Mekong Bank sẽ “kết hôn” với Maritime Bank theo tỷ lệ 1:1

(Kinhdoanhnet ) – Theo hợp đồng được ký kết giữa hai ngân hàng, Mekong Bank sẽ thực hiện sáp nhập vào Maritime Bank theo tỷ lệ hoán đổi cổ phần được xác định là 1:1.

Ngân hàng Hàng hải (Maritime Bank - MSB) và Mê Kông (Mekong Bank - MDB) vừa chính thức công bố hợp đồng sáp nhập.

Cụ thể theo bản hợp đồng đã được công bố, MDB sẽ “về chung nhà” với  Maritime Bank theo phương thức hoán đổi toàn bộ số cổ phần của các cổ đông MDB và chuyển toàn bộ tài sản, quyền lợi, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp của MDB sang MSB, đồng thời chấm dứt sự tồn tại của Ngân hàng Mê Kông.

Mekong Bank sẽ “kết hôn” với Maritime Bank theo tỷ lệ 1:1
Mekong Bank sẽ “kết hôn” với Maritime Bank theo tỷ lệ 1:1.

Như vậy sau khi thực hiện sáp nhập Maritime Bank sẽ là tên gọi của ngân hàng mới và có vốn điều lệ là 11.750 tỷ đồng. Theo đó Maritime Bank cũng sẽ tiếp nhận và kế thừa mọi tài sản, hưởng mọi quyền lợi và lợi ích hợp pháp của ngân hàng Mê Kông.

Với tỷ lệ hoán đổi cổ phần được xác định là 1:1. Ngân hàng Hàng hải sẽ phát hành thêm 375 triệu cổ phần, bằng đúng số cổ phần hiện hữu của Mekong Bank.

Với tỷ lệ hoán đổi nói trên, đã có khá nhiều cổ đông của Maritime Bank lên tiếng phản đối, họ cho rằng điều này sẽ gây thiệt hại cho họ bởi Maritime Bank là ngân hàng có kết quả kinh doanh tốt hơn hẳn Mekong Bank. Tuy nhiên theo ban lãnh đạo của Maritime Bank thì Mekong Bank chỉ là ngân hàng nhỏ chứ không phải nhà băng yếu kém, chất lượng tài sản của họ tốt. Bên cạnh đó giá trị sổ sách của hai bên cũng khá tương đồng nhau, MSB là 11.000 đồng một cổ phiếu trong khi MDB là 10.500 đồng. Do vậy tỷ lệ hoán đổi cổ phần nói trên là hợp lý.

Trước đó, vào ngày 18/03/2015, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng đã có văn bản chấp thuận nguyên tắc MDB sáp nhập vào MSB theo Đề án sáp nhập đã được hai Ngân hàng trình.

Đánh giá về thương vụ sáp nhập này, nhiều chuyên gia tài chính cho rằng đây là điều hoàn toàn hợp lý. Bởi hiện tại Maritime bank đang là cổ đông lớn của MDB với tỷ lệ sở hữu trên 10%, do vậy sau khi hai tổ chức ngân hàng này sáp nhập với nhau, vấn đề sở hữu chéo ngân hàng sẽ được xử lý theo đúng đề án tái cấu trúc hệ thống ngân hàng của Ngân hàng Nhà nước.

Đây cũng là thương vụ sáp nhập đầu tiên kể từ khi lãnh đạo NHNN công bố trong năm nay (2015). Dự kiến sẽ còn có thêm nhiều thương vụ mua bán – sáp nhập các ngân hàng trong hệ thống nhằm giảm số lượng ngân hàng xuống chỉ còn 15-17 ngân hàng, thay vì 40 như hiện nay theo định hướng trước đó của NHNN.

Ngọc Anh (TH theo NDH; VnExpress; Vietstock)

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục