Vũ, nhân viên kinh doanh một công ty truyền thông tại quận 10, TP HCM cho biết, vì tính chất công việc thường phải chạy ra ngoài gặp gỡ khách hàng trong giờ hành chính nên anh không tiện vào ngân hàng hay truy cập máy tính để thực hiện các giao dịch liên quan đến nhà băng. "Những lúc cần chuyển tiền gấp, tôi thường dùng dịch vụ Mobile Banking, vừa tiện lợi, vừa đơn giản", anh cho biết.
Công nghệ ngày càng phát triển, smartphone đang chiếm lĩnh thị trường thì những khách hàng trẻ và hitek như Vũ rất chuộng sử dụng các dịch vụ ngân hàng tiện ích hơn là những cách thức truyền thống như đến quầy giao dịch, gọi điện tới ngân hàng.
Ngân hàng đang sốt sắng nhập cuộc với Mobile Banking.
Ra đời năm 2010, sau Internet Banking khoảng 6 năm, Mobile Banking đang được 32 ngân hàng triển khai (Internet Banking là 42 ngân hàng) với nhiều tiện ích mới, đơn giản và thuận tiện cho khách hàng giao dịch. Theo số liệu của Công ty Dịch vụ Thẻ Smartlink toàn thị trường hiện có hơn 3 triệu khách hàng sử dụng dịch vụ Mobile Banking với 14-15 triệu giao dịch được thực hiện hàng tháng, tổng giá trị lên đến hàng nghìn tỷ đồng mỗi tháng. Tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm của dịch vụ này khoảng 20-30% mỗi tháng.
Theo đại diện Smartlink, Internet Banking ra đời và phát triển trước Mobile Banking, do đó hiện nay tốc độ phát triển của loại hình này chậm dần trong khi Mobile Banking được đánh giá là đang chuẩn bị bước vào xu thế tăng trưởng mạnh trong các năm sắp tới.
Đại gia thẻ và từng đi tiên phong về Internet Banking - Vietcombank bắt đầu triển khai dịch vụ Mobile Banking khoảng hơn 2 năm nay. Phó tổng giám đốc Đào Minh Tuấn cho biết khách hàng sử dụng dịch vụ này có thể thực hiện được hầu hết các giao dịch ngân hàng như: truy vấn thông tin tài khoản; chuyển tiền trong hệ thống, thanh toán hóa đơn trả sau cho các nhà cung cấp dịch vụ; nạp tiền điện thoại cho các thuê bao di động (Topup) của tất cả các mạng điện thoại thông dụng nhất tại Việt Nam...
Các ứng dụng cũng được thiết kế tương thích với hầu hết các dòng điện thoại, từ các dòng thông minh sử dụng hệ điều hành iOS, Android, BlackBerrry OS đến các điện thoại phổ thông có hỗ trợ Java và có kết nối Internet thông qua GPRS, 3G, hoặc Wifi. Điểm đáng chú ý là dịch vụ này cho phép khách hàng có thể thực hiện các giao dịch ngân hàng ngay trên ứng dụng cài đặt điện thoại mà không cần phải nhớ và gửi các cú pháp SMS yêu cầu giao dịch.
Ông Tuấn cho hay lượng giao dịch trên Mobile tại Vietcombank luôn tăng lên qua từng năm và khách hàng đang dần chuyển từ giao dịch trên Internet sang giao dịch trên điện thoại di động, hoặc là sử dụng song song hai dịch vụ.
OceanBank là một trong những ngân hàng đi tiên phong về Mobile Banking dạng ứng dụng (application). Dịch vụ của nhà băng cung cấp nhiều dòng ứng dụng tương thích với các loại điện thoại và thiết bị di động phổ biến hiện nay giúp khách hàng thuận tiện và dễ dàng cài đặt khi đăng ký sử dụng dịch vụ.
Trước đây, dịch vụ này của OceanBank cung cấp các tiện ích như chuyển khoản trong ngoài hệ thống bằng tài khoản; mở tiết kiệm trực tuyến; nạp tiền điện thoại, thanh toán các loại hóa đơn dịch vụ, truy vấn thông tin, mua hàng trực tuyến… Hiện nhà băng đã triển khai thêm các tiện ích mới như có thể chuyển khoản nội mạng thông qua số điện thoại hoặc qua số thẻ, chuyển khoản siêu nhanh liên ngân hàng qua số thẻ, số tài khoản và tiền đến ngay lập tức sau khi thực hiện lệnh, đăng ký sử dụng dịch vụ đơn giản chỉ qua tin nhắn điện thoại.
Với những tiện ích trên, ông Anthony Berger, cố vấn sáng tạo của OceanBank cho biết, số người sử dụng dịch vụ của ngân hàng tăng trưởng 120% qua từng năm.
Thao tác chuyển tiền bằng Mobile Banking thông qua số điện thoại di động.
"Dự kiến OceanBank đẩy mạnh tốc độ tăng trưởng khách hàng dùng dịch vụ Mobile Banking lên 200-300% mỗi năm. Ngân hàng sẽ tiếp tục cải tiến và sáng tạo các ứng dụng, dịch vụ theo hướng đơn giản và thân thiện nhất với người sử dụng. Từ thiết kế giao diện đến các thao tác sẽ được chúng tôi giản lược tối đa nhưng vẫn đảm bảo an toàn, bảo mật cao nhất cho người dùng", ông Anthony nói.
Hay như LienVietPostBank, để tạo tính cạnh tranh, dịch vụ Mobile Banking của nhà băng có thể sử dụng mọi lúc, mọi nơi có sóng di động Viettel mà không cần phải kết nối Internet cũng như cài đặt phần mềm.
Còn tại ACB, Phó tổng giám đốc Nguyễn Thanh Toại cho hay, nhà băng vừa triển khai chuyển đổi core banking cũ sang mới. Đây là nền tảng để ACB tăng cường các dịch vụ của Mobile Banking.
Nhìn sự sốt sắng của các ngân hàng, nhiều nhà mạng hiện nay cũng không đứng ngoài cuộc khi rốt ráo nâng cấp các dịch vụ thanh toán, chỉnh sửa để hỗ trợ việc thanh toán trên mobile.
Ông Đặng Công Hoàn, Giám đốc thẻ và dịch vụ tài khoản cá nhân Ngân hàng Kỹ thương (Techcombank) chia sẻ, về căn bản các công ty viễn thông có thể cung cấp các dịch vụ dưới dạng nộp tiền để thanh toán cước phí hoặc thẻ điện thoại trả trước và một số giá trị gia tăng cho thuê bao.
Tuy nhiên, trên thực tế, ông Hoàn cho biết để thực hiện được các dịch vụ Mobile Banking dưới dạng thanh toán chi trả (mobile payment) hàng hóa dịch vụ thì bắt buộc phải có sự liên kết với các ngân hàng để triển khai. Vì theo quy định của pháp luật chỉ có đơn vị cung ứng dịch vụ thanh toán theo quy định của Ngân hàng Nhà nước mới triển khai được dịch vụ thanh toán qua điện thoại di động phục vụ khách hàng, đây là một sự khác biệt căn bản nhất.
Đồng quan điểm, ông Đào Minh Tuấn, Phó tổng giám đốc Vietcombank cho rằng, phần lớn các dịch vụ này của nhà mạng muốn triển khai tốt thì phải thanh toán thông qua ngân hàng, tức là phải có sự liên kết giữa hai phía. Do đó, theo ông Tuấn, nếu các nhà mạng phát triển tốt các dịch vụ trên Mobile thì họ sẽ là những đối tác quan trọng với ngân hàng chứ không phải là đối thủ cạnh tranh đáng lo ngại.
Lãnh đạo cấp cao của BIDV nhìn nhận thêm, dịch vụ ngân hàng điện tử nói chung và Mobile Banking nói riêng đang mang lại lợi ích rất lớn không chỉ cho phía khách hàng, mà cho chính các ngân hàng đang triển khai.
Bởi theo ông, những công nghệ này giúp giảm thiểu việc đầu tư nhân lực dàn trải, tiết kiệm chi phí cơ sở vật chất, hạ tầng, chi phí in ấn, lưu chuyển hồ sơ… so với các phương thức giao dịch truyền thống. Khách hàng trong khi đó tiết kiệm thời gian, công sức khi có thể sử dụng các dịch vụ ngân hàng mọi lúc, mọi nơi, nhanh chóng hơn rất nhiều so với trước đây.
"Doanh thu của mảng này cũng bắt đầu gia tăng và triển vọng sẽ mang về khoản lợi nhuận đáng kể trong mảng dịch vụ của BIDV trong thời gian tới. Điều đặc biệt hơn, đây là dịch vụ tạo được giá trị cộng thêm hữu hình cho khách hàng, giúp nhà băng dễ dàng tiếp cận hơn với khách", vị này chia sẻ.
