Khách hàng nên tìm hiểu kỹ thông tin tránh mua phải nhà đất không đảm bảo pháp lý.
Câu trả lời từ chính quyền
Mặc dù Công ty Cổ phần Địa ốc Alibaba rao bán các dự án đất nền mang tên Long Phước từ gần 1 năm qua, đúng vào lúc cơn sốt đất nền tại thị trường Long Thành, thậm chí tuần nào công ty này cũng tổ chức vài lần đưa khách hàng xuống thăm quan và chốt đặt cọc mua ngay tại các dự án. Công ty Cổ phần Địa ốc Alibaba cũng đã tuyển dụng số lượng tư vấn viên bất động sản lên tới hơn 1.500 người rồi dùng đủ cách để giới thiệu, tìm kiếm khách hàng mua các đất nền các dự án mà công ty này nhận là chủ đầu tư tại huyện Long Thành…
Tuy nhiên, theo ông Trương Văn Phương thì tính tới thời điểm này, huyện Long Thành không giao bất kỳ dự án nào cho doanh nghiệp có tên Công ty Cổ phần Địa ốc Alibaba làm chủ đầu tư trên địa bàn huyện.
“Tôi nghĩ đây chỉ là đơn vị môi giới tự cho mình là chủ đầu tư và bán hàng. Trong năm 2016 và đầu năm 2017, huyện đã từng phát hiện một số trường hợp như thế khi công ty môi giới tự nhận mình là chủ đầu tư rồi tổ chức sự kiện bán đất trái phép” – ông Phương cho biết.
Cụ thể, theo quy định, từ ngày 20/4/2017, tỉnh Đồng Nai tạm dừng giải quyết hồ sơ xin phân lô tách thửa trên địa bàn tỉnh. Thế nhưng, vừa qua tỉnh có chỉ đạo “nới lỏng” việc tách thửa nhằm giải quyết nhu cầu cho người dân. Tuy nhiên, chỉ giải quyết cho những trường hợp đất đã chuyển đổi thành đất thổ cư và nằm trong khu dân cư hiện hữu.
Cũng theo lời ông Phương, đối với đất nông nghiệp muốn chuyển đổi qua đất thổ cư phải phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, đầu tư hạ tầng kỹ thuật hoàn chỉnh, được cơ quan chức năng nghiệm thu đủ điều kiện mới được chuyển đổi sang đất ở và tiến hành tách thửa, nhằm tránh trường hợp hình thành những khu dân cư tự phát nhếch nhác.
“Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp bất động sản lại làm ngược chủ trương trên, chỉ cần coi những khu đất đẹp, phối hợp với một số địa phương gom đất tại địa phương. Sau đó các cá nhân này ủy quyền lại cho doanh nghiệp bán. Các doanh nghiệp này vẽ ra đủ thứ tiện ích bắt mắt rồi tự nhận mình là chủ đầu tư, tổ chức các sự kiện và làm trò để bán hàng. Đến khi khách hàng vỡ kẽ ra thì đã ký kết hợp đồng với doanh nghiệp rồi”, ông Phương nói.
Để giải quyết vấn nạn trên, đại diện chính quyền huyện Long Thành cho rằng: “Chúng tôi đã nhiều lần phát hiện và ngăn chặn nhưng các công ty môi giới bất động sản lại lợi dụng những ngày nghỉ lén lút thực hiện. Họ thường “canh me” ngày thứ bảy, chủ nhật cơ quan hành chính nghỉ thì tranh thủ thuê xe đưa khách xuống dự án để chào bán. Chính quyền huyện Long Thành sẽ tiếp tục yêu cầu các địa phương trên toàn địa bàn huyện tăng cường công tác kiểm tra ngăn chặn kịp thời. Đồng thời, huyện đang tiến hành làm sạch các pano, băng rôn rao bán nhà đất trên đường; Yêu cầu các xã rà soát lại tất cả các khu vực đăng bảng quảng cáo phối hợp với bộ phận văn hóa thông tin xác minh cái nào không phép để xử lý; Chúng tôi cũng đề nghị người dân khi đến huyện long thành mua nhà đất nên tới cơ quan chính quyền địa phương để được cung cấp thông tin quy hoạch, thông tin dự án… tránh mua phải nhà đất không đảm bảo pháp lý”.
Cảnh giác với những chiêu lừa khách
Đánh giá về thực trạng việc phân lô bán nền tràn lan, bán dự án “ảo” mà điển hình là Công ty Cổ phần Địa ốc Alibaba đang triển khai tại Đồng Nai, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM nhận định: Có 6 thủ đoạn mà các công ty bất động sản làm ăn bất chính thường sử dụng.
Một là, đổi tên dự án, tức là dự án tên A nhưng các công ty môi giới bất động sản lại đổi thành dự án B.
Hai là, đổi tên chủ đầu tư. Các công ty môi giới sau khi nhận phân phối dự án đã thay sang tên của mình nhằm che giấu lý lịch nguồn gốc xấu trước đó của chủ đầu tư nhằm tránh khách hàng cảnh giác không mua, trong khi họ dễ dàng lừa bán hàng.
Ba là, tự tiện thay đổi quy hoạch bằng cách họ vẽ thêm nhiều tiện ích khiến khách hàng thấy hấp dẫn mà xuống tiền đặt mua.
Bốn là, nâng khống giá bán. Nhiều đơn vị môi giới nâng giá bán lên rất cao, thậm chí từ 40- 50% với giá thực tế của chủ đầu tư đưa ra để hưởng chênh lệch.
Năm là, sử dụng cài cắm khách hàng chim mồi. Những chim mồi này thường đi theo khách hàng và chủ động vẽ ra các tiện ích. Nhiều lúc, họ giả bộ chủ động ký hợp đồng trước để tạo niềm tin để khách hàng xuống tiền mua.
Sáu là, cài khách hàng bằng kỹ xảo soạn hợp đồng. Soạn thảo hợp đồng rất sơ sài, thiếu thông tin hoặc cài bẫy thông tin để khi bị lừa, khách hàng không thể kiện thắng họ.
Quay trở lại với câu chuyện Alibaba, trong khi các dự án từ Long Phước 1 tới Long Phước 13 tại Long Thành có vẻ “chững” lại thì Công ty Cổ phần Địa ốc Alibaba lại chuyển hướng lên Khu đô thị Tây Bắc Củ Chi, bằng việc “tung quân” phân phối dự án mang tên “Khu đô thị Alibaba Tây Bắc TP HCM” với quy mô 160ha, tại xã Tân Phú Trung, huyện củ Chi. Đây là một khu đô thị hiện đại, đa chức năng, thiết kế theo tiêu chuẩn biệt thự vườn. Diện tích khoảng 75m2 - 100m2/nền, có sân trước và sân sau làm vườn.
Website công ty sơ sài, nhiều chỗ sai chính tả
Theo như thông tin quảng cáo trên website: diaocalibaba.vn thì dự án này chính thức cho nhận cọc giữ chỗ từ ngày 7/11/2017. Và trang website này cũng không ngần ngại thông tin rằng: “Khu đô thị Alibaba Tây Bắc TP HCM là dự án do Công ty Cổ phần Địa ốc Aliba đang trong quá trình hoàn tất thủ tục xin làm chủ đầu tư và do Công ty Cổ phần Địa ốc Alibaba tiếp thị, phân phối, nhận đặt chỗ sản phẩm”.
Điều đáng nói là, với chủ trương siết chặt phân lô bán nền tại các huyện ngoại thành của TP HCM như hiện nay, liệu Alibaba có xin được thủ tục làm chủ đầu tư dự án hay không?
Và việc chưa được chính quyền huyện Củ Chi chấp thuận “Công ty Cổ phần Địa ốc Alibaba là chủ đầu tư dự án Khu đô thị Alibaba Tây Bắc TP HCM” nhưng trên một số website khác như: “khudothitaybac” lập ra đã nghiễm nhiên khẳng định “Dự án đất nền Alibaba Tây bắc Củ Chi do Công ty Cổ phần Địa ốc Alibaba làm chủ đầu tư với vốn điều lệ 1.600 tỷ đồng nên quý khách hàng hoàn toàn yên tâm về pháp lý”.
Điều này liệu có tái diễn câu chuyện “nhận vơ” giống như đã từng làm với các dự án đất nền tại Long Thành đang là vấn đề dư luận hết sức quan tâm. Tất cả sẽ được phơi bày khi chúng tôi nhận được được phản hồi chính thức từ lãnh đạo huyện Củ Chi.
Phượng Hồng/ DĐDN