Liên tục rao bán nhiều tài sản “khủng”, Sacombank đã xử lý nợ xấu đến đâu?

Với quyết tâm hoàn thành đề án tái cấu trúc trong vòng 3 đến 5 năm, rút ngắn được thời gian so với đề án được phê duyệt, năm 2018, Sacombank đặt mục tiêu xử lý 15.000 tỷ đồng nợ xấu và tài sản tồn đọng. Cùng với đó, Ngân hàng này đã liên tục rao bán các tài sản đảm bảo có giá trị rất lớn. Tuy nhiên, tính đến hết Quý II năm nay, Sacombank mới chỉ hoàn thành 24% kế hoạch đề ra.

Năm 2018 được Sacombank coi là năm tập trung nhanh quá trình tái cơ cấu. Tại ĐHĐCĐ thường niên được tổ chức hồi tháng 4 năm nay , bà Nguyễn Đức Thạch Diễm - Tổng Giám đốc Ngân hàng này cho biết, hiện Sacombank đang có 50.000 tỷ đồng nợ xấu chưa được xử lý, tài sản đảm bảo chủ yếu bằng bất động sản.

Theo đó, Sacombank đã đặt mục tiêu xử lý 15.000 tỷ đồng nợ xấu, tập trung đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu và giảm tỷ lệ nợ xấu xuống dưới 3% theo quy định trong năm 2018.

Không tự nhiên mà nhà băng này lại đề ra kế hoạch xử lý lượng lớn nợ xấu như vậy, bởi theo tìm hiểu của chúng tôi, Sacombank kỳ vọng sẽ nhanh chóng xóa sạch nợ xấu trên cơ sở kết quả kinh doanh của Ngân hàng trong năm 2017.

Theo đó, năm 2017 là năm đầu tiên Sacombank hoạt động theo đề án tái cơ cấu đã mang về cho ngân hàng này những kết quả khả quan.

Cụ thể: tổng tài sản của Ngân hàng tính đến cuối năm tăng 11% so với đầu năm lên hơn 368.600 tỷ đồng, tổng vốn huy động từ tổ chức kinh tế và dân cư đạt gần 325.200 tỷ đồng, tăng 11,5%, dư nợ tín dụng gần 225.600 tỷ đồng, vượt 12,5%. Do vậy, tổng thu nhập của Ngân hàng mang về 8.200 tỷ đồng, cao hơn 33% so với năm trước, tạo nguồn lực tài chính để xử lý các tồn đọng.

Liên tục rao bán nhiều tài sản “khủng”, Sacombank đã xử lý nợ xấu đến đâu? - Ảnh 1
Bên cạnh đó, tại Đại hội, ông Dương Công Minh – Chủ tịch HĐQT cũng cho biết, trong 2017, Sacombank đã xử lý được gần 20.000 tỷ đồng nợ xấu, trong khi mục tiêu ban đầu chỉ có 10.000 tỷ đồng.

Vị chủ tịch này cũng cho biết HĐQT Sacombank đã và đang nỗ lực đẩy mạnh chỉ trong vòng 3 đến 5 năm là hoàn thành đề án tái cấu trúc, rút ngắn được thời gian so với đề án được phê duyệt.

Để thể hiện quyết tâm của mình, ông Minh đã lên tiếng khẳng định:"Nếu sau 5 năm không tái cơ cấu được, tôi sẽ rời Sacombank. Nếu cổ đông không kiên nhẫn chờ đợi được thì có thể bán cổ phiếu để kiếm lời".

Lời nói đó đã nhanh chóng được thực hiện khi từ đầu năm đến nay, Ngân hàng này liên tiếp thực hiện giao bán nhiều tài sản với giá trị rất lớn.

Cụ thể, chỉ trong vòng nửa năm, đã có khoảng 40 Nghị quyết/Quyết định của HĐQT Sacombank được thông qua liên quan xử lý nợ xấu. Trong đó, HĐQT đã họp bàn về phương án xử lý một số khoản vay, thanh lý bất động sản nhận cấn trừ, bán đấu giá tài sản.
Liên tục rao bán nhiều tài sản “khủng”, Sacombank đã xử lý nợ xấu đến đâu? - Ảnh 2
Một số quyết định liên quan đến xử lý nợ xấu của Sacombank trong nửa đầu năm 2018
Theo BCTC hợp nhất bán niên của Ngân hàng này cho thấy, lợi nhuận trước thuế và sau thuế của Sacombank trong 6 tháng đầu năm lần lượt đạt gần 996 tỷ đồng, và 768 tỷ đồng, tương đương với mức tăng 73,2% và 65,5% so với cùng kỳ năm trước. Đồng thời, với kết quả này, tính đến hết Quý II/ 2018, Sacombank đã hoàn thành 54,2% kế hoạch cả năm.

