Quy tắc chi tiêu 50/20/30 giúp bạn chia nhỏ thu nhập hàng tháng, từ đó bạn có thể lên kế hoạch trước khi chi tiêu để tránh việc "vung tay quá trán".
Quy tắc ngân sách 50/20/30 sẽ chia nhỏ thu nhập hàng tháng của bạn vào 3 danh mục sau:
50% - Chi phí cố định
Chi phí cố định chính là tiền thuê nhà, tiền điện, tiền nước, hóa đơn điện thoại… những dịch vụ cơ bản và bắt buộc phải chi hàng tháng.
Một số khoản tiền sẽ dao động theo mùa theo tháng, như tiền điện, tiền nước có thể xê dịch đôi chút, vậy thì hãy lấy một con số cao nhất trong mùa để tính, dù sao thừa còn hơn thiếu.
Nhiệm vụ của bạn là phải cân đối làm sao để các khoản phí cố định này chỉ chiếm 50% lương, thu nhập. Còn nếu vượt qua con số này, bạn hãy tính toán lại một chút để cân bằng thu chi, một là tìm cách giảm tiền các hóa đơn bằng cách sử dụng tiết kiệm hơn, hai là bạn sẽ nên cắt giảm mua sắm những thứ chưa cần thiết.
20% - Mục tiêu tài chính
Hãy dành 20% lương để dành cho mục tiêu tài chính bao gồm tiết kiệm, trả nợ và quỹ dự phòng. Danh mục này chỉ nên được bổ sung khi danh mục chi phí thiết yếu đã được xét đến và trước khi bạn kịp nghĩ đến bất cứ điều gì thuộc danh mục chi tiêu cá nhân.
Nếu bạn đạt được mục tiêu 50% hoặc ít hơn thu nhập dành cho chi phí thiết yếu và 20% hoặc lớn hơn dành cho mục tiêu tài chính, bạn sẽ có thể trả nợ nhanh hơn hoặc nếu không bạn sẽ ít phải lo lắng hơn khi bước vào tuổi nghỉ hưu. "Nghỉ hưu" có thể là một khái niệm cần thiết ở tuổi 20, 30 nhưng hãy nhớ bạn càng bắt đầu tiết kiệm sớm bao nhiêu thì tuổi già của bạn càng thoải mái bấy nhiêu khi không phải nghĩ đến chuyện tích cóp hằng ngày.
Mục tiêu tài chính mà mỗi cá thể cần hướng tới khi cầm lương, thu nhập trong tay chính là để tiết kiệm (cho tương lai) và để đầu tư sinh lời. Và một số người còn có mục tiêu khác đó là để trả các khoản nợ. Thông thường nếu là các khoản vay đi học hàng tháng bạn có thể xếp chúng vào mục chi phí cố định nhưng nếu bạn muốn trả nhanh các khoản này có thể đặt chúng vào mục tiêu tài chính.
30% - Chi tiêu linh hoạt
Hãy suy nghĩ về mục cuối cùng như quỹ chi tiêu cá nhân của bạn. Tất cả mọi thứ từ thực phẩm, giải trí hay kỳ nghỉ, mua sắm đều ở đây.
Những chi phí phục vụ cuộc sống cá nhân bao gồm tiền điện thoại, thực phẩm giải trí, du lịch, mua sắm,…Cũng giống như danh mục chi phí thiết yếu, 30% là tỷ lệ tối đa bạn nên dành cho cuộc sống cá nhân. Chi phí thuộc danh mục này càng ít tương lại tài chính càng được đảm bảo khi bạn về hưu.
Khi đã có những khoản cho chi tiêu cố định và ưu tiên tài chính, bạn sẽ thoải mái sử dụng quỹ tiền này theo bất kỳ cách nào bạn muốn. Phân bổ số tiền hợp lý sẽ giúp bạn tránh khỏi nợ nần nếu chi quá nhiều cho quà cáp và du lịch.
Tuy nhiên cũng cần lưu ý rằng, quy tắc 50/20/30 này không thể áp dụng một cách hoàn hảo cho mọi người trong mọi trường hợp mà chúng chỉ là hướng dẫn để bạn có thể áp dụng một cách linh hoạt cho quỹ ngân sách của mình.
Quy tắc 50/20/30 là điểm khởi đầu tuyệt vời cho chúng ta khi cần một cấu trúc dễ nhớ để phân bổ chi tiêu một cách hợp lý. Quy tắc này mang đến cách thức phù hợp linh hoạt với tình hình tài chính “độc nhất vô nhị”.
Trâm Anh