lại, tương đương 16.000 tỷ đồng trong năm 2017, sau khi Sabeco đã thực hiện niêm yết trên sàn chứng khoán.
Nhiều “ông lớn” xếp hàng mua Sabeco.
Mới đây, ông Lê Hồng Xanh – Phó Tổng Giám đốc Sabeco cho biết, những hãng bia lớn nhất từ châu Âu đến châu Á đều đang xếp hàng để được mua cổ phần của Sabeco với hợp đồng giá trị tối thiểu 1,8 tỷ USD.
Tiêu biểu có nhiều nhóm, công ty nước ngoài đăng ký mua cổ phần của Sabeco như Heineken của Hà Lan, Anheuser-Busch, SABMiller, Tập đoàn Asahi của Nhật, Kirin Holdings, Singha và ThaiBev…
Qua đó cũng có thể thấy được sự hấp dẫn của Sabeco trong mắt các hãng bia lớn đến từ nước ngoài. Vậy những nhà đầu tư này đang nhìn thấy điều gì tại Sabeco?.
Là doanh nghiệp với phần lớn vốn sở hữu Nhà nước, không khó để Sabeco gây dựng thương hiệu của mình. Cùng với Habeco và Heineken, 3 doanh nghiệp này sở hữu tới hơn 80% thị phần sản lương tiêu thụ bia tại Việt Nam. Trong đó, Sabeco cũng là doanh nghiệp đứng đầu với 43% thị phần. Năm 2015, tổng sản lượng tiêu thụ bia các loại của Sabeco đạt 1,5 tỷ lít, tăng 9% so với năm 2014.
Năm 2015, tổng doanh thu Sabeco đạt 27.717 tỷ đồng, tăng 10% và lợi nhuận sau thuế đạt 3.600 tỷ đồng, tăng 28% so với năm 2014. Sabeco cũng dự kiến sẽ chia cổ tức tỷ lệ 30% cho năm 2015.
Tính riêng Công ty mẹ - Sabeco trong nửa đầu năm 2016 ghi nhận doanh thu từ hoạt động bán hàng lên tới 14.322 tỷ đồng, tăng gần 4 lần so với cùng kỳ năm ngoái, tổng lợi nhuận sau thuế đạt 1.972 tỷ đồng.
Việt Nam cũng là một nước tiêu thụ bia hàng đầu thế giới, cùng với đó là nhu cầu bia ngày càng tăng. Theo thống kê của Hiệp hội Bia rượu Nước giải khát Việt Nam (VBA), năm 2015, Việt Nam tiêu thụ tới 3,4 tỷ lít bia, tăng 10% so với năm trước và 41% so với năm 2010. Trong đó chỉ riêng Sabeco đã đạt hơn 1,5 tỷ lít. Như vậy, chỉ tính riêng thị phần tiêu thụ bia của Sabeco cũng đã hấp dẫn các hãng bia hàng đầu tư nước ngoài đầu tư vào Sabeco, sở hữu Sabeco cũng có nghĩa nắm trong tay thị phần bia đầy tiềm năng tại Việt Nam.
Hơn bất cứ doanh nghiệp nào, Heineken chính là cái tên “thèm khát” Sabeco nhất. Hiện tại, Heineken đang nắm giữ 60% vốn điều lệ tại Công ty TNHH Heineken Việt Nam ( Tiền thân là Công ty TNHH nhà máy bia Việt Nam – VBL) và 5% cổ phần tại Sabeco, Heineken cũng là cái tên thống trị ở phân khúc bia cao cấp tại Việt Nam. Với việc Sabeco sở hữu phần lớn thị trường bia phổ thông thì Heineken sẽ khó mà bỏ qua cơ hội tăng sở hữu vốn tại doanh nghiệp này. Nếu như Heineken sỡ hữu được Sabeco cũng đồng nghĩa với việc 60% thị phần bia Việt Nam sẽ nằm trong tay hãng bia tới từ Hà Lan này, bao gồm từ phân khúc phổ thông cho tới cao cấp. Và để làm được điều đó Heineken phải tính tới việc chi ra hơn 2 tỷ USD cho Saebco khi Bộ Công Thương tiến hành thoái vốn trong thời gian tới đây.
Những góc khuất trong hoạt động kinh doanh của Sabeco
Hào nhoáng về doanh thu bán hàng và hoạt động kinh doanh bia, cồn rượu và nước giải khát, thế nhưng Sabeco cũng tồn tại những góc khuất không mấy đẹp đẽ về việc đầu tư ngoài ngành của mình. Cụ thể là những khoản đầu tư ngoài ngành kém hiệu quả, thậm trí còn thua lỗ.
Báo cáo tài chính soát xét nửa đầu năm 2016 của Công ty mẹ - Sabeco cho thấy khoản nợ phải trả của Sabeco lên tới 6.182 tỷ đồng, tăng hơn 50% so với con số 4.093 tỷ đồng hồi đầu năm. Trong số này thì có tới hơn 1.730 tỷ đồng là tiền cổ tức phải trả cho cổ đông trong năm 2015 mà Sabeco vẫn chưa chi trả.
Ngoài ra, Sabeco còn gặp khó khăn lớn trong chuyện đầu tư tài chính. Cụ thể tính cho tới ngày 30/6, Sabeco đã chi ra 791 tỷ đồng đầu tư tài chính vào các công ty cũng như ngân hàng khác nhau thế nhưng Sabeco đã phải trích lập dự phòng lên tới 430 tỷ đồng cho các khoản đầu tư này, chiếm gần 55% giá trị khoản đầu tư.
Đáng chú ý trong đó, có 2 khoản đầu tư vào Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) và Ngân hàng TMCP Đông Á (DongABank) với giá trị lần lượt là 217 tỷ đồng và 136 tỷ đồng. Thế nhưng đây cũng là 2 khoản đầu tư mà Sabeco phải trích lập dự phòng nhiều nhất tổng cộng lên tới 270 tỷ đồng, cụ thể Sabeco phải trích lập dự phòng cho khoản đầu tư tại OCB là 159 tỷ đồng và tại DongABank là gần 112 tỷ đồng.
Ngoài ra, tổng giá trị các khoản đầu tư vào công ty con và công ty liên kết của Sabeco tính cho tới hết quý 2/2016 lần lượt là 2.281 tỷ đồng và 1.004 tỷ đồng cùng với đó là khoản trích lập dự phòng 44 tỷ và 16 tỷ.
Quang Thắng