Công ty Cổ phần Tập đoàn Sao Mai (Tập đoàn Sao Mai, mã chứng khoán: ASM) mới đây đã công bố báo cáo tài chính hợp nhất giữa niên độ 2023 được Công ty TNHH Dịch vụ Tư vấn Tài chính Kế toán và Kiểm toán Phía Nam (AASCS) soát xét.
Theo đó, Công ty đạt doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt 6.305 tỷ đồng, giảm 12,6% so với cùng kỳ năm 2022. Đồng thời, doanh thu hoạt động tài chính cũng giảm còn 85,7 tỷ đồng, chỉ bằng một nửa so với năm trước.
Tuy nhiên, chi phí tài chính lại tăng tới 64%, tương ứng tăng thêm 164 tỷ đồng lên mức 420,5 tỷ đồng, chủ yếu do chi phí lãi vay. Theo giải thích từ Tập đoàn Sao Mai, nguyên nhân chi phí tài chính tăng đột biến là do nợ vay tăng thêm để thanh toán cho nhà thầu thi công nhà máy điện năng lượng mặt trời An Hảo giai đoạn 3,4.
Mặc dù chi phí bán hàng giảm 65% xuống mức 82 tỷ đồng nhưng lợi nhuận sau thuế của Tập đoàn Sao Mai vẫn “đi lùi” 71,6% so với quý II/2022, đạt 191,18 tỷ đồng.
Như vậy, lợi nhuận 6 tháng đầu năm 2023 lao dốc bên cạnh lợi nhuận gộp giảm, Công ty hụt doanh thu tài chính và đặc biệt chi phí tài chính tăng cao.
So với kết quả hoạt động kinh doanh hợp nhất 6 tháng đầu năm nay được Tập đoàn Sao Mai công bố hồi cuối tháng 7, lợi nhuận sau thuế của Công ty sau soát xét đã giảm 444,5 triệu đồng.
Trong năm 2023, Tập đoàn Sao Mai đặt kế hoạch kinh doanh với doanh thu 15.250 tỷ đồng, tăng 10,9% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế dự kiến 545 tỷ đồng, giảm 43,4% so với thực hiện trong năm 2022. Như vậy, sau 6 tháng đầu năm, với lợi nhuận hơn 191 tỷ đồng, ASM mới hoàn thành 35% chỉ tiêu đề ra.
Tính tới 30/6/2023, tổng tài sản của Tập đoàn Sao Mai gần 19.244 tỷ đồng, tăng 0,83% so với đầu năm. Trong đó, tài sản chủ yếu tài sản cố định ghi nhận 6.685,8 tỷ đồng, chiếm 34,8% tổng tài sản.
Sau tài sản cố định, các khoản phải thu ngắn hạn chiếm tỷ trọng tổng tài sản lớn thứ 2, khi ghi nhận 4.193 tỷ đồng (chiếm 21,8%). Tồn kho ghi nhận 3.486,1 tỷ đồng. Các khoản này đều chỉ biến động nhẹ so với đầu năm.
Công ty có hơn 11,5 tỷ đồng tiền mặt. Tập đoàn Sao Mai dành tổng cộng 6,6 tỷ đồng đầu tư chứng khoán vào các mã cổ phiếu MBB (Ngân hàng TMCP Quân đội), mã C32 (Công ty CP CIC39), mã HPG (Thép Hòa Phát), mã CTG (Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam) và một số mã khác.
Phía bên kia bảng cân đối kế toán, nợ phải trả là 11.465 tỷ đồng, chủ yếu là nợ vay hơn 10.000 tỷ đồng, bằng 130% vốn chủ sở hữu. Trong đó, nợ vay ngắn hạn là 5.873 tỷ đồng (giảm 5,1%), còn nợ vay dài hạn là 4.220,3 tỷ đồng (tăng 16,2%).
Xét về dòng tiền, dòng tiền từ hoạt động kinh doanh của công ty âm 151,4 tỷ đồng (cùng kỳ dương 82,3 tỷ đồng). Dòng tiền đầu tư cũng bị âm 608 tỷ đồng (cùng kỳ âm 86,3 tỷ đồng). Chỉ riêng lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động đầu tư tài chính dương 236,5 tỷ đồng, nhưng chủ yếu lại là tăng vay nợ.
Công ty Cổ phần Tập đoàn Sao Mai tiền thân là Công ty liên doanh kiến trúc tỉnh An Giang, được thành lập năm 1988. Trụ sở chính đóng tại TP.Long Xuyên, tỉnh An Giang.
Đây là tập đoàn kinh doanh đa ngành nghề trong các lĩnh vực bất động sản, thủy sản, du lịch, thực phẩm, xây dựng, đầu tư tài chính gồm 12 công ty thành viên. Trụ sở chính đóng tại TP.Long Xuyên, tỉnh An Giang.
Tập đoàn Sao Mai được đại gia xứ Thanh - Lê Thanh Thuấn thành lập và điều hành. Từ ngày 1/5/2023, ông Lê Thanh Thuấn chính thức chuyển giao vị trí Tổng Giám đốc điều hành doanh nghiệp cho ông Lê Tuấn Anh (SN 1994). Đây được xem là một trong những bước chuyển giao quan trọng cho thế hệ lãnh đạo mới của Công ty cổ phần Tập đoàn Sao Mai kể từ khi thành lập, đánh dấu sự chuyển giao của thế hệ sáng lập cho thế hệ lãnh đạo thứ 2.
Trong báo cáo tình hình quản trị 6 tháng đầu năm 2023, tỷ lệ sở hữu của cổ đông tại ASM không được công bố. Còn theo dữ liệu được cập nhật đến cuối năm 2022, ông Lê Thanh Thuấn sở hữu gần 65 triệu cổ phiếu, tương ứng 19,31% vốn của ASM. Tân Tổng giám đốc Lê Tuấn Anh nắm gần 38 triệu cổ phiếu, tương ứng 11,26% vốn ASM. Ông Lê Thanh Thuấn và gia đình đang nắm giữ hơn 46% cổ phần tại Tập đoàn Sao Mai.