Chứng khoán Asean (Aseansc): Phiên giảm điểm nhẹ kèm thanh khoản thấp ngày 27/11 không có nhiều ý nghĩa, khi thị trường vẫn đang trong xu hướng giằng co với biên độ rộng. Dòng tiền yếu khiến cho thị trường chưa thể bứt phá và định hình nên một xu hướng rõ ràng hơn.
Do đó, Aseansc khuyến nghị nhà đầu tư duy trì tâm lý thận trọng, nắm giữ tỉ trọng vừa phải, hạn chế mua đuổi, và tận dụng những nhịp rung lắc để cơ cấu lại danh mục. Vùng hỗ trợ gần của VN-Index được dự báo ở mức 1.070-1.080 điểm.
Chứng khoán KB Việt Nam (KBVS) Lực cầu bắt đáy từ chối nhập cuộc giá cao đã khiến cho chỉ số có một phiên điều chỉnh với thanh khoản thấp và trạng thái thị trường đang trở nên có phần tiêu cực hơn.
Trong kịch bản VN-Index đánh mất ngưỡng hỗ trợ gần quanh 1.075 điểm, rủi ro phá vỡ vùng đáy ngắn hạn cần được tính đến. Nhà đầu tư cũng được khuyến nghị bán hạ tỉ trọng các vị thế đã mở trong nhịp hồi phục sớm và chỉ mở mua trở lại quanh ngưỡng hỗ trợ sâu 1.000 điểm.
Chứng khoán Yuanta: Thị trường có thể sẽ tiếp tục điều chỉnh và chỉ số VN-Index sẽ thử thách lại ngưỡng 1.085 điểm. Đồng thời, thị trường vẫn đang trong giai đoạn tích lũy ngắn hạn cho nên đồ thị giá của chỉ số VN-Index có thể sẽ tiếp tục biến động quanh đường trung bình 20 phiên trong những phiên giao dịch tới.
Ngoài ra, chỉ báo tâm lý ngắn hạn tiếp tục giảm cho thấy các nhà đầu tư ngắn hạn đang chuyển sang bi quan với diễn biến thị trường hiện tại.
Xu hướng ngắn hạn của thị trường chung vẫn duy trì ở mức trung tính. Do đó, Yuanta khuyến nghị các nhà đầu tư ngắn hạn có thể cơ cấu giảm tỉ trọng cổ phiếu về mức cân bằng và chưa nên mua vào ở giai đoạn hiện tại.
Tin vắn chứng khoán
- Vốn đầu tư mạo hiểm tại Trung Quốc giảm mạnh. Nguồn vốn đầu tư mạo hiểm tại Trung Quốc trong 10 tháng đầu năm 2023 đã giảm gần 30% so với cùng kỳ năm ngoái do những bất ổn kinh tế tiếp tục đè nặng lên nhu cầu rót vốn của nhà đầu tư. Từ tháng 1 đến tháng 10 năm nay, Trung Quốc ghi nhận 34,6 tỷ USD đầu tư vào 2.675 thương vụ cấp vốn mạo hiểm.
- Thị phần của Trung Quốc trong nền kinh tế toàn cầu đang bị thu hẹp. Vào năm 2022, thị phần của Trung Quốc trong nền kinh tế thế giới đã giảm đi một chút và cho đến năm nay, tốc độ suy giảm đang lớn dần, xuống còn 17%.
Quá trình trỗi dậy như một siêu cường kinh tế của Trung Quốc đang bị đảo ngược và nhiều khả năng sẽ tạo ra bước ngoặt lịch sử mới cho nền kinh tế toàn cầu trong những thập niên tới. Thị phần của Trung Quốc trong nền kinh tế toàn cầu đã tăng gấp 10 lần, từ dưới mức 2% của năm 1990 lên 18,4% vào năm 2021. Đây là lần đầu tiên và duy nhất thế giới chứng kiến một mức tăng trưởng nhanh và liên tục đến vậy.