Tại ngày 30/6/2018, Sacombank có tổng tài sản đạt 400.686 tỷ đồng, tăng 8,7% so với đầu năm, với tỷ trọng tài sản có sinh lời tăng 3,5%. Cho vay khách hàng tăng trưởng 10,6% lên mức 246.691 tỷ đồng, trong khi huy động tiền gửi khách hàng đạt 355.860 tỷ đồng, tăng 11,2% so với đầu năm.

BCTC cũng cho thấy, 6 tháng đầu năm nay, ngân hàng này đã thu hồi được hơn 3.600 tỷ đồng nợ xấu và tài sản tồn đọng, tương đương 24% mục tiêu đã đề ra. Theo đó, tỷ lệ nợ xấu hiện đã giảm xuống còn 3,7% so với con số đầu năm là 4,67%.
Liên tục rao bán nhiều tài sản “khủng”, Sacombank đã xử lý nợ xấu đến đâu? - Ảnh 3
Nguồn: BCTC hợp nhất soát xét bán niên 2018 Sacombank

Tuy nhiên, nếu tính cả phần giá trị trái phiếu đặc biệt 452.289 tỷ đồng do Sacombank bán các khoản nợ xấu cho VAMC thì tỷ lệ nợ xấu của Ngân hàng này sẽ chiếm 20,8% tổng dư nợ cho vay.
Mới đây nhất, Sacombank mới đây đã đăng tải một loạt thông báo thanh lý loạt tài sản đảm bảo để thu hồi nợ, trong đó có 4 dự án bất động sản có giá trị lên tới hàng nghìn tỷ đồng.

Cụ thể, tài sản lớn nhất mà Sacombank rao bán là Dự án Khu công nghiệp Phong Phú huyện Bình Chánh, TP.HCM với giá khởi điểm 7.600 tỷ đồng. Thời gian đấu giá vào ngày 27/9/2018. Đây là dự án khu công nghiệp có thời hạn sử dụng 50 năm với diện tích 134 ha nằm trên mặt đường Nguyễn Văn Linh, Bình Chánh và cách Quốc Lộ 1A chỉ 3,7km. Quyền tài sản của chủ đầu tư phát sinh từ việc đền bù 120 ha đất và còn 13,8 ha chưa thanh toán đền bù.

Ban đầu, dự án do CTCP KCN Phong Phú làm chủ đầu tư. Công ty này do CTCP Xây dựng Bình Chánh (BCCI) sở hữu 70% vốn nhưng chuyển nhượng sang CTCP Đầu tư Khu đô thị mới Sài Gòn (Saigonnic) – một công ty liên quan tới ông Trầm Bê. Dự án này trở thành tài sản thế chấp cho khoản vay tại Sacombank sau khi hoàn thành thương vụ sáp nhập với Ngân hàng TMCP Phương Nam (Southern Bank) vào năm 2015. Hiện dự án vẫn đang là bãi đất trống bỏ hoang.
Liên tục rao bán nhiều tài sản “khủng”, Sacombank đã xử lý nợ xấu đến đâu? - Ảnh 4
Khu đất giá trị thứ 2 được Sacombank rao bán đợt này nằm tại quận Bình Tân, TP.HCM bao gồm toàn bộ dự án khu nhà ở cao tầng và khu vui chơi thể dục thể thao tiểu khu 3 - khu dân cư Bình Trị Đông và 1 phần thửa đất số 122 tại phường Bình Trị Đông B. Tổng diện tích khu đất này lên tới hơn 530.000 m2, giá khởi điểm là 6.698 tỷ đồng.

Một khu đất giá trị khác tại thành phố Cần Thơ được rao bán với giá 4.565 tỷ đồng là dự án khu dân cư phường Bình Thủy, quận Bình Thủy. Dự án có tổng diện tích hơn 600.000 m2.

Ngoài ra một bất động sản lớn được Sacombank rao bán đợt này là dự án khu nhà ở phường Long Bình, quận 9, TP.HCM có diện tích 164.949,9 m2. Giá khởi điểm mà Sacombank đưa ra là 1.815 tỷ đồng.

Như vậy, chỉ tính riêng 4 lô đất Sacombank rao bán đợt này đã có giá trị trên 20.000 tỷ đồng.

Ánh Phượng

 


KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục