Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tài nguyên Masan (Masan Resources – Mã: MSR) vừa công bố nghị quyết góp thêm hơn 4.314 tỷ đồng vào Công ty TNHH MTV Tài nguyên Masan Thái Nguyên.
Sau góp vốn, vốn điều lệ của Tài nguyên Masan Thái Nguyên sẽ nâng lên gần 9.455 tỷ đồng. Hiện Masan đang sở hữu 100% vốn của Masan Thái Nguyên.
Masan Resources được thành lập năm 2010 khi Tập Đoàn Masan đã ký các thỏa thuận chính thức với các quỹ đầu tư do Dragon Capital sở hữu và quản lý để mua lại quyền kiểm soát trong Công ty Liên Doanh Khai thác Chế biến Khoáng Sản Núi Pháo. Tập Đoàn Masan đã hoàn tất việc mua lại quyền kiểm soát Công ty Núi Pháo vào ngày 23/9/2010.
Công ty Núi Pháo hiện là một công ty con do Masan Resources sở hữu gián tiếp 100% thông qua Tài nguyên Masan Thái Nguyên và Công Ty TNHH MTV Thương Mại Và Đầu tư Thái Nguyên và cũng là đơn vị trực tiếp vận hành dự án mỏ đa kim Núi Pháo.
Cơ cấu doanh nghiệp của MSR (Nguồn: Báo cáo thường niên 2018)
Tài sản chính của Masan Resources là mỏ đa kim Núi Pháo nằm trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, là mỏ vonfram đầu tiên được triển khai đưa vào sản xuất thành công trên 15 năm qua.
Mỏ Núi Pháo đã được các nhà phân tích hàng đầu trong ngành công nghiệp khai khoáng bao gồm Roskill và Argus Media Ltd đánh giá là một trong những mỏ vonfram lớn nhất thế giới với trữ lượng quặng tiềm năng đã được chứng minh là 66 triệu tấn (Theo Giấy phép Khai thác khoáng sản là 83,22 triệu tấn quặng vonfram - đa kim cấp B và cấp C1 bao gồm: khai thác lộ thiên 55,19 triệu tấn và khai thác hầm lò 28 triệu tấn.
Về bản chất, mỏ Núi Pháo là một mỏ lộ thiên nơi có thể tìm thấy các vỉa khoáng sản hoặc đá có giá trị thương mại gần bề mặt, do đó chi phí khai thác thấp hơn so với chi phí khai thác mỏ dưới lòng đất. Mỏ núi pháo bắt đầu sản xuất thương mại trong quý đầu năm 2014, thời hạn khai thác của dự Án Núi Pháo được dự kiến kéo dài hơn 20 năm.
Hoàng Kiều