Lợi nhuận của một doanh nghiệp ngành nhựa tụt dốc 99%

Các khoản chi phí leo thang đã khiến lợi nhuận sau thuế của Nhựa Đông Á bị bào mòn chỉ còn 66 triệu đồng trong quý IV/2022, giảm 99% so với cùng kỳ.

Các khoản chi phí leo thang đã khiến lợi nhuận sau thuế của Nhựa Đông Á bị bào mòn chỉ còn 66 triệu đồng trong quý IV/2022, giảm 99% so với cùng kỳ.

Công ty Cổ phần Tập đoàn Nhựa Đông Á (HoSE: DAG) vừa công bố báo cáo tài chính quý IV/2022 với doanh thu đạt 481 tỷ đồng, tăng 22,7% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, do biên độ tăng của giá vốn hàng bán cao hơn biên độ tăng của doanh thu dẫn đến lợi nhuận gộp trong kỳ giảm nhẹ so với cùng kỳ.

Bên cạnh đó, các khoản chi phí trong quý của Nhựa Đông Á đều phát sinh mạnh. Cụ thể, chi phí tài chính đạt gần 23 tỷ đồng, tăng 64% so với quý IV/2022, chủ yếu đến từ chi phí lãi vay. Chi phí bán hàng là 2,5 tỷ đồng và chi phí quản lý doanh nghiệp là 8 tỷ đồng, tăng lần lượt 13% và 133% so với cùng kỳ.

Chính vì vậy, sau khi trừ các chi phí Nhựa Đông Á lãi vỏn vẹn 66 triệu đồng, trong khi cùng kỳ con số này ở mức 6,1 tỷ đồng, tương đương giảm gần 99% so với cùng kỳ năm 2021.

Theo giải trình chênh lệch báo cáo tài chính so với cùng kỳ, Nhựa Đông Á cho biết lợi nhuận trong quý giảm là do lãi suất ngân hàng tăng cao, nhập khẩu nhiều máy móc thiết bị để mở rộng sản xuất dẫn đến tăng các khoản vay ngân hàng và lãi vay.

Bên cạnh đó, tỉ giá cuối kỳ chênh lệch nhiều so với cùng kỳ năm ngoái dẫn đến giá trị hàng hoá nhập khẩu tăng. Ngoài ra, do kế hoạch mở rộng sản xuất cho 3 nhà máy nên Nhựa Đông Á phải chuẩn bị nhiều nhân lực để đào tạo cho giai đoạn ban đầu.

Lợi nhuận của một doanh nghiệp ngành nhựa tụt dốc 99% - Ảnh 1

Luỹ kế cả năm 2022, Nhựa Đông Á ghi nhận doanh thu thuần đạt 2.244 tỷ đồng, tăng 14,8% so với năm 2021. Cấn trừ các chi phí, công ty báo lãi 7,3 tỷ đồng, tăng 24%.

Năm 2022, công ty đặt mục tiêu kế hoạch doanh thu đạt 2.250 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 26 tỷ đồng. Như vậy với kết quả trên, Nhựa Đông Á không thể hoàn thành kế hoạch đề ra cả năm.

Xét về tình hình tài chính doanh nghiệp, tính đến ngày 31/12/2022, Nhựa Đông Á sở hữu khối lượng tài sản ở mức 2.239 tỷ đồng, tăng 10,4% so với đầu năm. Trong đó, tài sản ngắn hạn chiếm đa số với 1.510 tỷ đồng, tương đương 67% cơ cấu tổng tài sản.

Trong năm, công ty ghi nhận sự sụt giảm mạnh hơn 95% của tiền và các khoản tương đương với tiền, giảm từ 59,7 tỷ đồng đầu tại năm xuống chỉ còn 2,6 tỷ đồng tại cuối năm.

Chỉ số hàng tồn kho đạt 979 tỷ đồng, tăng 25,8% so với cùng kỳ. Tăng chủ yếu đến từ nguyên liệu, vật liệu và chi phí sản xuất kinh doanh dở dang.

Dư nợ của công ty tính đến cuối năm 2022 là 1.553 tỷ đồng, cao hơn 15% so với số đầu năm. Trong đó các khoản vay và nợ thuê tài chính ở mức 1.209 tỷ đồng, tăng mạnh so với 970 tỷ đồng vào đầu năm.

Diễn biến thị giá cổ phiếu DAG (Nguồn: TradingView).

Diễn biến thị giá cổ phiếu DAG (Nguồn: TradingView).

Trên thị trường, mới đây, Nhựa Đông Á bất ngờ thông báo về việc tạm dừng hồ sơ đăng ký chào bán cổ phiếu ra công chúng nhằm tăng vốn điều lệ.

Công ty cho biết việc tạm dừng trên để điều chỉnh phương án sử dụng vốn chi tiết đảm bảo phù hợp với nhu cầu thực tiễn của công ty và mang lại hiệu quả cho công ty. Sau khi có phương án sử dụng vốn mới, Nhựa Đông Á sẽ nộp lại hồ sơ đăng ký chào bán thêm cổ phiếu ra công chúng cho UBCKNN theo quy định và sẽ báo cáo lại vào kỳ họp ĐHĐCĐ gần nhất.

Thông tin thêm về phương án chào bán cổ phiếu ra công chúng trên, công ty dự kiến sẽ chào bán gần 29,78 triệu cổ phiếu với mức giá chào bán 10.000 đồng/cổ phiếu theo phương thức thực hiện quyền mua cổ phiếu. Tỉ lệ thực hiện quyền là 2:1. Giá trị dự kiến thu được từ đợt chào bán này là khoảng 297,8 tỷ đồng.

Trước đó, công ty đã thông qua phương án mở rộng sản xuất các sản phẩm mới như sàn nhựa SPC, tấm tủ nhựa PVC, cửa gỗ nhựa WPC. Địa điểm thực hiện tại các nhà máy tại KCN Châu Sơn (Hà Nam), KCN Tân Tạo (TP. HCM) và KCN Ngọc Hồi (Hà Nội) với tổng vốn đầu tư 646 tỷ đồng.

     

Nguyễn Phương Anh

Người đưa tin Pháp luật
In bài viết
KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục