Theo quy định mới, từ ngày 1/9, Malaysia chính thức thi hành điều lệnh bắt buộc sử dụng các loại túi đựng có khả năng phân hủy nhanh, thay cho sản phẩm túi nilon và hộp xốp.
Malaysia cấm sử dụng túi nilon và hộp xốp. Ảnh: The Star Online
Tờ The Straits Times cho biết, chính phủ Malaysia cũng sẽ mở các chốt kiểm tra để đảm bảo quy định được tuân thủ đầy đủ. Theo đó, các chủ doanh nghiệp nào vi phạm sẽ phải đối mặt với khoản tiền phạt tối đa lên đến 1.000 RM (234,08 USD).
Giới chức Malaysia cho biết túi ni lông thông thường phải mất 500 năm mới có thể phân hủy. Điều này làm gia tăng chi phí quản lý chất thải tại các khu chứa rác vì không thể tái sử dụng ngay được, trong khi chính phủ chưa thể nhanh chóng mở thêm các công xưởng tái chế rác chuyên xử lý túi nilon và hộp xốp. Ngoài ra, loại vật liệu khó phân hủy này còn gây ô nhiễm, làm tắc nghẽn sông và hệ thống cống rãnh.
Động thái này được thực hiện nhằm nâng cao nhận thức của người dân về tác hại của chất dẻo và polystyrene đối với sức khỏe con người.
Chính phủ mong muốn thúc đẩy việc sử dụng túi sinh học đựng thực phẩm có thể phân hủy trong vòng 6 tháng, tuy nhiên giá thành sản phẩm mới gấp khoảng 3 lần loại túi thông thường.
Giá túi nilon dự kiến sẽ tăng từ 3 đến 6 lần, trong khi giá hộp xốp mua vào tăng 30% so với giá trị trước đây.
Ngoài ra, các túi đựng có khả năng phân hủy nhanh cũng được bán với giá khá cao. Các thương nhân buộc phải sử dụng loại túi này với giá 15 RM (3,51 USD) cho 100 cái. Tương tự, 100 hộp xốp sẽ được bán với giá 22 RM (5,15 USD).
Phương Anh