Trên thế giới, dịch vụ Mobile Banking đang thực sự bùng nổ. Theo nghiên cứu của Juniper Research, số lượng người dùng dịch vụ này trên toàn cầu sẽ tăng hơn 2 lần, từ 800 triệu người hiện nay lên 1,75 tỷ người dùng vào năm 2019. Nguyên do chính của sự tăng trưởng là tỷ lệ người sử dụng điện thoại smartphone ngày càng tăng và phương thức thanh toán qua điện thoại di động bắt đầu phổ biến.
Hiện nay, tại một số nước đang phát triển như Trung Quốc, Ấn Độ và Bangladesh cũng chứng kiến sự tăng trưởng đáng kể trong 12 tháng qua. "Ngân hàng ở những nước này đang chứng kiến một sự tăng trưởng mạnh cả về số lượng lẫn chất lượng và có sự đóng góp rất lớn về doanh thu", nghiên cứu cho biết.
Với xu thế này, ông Anthony Berger, cố vấn của OceanBank cho rằng, thị trường Việt Nam đã và đang nắm bắt rất nhanh xu hướng thế giới, thậm chí giới trẻ ở Việt Nam còn ưa chuộng tiện ích công nghệ này cao hơn mức trung bình nhiều nước phát triển.
Cũng theo ông Anthony Berger, điện tử hóa các giao dịch ngân hàng, đặc biệt là các giao dịch ngân hàng bán lẻ đang dần thay thế một số dịch vụ truyền thống. Nhóm người dùng từ 16 đến 45 tuổi là những người ưa thích công nghệ và dễ dàng tiếp thu cái mới. Việc sử dụng Mobile Banking hoặc các ứng dụng Internet Banking không chỉ tăng thêm linh hoạt cho cả ngân hàng và khách hàng, mà quan trọng hơn là tạo ra trải nghiệm thú vị cho người dùng.
Phó tổng giám đốc Ngân hàng Á Châu, ông Nguyễn Thanh Toại cũng nhấn mạnh, thị trường Việt Nam đang mở ra nhiều cơ hội tương tự khi số lượng điện thoại nhập khẩu vào nước ta ngày càng tăng vọt, trong đó đa phần là dòng smartphone. Đi cùng sự tăng trưởng này sẽ là sự phát triển của các dịch vụ Mobile Banking mạnh mẽ trong thời gian tới.
Tuy nhiên, theo đại diện Smartlink, mặc dù nhiều ngân hàng đang đẩy mạnh việc triển khai Mobile Banking, song dịch vụ này vẫn cần thêm thời gian để đạt được mức phát triển như tiềm năng. Bởi hiện nay tỷ lệ tăng trưởng người dùng dịch vụ Mobile Banking tại Việt Nam chưa cao do khách hàng vẫn quen thuộc với kênh Internet Banking hơn.
Giám đốc thẻ và dịch vụ tài khoản cá nhân Techcombank cũng nhìn nhận, cái khó hiện nay của các ngân hàng chính là việc định hướng cho khách hàng đang sử dụng các kênh giao dịch truyền thống như quầy giao dịch, rút tiền mặt trên ATM sang việc sử dụng các kênh thanh toán điện tử, không dùng tiền mặt, không tiếp xúc trực tiếp với ngân hàng. "Nếu việc định hướng này tốt, lúc đó vai trò của Mobile Banking chính là một kênh giao tiếp hiệu quả nhất giữa ngân hàng và khách hàng", ông kỳ vọng.
Riêng về lo ngại tính bảo mật khi sử dụng dịch vụ Mobile Banking, các nhà băng đều cho biết đang triển khai nhiều phương thức để đảm bảo. Chẳng hạn như tại Eximbank triển khai 2 tiện ích là cấp lại mật khẩu qua email và Mobile OTP. Các tiện ích này sẽ giúp khách hàng thuận tiện trong việc sử dụng cũng như gia tăng và nâng cao khả năng mã hóa, an toàn bảo mật. Còn với Vietcombank, trường hợp khách hàng bị mất PIN, kẻ gian cũng không thể truy cập vào tài khoản của khách hàng trên chiếc điện thoại khác.
Ông Anthony Berger, cố vấn OceanBank cho rằng, để đảm bảo an toàn cho khách hàng cũng như ngân hàng thì cần triển khai đầy đủ các tiêu chuẩn quốc tế về bảo mật và cho dù điều này sẽ tốn kém rất nhiều chi phí, nó càng khó khăn hơn trong thời điểm nền kinh tế đi xuống. "Tôi đã từng vất vả cả tháng trời đấu tranh với lãnh đạo cao cấp của OceanBank, để họ hiểu và chấp thuận đầu tư tương xứng", ông tâm sự.
Theo VnExpress