Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên (Tisco – Mã: TIS) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2019 chưa kiểm toán.
Số liệu kết quả kinh doanh của Tisco (Nguồn: HK tổng hợp từ báo cáo tài chính)
Quý II Tisco đạt 2.676 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 15% so với cùng kỳ năm 2018. Giá vốn hàng bán giảm mạnh hơn doanh thu khiến biên lợi nhuận gộp của Tisco đạt 6% cao hơn so với mức 5% của quý II/2018.
Chi phí tài chính và chi phí quản lý doanh nghiệp tăng nhẹ nên kết thúc quý II lợi nhuận sau thuế của Tisco chỉ giảm nhẹ 2% còn 29 tỷ đồng.
6 tháng đầu năm Tisco đạt 5.486 tỷ đồng doanh thu thuần, 38 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế; giảm lần lượt 5% và 11% so với cùng kỳ năm 2018.
Năm 2019, Tisco lên kế hoạch lợi nhuận trước thuế 90 tỷ đồng. 6 tháng đầu năm Công ty đã thực hiện được 52% mục tiêu lợi nhuận cả năm.
Tại ngày 30/6/2019, tổng tài sản của Tisco đạt 10.210 tỷ đồng. Trong đó khoản hàng tồn kho và chi phí xây dựng cơ bản dở dang chiếm tới 70% tổng tài sản.
Nguồn: HK tổng hợp từ báo cáo tài chính
Đi sâu vào khoản xây dựng cơ bản dở dang thì chi phí xây dựng dở dang ở công trình cải tạo giai đoạn II dự án Gang thép Thái Nguyên đã lên tới gần 5.219 tỷ đồng kết thúc quý II.
Dự án giai đoạn II có tổng chi phí đầu tư theo dự toán ban đầu là gần 3.844 tỷ đồng và dự toán điều chỉnh đã được phê duyệt là 8.105 tỷ đồng.
Dù dự án đã được triển khai thực hiện từ năm 2007, tuy nhiên đến thời điểm hiện tại các hạng mục chính của dự án tại khu vực Lưu Xá vẫn chưa hoàn thành.
Kết thúc quý II, tổng nợ đi vay ngắn hạn và dài hạn của Tisco lên tới 5.268 tỷ đồng, gấp gần 2,8 lần vốn chủ sở hữu.
Trong báo cáo của Ban Kiểm soát tại đại hội cổ đông thường niên vừa qua, Ban Kiểm soát phải nhận định nợ phải trả quá nhiều so với nguồn vốn chủ sở hữu (1.840 tỷ đồng) cho thấy cơ cấu nguồn vốn của Tisco là không an toàn và Công ty cần phải có giải pháp kịp thời như tăng vốn chủ sở hữu và thu hồi nợ xấu.
Phía Hội đồng quản trị cho rằng cuối tháng 4/2017 Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) rút 1.000 tỷ đồng khỏi Tisco làm cho các chỉ tiêu tài chính xấu đi, các bên cho vay ngắn hạn phục vụ kinh doanh đánh giá khả năng tài chính của Tisco thấp.
Mặt khác dự án giai đoạn II chưa có hướng giải quyết nên ngân hàng đã giảm hạn mức cho vay và đồng loạt tăng lãi suất lên 8% làm cho Tisco khó khăn trong cân đối dòng tiền, chi phí tài chính cao.
Đến đầu năm 2019, tình hình tài chính của Tisco đã lâm vào tình trạng cực kỳ khó khăn, nguy cơ khủng hoảng tài chính dẫn đến phá sản là đang hiện hữu nếu không có sự giải cứu kịp thời của Chính phủ, các ngân hàng và các cấp.
Không chỉ tình hình tài chính cực kỳ khó khăn mà ngày 18/4 vừa qua Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự về tội "Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng" và tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí" xảy ra tại dự án Gang thép Thái Nguyên mở rộng giai đoạn II.
Theo đó 5 cá nhân gồm gồm 3 người của Tisco là bị can Trần Trọng Mừng, nguyên Tổng Giám đốc; bị can Trần Văn Khâm - Nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc, bị can Ngô Sỹ Hán - Nguyên Phó Tổng Giám đốc, Trưởng ban Quản lý Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 cùng với Bị can Mai Văn Tinh - Nguyên Chủ tịch Tổng Công ty Thép Việt Nam (VNSteel) và bị can Đậu Văn Hùng - Nguyên Tổng Giám đốc VNSteel.
Một trong những sai phạm đặc biệt nghiêm trọng được Thanh tra Chính phủ chỉ ra là tổng mức đầu tư của dự án được điều chỉnh tăng thêm hơn 4.200 tỉ đồng thiếu cơ sở căn cứ pháp lý.
Hoàng Kiều