Loạt ngân hàng tăng lãi suất sau điều chỉnh của Ngân hàng Nhà nước

Sau điều chỉnh tăng lãi suất của NHNN, loạt ngân hàng thương mại đã công bố biểu lãi suất huy động mới.

TCDN - Sau điều chỉnh tăng lãi suất của Ngân hàng Nhà nước, loạt ngân hàng thương mại đã công bố biểu lãi suất huy động mới.

Tại Sacombank điều chỉnh tăng mạnh lãi suất huy động tiền gửi ở một loạt kỳ hạn, với cả hình thức gửi tại quầy và online, sau thông báo tăng trần lãi suất huy động của Ngân hàng Nhà nước tối qua. Trong đó trần lãi suất tiền gửi kỳ hạn dưới 6 tháng tăng từ 5%/năm lên 6%/năm.

Với gửi tại quầy ngân hàng này tăng lãi suất các kỳ hạn ngắn dưới 6 tháng từ 4,1-4,6%/năm trước đó lên 5,6-6%/năm theo biểu lãi suất mới, tương đương mức tăng 1,4-1,5%. Với hình thức gửi tiền online, các kỳ hạn 1-5 tháng đều được áp dụng lãi suất kịch trần 6%/năm.

Loạt ngân hàng tăng lãi suất huy động sau điều chỉnh của NHNN.
Loạt ngân hàng tăng lãi suất huy động sau điều chỉnh của NHNN.

Các kỳ hạn dài như kỳ hạn 6-11 tháng tăng từ mức 5,8-6,3%/năm lên 7-7,25%/năm nếu gửi tại quầy và cao hơn nếu gửi online. Tại kỳ hạn 12 tháng, lãi suất tiền gửi tại quầy và online tăng từ mức 6,5%/năm và 6,9%/năm lên mức 7,3%/năm và 7,8%/năm.

Tại BacABank, ngân hàng đã tăng lãi suất các kỳ hạn ngắn dưới 6 tháng lên mức kịch trần. Cụ thể, lãi suất không kỳ hạn và kỳ hạn 1 tuần - 3 tuần có lãi suất 1%/năm. Lãi suất kỳ hạn 1 tháng-5 tháng là 6%/năm, tăng 1%/năm so với trước.

Ngân hàng gần như giữ nguyên lãi suất các kỳ hạn dài. Theo đó, lãi suất cao nhất tại BacABank hiện nay là 8,4%/năm, áp dụng cho khách hàng gửi tiết kiệm trên 1 tỷ đồng, kỳ hạn từ 18 tháng trở lên.

Biểu lãi suất mới áp dụng từ chiều nay của SeABank cũng có mức tăng phổ biến là 1-1,2 % ở tất cả kỳ hạn. Các kỳ hạn ngắn 1-5 tháng hiện có lãi suất cố định ở mức 5,7%/năm, tăng 1% so với trước. Kỳ hạn 6-11 tháng có lãi suất 6,7-6,85%/năm, tăng 0,8-1,3%. Kỳ hạn 12 tháng có lãi suất 6,9%/năm, tăng 0,8% và các kỳ hạn dài 24-36 tháng hưởng lãi suất tối đa 7,4%/năm, tăng 1,2% so với đầu tháng 10.

Tương tự, NCB cũng đã tăng lãi suất huy động từ ngày 25/10, trong đó đưa lãi suất kỳ hạn dưới 6 tháng lên mức tối đa cho phép. Hiện khách hàng gửi tiết kiệm kỳ hạn 6 tháng trở lên tại NCB theo hình thức trực tuyến đã có lãi suất trên 8%/năm, cao nhất là 8,45%/năm (dành cho kỳ hạn từ 24 tháng).

Trong khi đó, đa số các ngân hàng khác chưa có động thái mới sau khi NHNN tăng lãi suất điều hành. Các ngân hàng lớn như VietinBank, Vietcombank, BIDV, Agribank, VPBank, MB, Sacombank,…đều đang áp dụng biểu lãi suất trước ngày 25/10, tức lãi suất kỳ hạn dưới 6 tháng tối đa chỉ 5%/năm.

Công ty Chứng khoán Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCBS) cho rằng việc Ngân hàng Nhà nước tăng lãi suất giúp hạ nhiệt tỷ giá tạm thời nhưng sẽ kích hoạt cuộc đua tăng lãi suất, đặc biệt là tại các ngân hàng vừa và nhỏ, tạo áp lực mạnh lên mặt bằng lãi suất cho vay vốn có độ trễ nhất định so với lãi suất huy động.

Ngân hàng Nhà nước cho biết, lạm phát toàn cầu vẫn ở mức cao, Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã 05 lần điều chỉnh tăng lãi suất mục tiêu lên mức 3-3,25%/năm và dự báo còn tiếp tục tăng trong các tháng cuối năm 2022 và năm 2023, đồng USD lên giá mạnh, gia tăng áp lực lên mặt bằng lãi suất và tỷ giá trong nước, tạo sức ép lên lạm phát.

Do đó, để tiếp tục triển khai đồng bộ các biện pháp, góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, tiền tệ, đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng, NHNN quyết định điều chỉnh các mức lãi suất, có hiệu lực từ ngày 25/10/2022. NHNN cũng sẽ theo dõi sát diễn biến thị trường trong nước và quốc tế để kịp thời điều hành linh hoạt, đồng bộ các giải pháp, công cụ CSTT, sẵn sàng can thiệp thị trường tiền tệ, ngoại hối để đáp ứng nhu cầu thanh khoản của các TCTD; qua đó góp phần ổn định thị trường, đảm bảo an toàn hoạt động của hệ thống ngân hàng.

Như Quỳnh

TCDN
In bài viết
KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục