Hồi nửa đầu năm 2023, các doanh nghiệp bán lẻ đã trải qua “cơn bĩ cực” khi người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu trong bối cảnh lạm phát leo thang, môi trường lãi suất cao và tín dụng thắt chặt từ các công ty tài chính tiêu dùng.
Để ứng phó với các thách thức ấy, các doanh nghiệp đã chủ động áp dụng nhiều chiến lược khác nhau như tăng tốc độ mở rộng chuỗi cửa hàng để chiếm lĩnh thị phần trên thị trường bán lẻ (MSN, FRT, PNJ); Đa dạng hóa danh mục sản phẩm để đáp ứng tốt hơn nhu cầu tiêu dùng (DGW, FRT, PNJ); Đổi nhận diện thương hiệu (VNM) hoặc giảm đòn bẩy.
Giới phân tích kỳ vọng những động thái của doanh ngiệp bán lẻ không chỉ giúp các công ty vượt qua những thách thức ngắn hạn mà còn thúc đẩy tăng trưởng trong tương lai.
Trong báo cáo về ngành bán lẻ mới đây, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) dự báo, lợi nhuận của các doanh nghiệp bán lẻ có thể vẫn yếu trong quý 3 do ảnh hưởng của mùa thấp điểm nhưng dự kiến sẽ có sự phục hồi rõ ràng hơn từ quý 4. Những công ty dẫn đầu thị trường sẽ tiếp tục tăng thị phần sau giai đoạn giảm tốc.
Tăng trưởng dài hạn sẽ tập trung vào các phân khúc có độ phân mảnh và tiềm năng mở rộng cao. 3 động lực chính thúc đẩy tăng trưởng bán lẻ là sự phát triển của tầng lớp trung lưu, sự chuyển đổi từ kênh bán lẻ truyền thống sang hiện đại và sự gia nhập vào các phân khúc phân mảnh cao của các chuỗi bán lẻ.
Trước những triển vọng lạc quan hơn từ thị trường, nhiều cổ phiếu bán lẻ đã bứt phá trong thời gian gần đây. Chốt phiên giao dịch ngày 12/9, cổ phiếu MWG dừng ở mốc 55.800 đồng/cp, tăng khoảng 32% sau ba tháng và hồi phục lên vùng giá cao nhất gần một năm.
Bên cạnh đó, nhiều cổ phiếu bán lẻ cũng chứng kiến đà tăng mạnh như DGW tăng 56% lên 62.00 đồng/cp, FRT tăng 70% lên 86.500 đồng/cp, PET tăng 23% lên 31.200 đồng/cp, PNJ tăng 16% lên 83.600 đồng/cp trong ba tháng.
Tính từ đầu năm tới nay, các cổ phiếu bán lẻ có đà tăng bứt tốc như MWG tăng 88%, DGW tăng 55%, FRT tăng 41%.