Phát triển mô hình cung ứng dịch vụ địa phương
Hỗ trợ xây dựng các mô hình doanh nghiệp cung ứng tại địa phương; đảm bảo đầu ra cho các doanh nghiệp cung ứng; ưu tiên sử dụng lao động địa phương; thực hiện an sinh xã hội… những cam kết phát triển bền vững của Masan Tài nguyên.
Masan Tài nguyên đã xây dựng và phát triển các mô hình cung ứng địa phương với các tiêu chí: chủ cơ sở/ doanh nghiệp phải là hộ bị thu hồi đất bởi dự án Núi Pháo, phải ưu tiên tuyển dụng lao động là hộ bị ảnh hưởng bởi dự án. Những doanh nghiệp này do chính Masan Tài nguyên hỗ trợ thành lập, đào tạo chuyên môn, an toàn lao động, hỗ trợ vận hành và tiêu thụ sản phẩm.
Để cạnh tranh với các doanh nghiệp lớn trong và ngoài địa bàn, các cơ sở cung ứng địa phương gặp phải không ít khó khăn, hạn chế như: năng lực cạnh tranh về giá cả, chất lượng hàng hóa dịch vụ, sự chuyên nghiệp, tiến độ giao hàng... Tuy vậy, với mong muốn trao cơ hội mở rộng kinh doanh, có việc làm và thu nhập cho những người bị ảnh hưởng bởi dự án, Masan Tài nguyên đã kiên trì đồng hành cùng các cơ sở để nâng cao năng lực, chất lượng sản phẩm và dịch vụ, thậm chí trợ giá trong giai đoạn mới thành lập, hỗ trợ tiếp cận khách hàng và mở rộng thị trường (bằng việc hỗ trợ các đợt thăm quan học tập kinh nghiệm, tham gia hỗ trợ đàm phán với khách hàng, hỗ trợ tìm kiếm khách hàng mới)…
Tính từ năm 2012 đến nay, Masan Tài nguyên đã hợp tác và hỗ trợ nhiều doanh nghiệp cung ứng tại địa phương như Công ty May bao bì Anh Dương, Nhà may Khánh Hiền, Hợp tác xã vận tải Bình An… Các cơ sở này cũng đã góp phần tạo công ăn việc làm ổn định cho khoảng 120 lao động là hộ ảnh hưởng bởi dự án với mức thu nhập bình quân từ 5.5 – 6.2 triệu đồng/ tháng. Đến nay, Masan Tài nguyên đã tạo cơ hội việc làm cho 2000 lao động tại Dự án Núi Pháo.
Công nhân đang làm việc tại Công ty may bao bì Anh Dương.
Đến nay, rất nhiều mô hình an sinh xã hội của Masan Tài nguyên đã được chính các doanh nghiệp địa phương học tập áp dụng thực hiện vào đơn vị mình và đã được lãnh đạo địa phương đánh giá cao.
Câu chuyện của Công ty Bao bì Anh Dương
Vốn là một hộ bị ảnh hưởng bởi dự án Núi Pháo, năm 2013 chị Đinh Thị Hải Thùy đã thành lập xưởng may túi đựng sản phẩm Anh Dương nhờ sự hỗ trợ của gia đình và sự động viên, tạo điều kiện từ Công ty Masan Tài nguyên với chương trình Phục hồi Kinh tế. Trước đó, chị đã có 3 năm làm việc tại Núi Pháo.
Chị cho biết: “Buổi đầu thành lập, doanh nghiệp của tôi gặp nhiều khó khăn trở ngại. Song, được Công ty Masan Tài nguyên đã đồng hành cùng doanh nghiệp, hỗ trợ tôi về mô hình quản lý, giới thiệu đi thăm quan, học tập kinh nghiệm ở nhiều nơi, giúp bao tiêu sản phẩm, giới thiệu và đào tạo người lao động địa phương để vào làm việc cho doanh nghiệp .
Điều tôi tâm đắc nhất là doanh nghiệp của tôi không chỉ phát triển được kinh tế cho gia đình mình mà còn có thể tạo được việc làm, thu nhập cho nhiều người khác, đặc biệt là những người vốn là nông dân bị mất nhà, mất đất đang rất cần việc làm.”
Chị Đinh Thị Hải Thùy (trái) – chủ doanh nghiệp Anh Dương làm việc tại xưởng.
Sau 6 năm từ khi thành lập, doanh nghiệp Anh Dương đã giảm dần sự phụ thuộc vào đơn hàng của Núi Pháo và phát triển các đơn hàng với khách hàng nội địa cũng như quốc tế. Năm 2018 doanh nghiệp Anh Dương được UBND huyện Đại Từ khen thưởng là doanh nghiệp có nhiều thành tích trong hoạt động sản xuất kinh doanh và đóng góp vào sự phát triển kinh tế xã hội của huyện.
Qua những chương trình an sinh xã hội thiết thực, Masan Tài nguyên thể hiện một tầm nhìn bền vững, sáng tạo và đặc biệt là gắn liền lợi ích của người dân trong cộng đồng với doanh nghiệp
Ông Võ Tiến Dũng – Giám đốc Đối ngoại Masan Tài nguyên cho biết: “Điều mà chúng tôi tâm đắc và cảm thấy hiệu quả nhất là Masan Tài nguyên đã biến một vùng đất khô cằn rất khó khăn để phát triển kinh tế trở thành một dự án tầm cỡ quốc tế và tạo việc làm cho khoảng 2000 người có thu nhập bình quân 11 triệu đồng/người/ tháng, trong đó có khoảng 65% là người Đại Từ (những người bị ảnh hưởng bởi dự án),10 % là người Thái Nguyên.”
|
Tiến Nha – Thu Quỳnh