Lợi nhuận ròng của đại gia này cũng giảm gần 17% xuống 4.540 tỷ won. Riêng bộ phận di động của Samsung, là bộ phận chịu trách nhiệm về sản phẩm Note7, đã có báo cáo lợi nhuận giảm 96% - mức thấp nhất trong 8 năm qua, khi chỉ đạt vỏn vẹn 100 tỷ Won (tương đương 87,8 triệu USD).
Lợi nhuận mảng di động của Samsung giảm 96% vì Note 7
Kết quả này trên thực tế không mang đến nhiều bất ngờ. Ngay từ khi Samsung thu hồi và tuyên bố khai tử dòng sản phẩm Note7, các chuyên gia đã dự đoán rằng công ty có thể đón nhận thiệt hại về tài chính lên đến nhiều tỷ USD.
Trong khi cuộc khủng hoảng Note 7 ảnh hưởng nghiêm trọng đến mảng sản xuất điện thoại di động của hãng, mảng màn hình và thẻ nhớ cung cấp cho các hãng sản xuất TV và điện thoại lại kinh doanh khá tốt.
Lợi nhuận hoạt động mảng linh kiện bán dẫn quý III đạt 3.370 tỷ won. Con số này tại mảng màn hình là 1.020 tỷ won, nhờ nhu cầu màn hình OLED và TV LCD cỡ lớn. Samsung cho biết lợi nhuận mảng linh kiện sẽ còn tăng trong quý này.
"Những con số trên cho thấy Samsung là một người chơi lớn, không chỉ có smartphone mà còn có cả linh kiện và màn hình", Patrick Moorhead – Chủ tịch Moor Insights & Strategy nhận xét.
Dư âm của thảm họa Note 7 sẽ vẫn còn dai dẳng ít nhất là cho đến năm sau, khi dòng điện thoại Galaxy S mới được tung ra. Lee Do-hoon chuyên gia phân tích tại CIMB Securities tại Seoul nhận định.
Kể từ khi tiến hành tuyên bố thu hồi Note 7 lần 1 hồi đầu tháng 9, cổ phiếu Samsung như lao trên đường ray tàu lượn. Tính đến sáng hôm qua tại Seoul – trước khi hãng tung ra báo cáo lợi nhuận, cổ phiếu Samsung giảm 1,9%. Giá trị vốn hóa bị bốc hơi hơn 20 tỷ USD kể từ khi dính thảm họa Note 7.
Note 7 đã từng được kỳ vọng là đứa con cưng giúp Samsung vượt lên trước Apple với sản phẩm đối thủ là iPhone 7. Tuy nhiên, chỉ mới 2 tháng, Note 7 đã trở thành "đứa con tội đồ" và kết thúc cuộc đời ngắn ngủi.
Nhiều chuyên gia nhận định, quý I năm sau, Galaxy S8 được dự báo ra mắt và có thể giúp Samsung bỏ tất cả tiêu cực về Note 7 lại phía sau.
Phương Anh