Lợi thế khiến nhà đầu tư nước ngoài chọn Việt Nam thay vì các đối thủ cạnh tranh là gì?

Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đang chịu tác động nặng nề bởi đại dịch COVID-19, Việt Nam vẫn thu hút được một lượng đáng kể vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài trong năm 2020.

Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đang chịu tác động nặng nề bởi đại dịch COVID-19, Việt Nam vẫn thu hút được một lượng đáng kể vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài trong năm 2020.

Lợi thế khiến nhà đầu tư nước ngoài chọn Việt Nam thay vì các đối thủ cạnh tranh là gì? - Ảnh 1

Nhờ những nỗ lực ấn tượng trong việc kiềm chế dịch bệnh và làn sóng dịch chuyển đầu tư, Việt Nam đã tăng cường vị thế của mình như một trong những lựa chọn đầu tư thay thế Trung Quốc. 

Báo cáo Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI 2020 PCI do VCCI phối hợp USAID thực hiện đã phân tích các lợi thế và hạn chế của Việt Nam trong thu hút những doanh nghiệp nước ngoài đang tìm kiếm phương án đa dạng hóa danh mục đầu tư của mình ra ngoài Trung Quốc. 

Phân tích sâu cho thấy, Việt Nam đã trở nên hấp dẫn hơn với các nhà đầu tư nước ngoài, trong tương quan so sánh với các nước trong khu vực. Việt Nam đã chuyển hóa một số điểm yếu trước đây (như Rủi ro bị thu hồi mặt bằng kinh doanh, Mức độ ổn định chính sách và Ổn định chính trị) thành lợi thế so sánh. Tuy nhiên, Việt Nam cần tiếp tục cải thiện hai lĩnh vực còn nhiều bất cập là Hệ thống thủ tục, quy định và Cơ sở hạ tầng.

Lợi thế lâu dài của Việt Nam có thể kể đến yếu tố chính trị ổn định. Đây luôn là sức hút với các nhà đầu tư nước ngoài. Yếu tố này của Việt Nam liên tục được các doanh nghiệp FDI đánh giá cao, với tỷ lệ trên 90%. Lợi thế mới nổi là các doanh nghiệp FDI ngày càng coi Việt Nam là điểm đến có rủi ro bị thu hồi mặt bằng sản xuất kinh doanh và rủi ro bất ổn chính sách thấp hơn, sau những bước tiến ấn tượng trong các năm qua. 

Sau khi Luật Đất đai năm 2013 được ban hành, tỷ lệ doanh nghiệp FDI nhận định rủi ro bị thu hồi mặt bằng là thấp tại Việt Nam đã tăng từ 64% lên 80%. Tỷ lệ doanh nghiệp FDI cho rằng Việt Nam có rủi ro bất ổn chính sách thấp hơn cũng tăng từ 60% năm 2013 lên 82% năm 2020.  

Việt Nam cũng có những lợi thế còn tiềm năng. Dù đã có một số bước tiến song hai yếu tố thuế và vai trò của doanh nghiệp trong hoạch định chính sách vẫn còn là điểm yếu của môi trường kinh doanh tại Việt Nam. Tỷ lệ doanh nghiệp FDI lựa chọn đầu tư vào Việt Nam do các yếu tố này dao động xung quanh mức 60% vào năm 2020.

Song, môi trường kinh doanh ở Việt Nam vẫn còn tồn tại những hạn chế có tính truyền thống. Dưới 50% doanh nghiệp FDI đánh giá tích cực 4 yếu tố kiểm soát tham nhũng; chất lượng cung cấp dịch vụ công; hệ thống thủ tục, quy định; và cơ sở hạ tầng của môi trường kinh doanh Việt Nam. Trong đó, hai yếu tố đầu được đánh giá là có sự cải thiện đáng khích lệ. Gần 40% doanh nghiệp FDI coi chống tham nhũng là một trong những điểm mạnh của Việt Nam trong năm 2020, tăng từ mức xấp xỉ 30% năm 2014. 

Đánh giá của doanh nghiệp FDI về lĩnh vực chất lượng cung cấp dịch vụ công đã cải thiện đáng kể, tăng từ mức báo động 29% năm 2014 lên gần 46% năm 2020. Mặt khác, hai lĩnh vực hệ thống thủ tục, quy định và cơ sở hạ tầng chưa có sự cải thiện đáng kể trong các năm gần đây.

Hệ thống thủ tục, quy định ở Việt Nam tiếp tục là lĩnh vực cần đẩy mạnh cải thiện, theo cảm nhận của các nhà đầu tư nước ngoài. Tỷ lệ doanh nghiệp FDI phản ánh gặp khó khăn với các thủ tục hành chính thuộc các lĩnh vực hải quan, thuế, an toàn phòng chống cháy nổ, thành lập doanh nghiệp và bảo hiểm xã hội vẫn quanh mức 23-24%.

Nhã Mi

Doanh nghiệp và Tiếp thị
In bài viết
KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục