Lăng kính chứng khoán 23/11: Sẽ có áp lực chốt lời

Thị trường cần thời gian để hấp thụ nguồn cung, đồng thời kiểm tra lại dòng tiền hỗ trợ, nhà đầu tư nên quan sát tín hiệu để mua tích luỹ.

Lực bán vẫn luôn thường trực tại nhóm vốn hoá lớn, VN-Index dù hồi phục vẫn quay đầu giảm gần 9 điểm, chỉ số chưa lên được 1.000 điểm. Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index giảm 8,53 điểm, tương ứng 0,89% xuống 952,12 điểm. Toàn sàn có 251 mã tăng, 182 mã giảm và 81 mã đứng giá.

HNX-Index tăng 2,26 điểm, tương ứng 1,17% lên 194,66 điểm. Toàn sàn có 122 mã tăng, 54 mã giảm và 46 mã đứng giá. UPCoM-Index tăng 0,77 điểm, tương ứng 1,14% lên 68,41 điểm.

Tổng giá trị khớp lệnh đạt 18.292 tỷ đồng với 30% là lệnh khớp từ cổ phiếu của Novaland, tăng hơn 80% so với phiên trước, trong đó, giá trị khớp lệnh sàn HoSE đạt 16.672 tỷ đồng, tăng gần 90%. Nhóm VN30 được sang tay 8.503 tỷ đồng.

Giá trị giao dịch trung bình 10 ngày trở lại đây (Nguồn: FireAnt).

Giá trị giao dịch trung bình 10 ngày trở lại đây (Nguồn: FireAnt).

Chỉ số dự báo sẽ tiếp tục rung lắc

Chứng khoán TVSI: Theo góc nhìn kỹ thuật, phiên 22/11 được đánh giá là phiên khá tiêu cực khi chỉ số giảm điểm tại mốc kháng cự với thanh khoản lớn trong xu hướng hồi phục. Tuy nhiên, xét trên toàn bộ sàn HoSE, số cổ phiếu tăng điểm vẫn chiếm ưu thế và đà giảm chủ yếu do tác động từ các cổ phiếu vốn hóa lớn. 

Theo góc nhìn của TVSI, phiên hôm nay là áp lực chốt lời từ những mã cổ phiếu đã có nhịp hồi phục tốt trong thời gian qua như nhóm cổ phiếu thép hay nhóm ngành xây dựng. Kỳ vọng thị trường sẽ sớm xuất hiện nhóm ngành dẫn dắt mới hỗ trợ chỉ số tiếp tục phục hồi lên các mức giá trị cao hơn. Trong phiên giao dịch tiếp, chỉ số dự báo sẽ tiếp tục rung lắc và thị trường sẽ tiếp tục phân hóa như đã nhận định trước đó.

VN-Index có xác suất tăng điểm là 40%

Chứng khoán Smart Invest: VN-Index đóng cửa giao dịch tạo thành mẫu hình giao dịch “Shorting Star”. Khối lượng giao dịch tăng và nằm trên mức trung bình 20 ngày. Giá giảm khối lượng tăng là tín hiệu tiêu cực về mặt kỹ thuật.

Theo thống kê định lượng, với mẫu hình 22/11 thì phiên giao dịch tiếp theo, VN-Index có xác suất tăng điểm là 40% và 100% giá đóng cửa cao hơn giá mở cửa. Thống kê cho thấy chỉ số sẽ giảm điểm vào giao dịch ngày mai. Kháng cự là 982 điểm. Hỗ trợ 870 điểm.

Áp lực cung sẽ tiếp tục gây sức ép cho thị trường

Chứng khoán Rồng Việt (VDSC): Thị trường dao động mạnh với thanh khoản tăng cao và thất bại trong việc vượt khỏi vùng cản 975 điểm của VN-Index, cho thấy áp lực cung đang gia tăng trở lại và lấn át dòng tiền hỗ trợ. Diễn biến này một phần là do động thái “giải cứu” NVL chưa thành, gây tác động tâm lý không tốt cho nhà đầu tư. Dự kiến áp lực cung sẽ tiếp tục gây sức ép cho thị trường trong phiên giao dịch tiếp theo, dẫn đến khả năng lùi bước của thị trường với vùng hỗ trợ 930 điểm tại VN-Index. 

Hiện tại, thị trường đang cần thêm thời gian để hấp thụ nguồn cung, đồng thời kiểm tra lại dòng tiền hỗ trợ. Do vậy, nhà đầu tư nên tránh mua đuổi, đồng thời cần quan sát tín hiệu hỗ trợ của dòng tiền để cân nhắc khả năng mua tích lũy cổ phiếu có cơ bản tốt và có mức chiết khấu sâu khi thị trường điều chỉnh.

Nhà đầu tư nên tiếp tục quan sát kỹ động thái hỗ trợ

Chứng khoán PSI: Tại đồ thị giao dịch ngày là một cây nến giảm điểm cùng bóng nến trên dài cho thấy áp lực chốt lời từ giới đầu tư khi VN-Index tiếp cận lên mốc MA20 ngày. Việc lùi bước khi tiến lên kiểm nghiệm vùng 980 điểm cho thấy đây tiếp tục là vùng cản hiện tại của chỉ số.

Việc giảm điểm của thị trường trong phiên chủ yếu đến tự sự điều chỉnh của các cổ phiếu vốn hóa lớn trong rổ VN30. Phần lớn các cổ phiếu trong nhóm này giảm giá sau khi có những phiên hồi phục mạnh trước đó. Do đó, nhà đầu tư được khuyến nghị nên tiếp tục quan sát kỹ động thái hỗ trợ để đánh giá trạng thái của thị trường.

Phạm Hồng Nhung

Người đưa tin pháp luật
In bài viết
KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục