Tuần vừa qua, các chỉ số chứng khoán trong nước điều chỉnh với xu hướng bán áp đảo ở đa số các nhóm ngành, tiêu biểu là cổ phiếu ngành bất động sản.
Tâm lý thận trọng của nhà đầu tư sau khi tỉ giá USD vượt lên 24.000VND cùng với thông tin Novaland chậm trả hơn 1.000 tỷ đồng gốc và lãi trái phiếu đã kích hoạt lực bán mạnh ở các cổ phiếu bất động sản và lan sang toàn thị trường, kéo chỉ số có lúc giảm 30 điểm so với thời điểm đầu tuần.
Mặc dù phiên cuối tuần xuất hiện nhịp hồi phục nhẹ tuy nhiên xu hướng điều chỉnh vẫn là chủ đạo. Kết tuần chỉ số VN-Index vẫn ghi nhận điều chỉnh 14,1 điểm, tương đương mức giảm 1,1% so với cuối tuần trước. Áp lực bán tăng mạnh khiến giao dịch bình quân của 3 sàn đạt giá trị 30.306 tỷ đồng tăng 9,5% so với tuần trước đó.
Khối ngoại bán ròng mạnh 2.154 tỷ đồng, tăng 156% so với tuần trước đó trên HoSE trong khi đó mua ròng nhẹ trên HNX 12 tỷ đồng, giảm 89% so với tuần trước đó và 30 tỷ đồng trên UPCoM. Tổng cộng, khối ngoại bán ròng 2.113 tỷ đồng trên cả ba sàn.
Ông Nguyễn Trọng Minh, Trưởng phòng môi giới, CTCK Yuanta Việt Nam – Co-Founder BigStock, Quản lý tài sản và ông Nguyễn Phương Hiếu - Chuyên viên tư vấn khối KHCN, CTCK Rồng Việt đều đưa ra nhận định rằng có thể Fed vẫn sẽ còn một lần tăng lãi suất nữa trong tương lai.
Người Đưa Tin: Với diễn biến giằng co trong biên độ hẹp từ 1.205-1.215, liệu thị trường trong tuần tới có thể diễn biến tích cực hơn không, theo ông, khi Fed sẽ công bố lãi suất sau cuộc họp diễn ra?
Ông Nguyễn Trọng Minh: Ngay từ giai đoạn đầu năm 2023, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước đã có điều hành lãi suất ngược lại lại so với Fed. Tuần vừa qua, mặt bằng lãi suất huy động của các ngân hàng tiếp tục giảm mạnh, về mức thấp kỉ lục tương đương với giai đoan 2020-2021.
Vì vậy, kết quả cuộc họp của Fed, dù giữ nguyên hay tăng nhẹ lãi suất thì cũng không ảnh hưởng nhiều đến chính sách điều hành lãi suất ở Việt Nam. Mặt bằng lãi suất thấp sẽ tiếp tục là thông tin hỗ trợ và kích thích dòng tiền đi vào thị trường chứng khoán.
Về VN-Index, xu hướng ngắn hạn vẫn tiếp tục đi lên. Hầu hết các nhóm cổ phiếu lớn đều vẫn động phía trên MA20. Tuy điểm số VN-Index biến động giằng co nhưng nhiều nhóm cổ phiếu lại bật tăng mạnh. Tôi cho rằng trong ngắn hạn thị trường vẫn sẽ tiếp tục đi lên và sẽ có thêm nhiều cơ hội đầu tư.
Ông Nguyễn Phương Hiếu: Đa số các quan điểm cho rằng trong kỳ họp tháng 9 tới đây Fed sẽ giữ nguyên mức lãi suất cũ, tuy nhiên có thể sẽ vẫn còn một lần tăng lãi suất nữa trong tương lai.
Do đó, cá nhân tôi cho rằng kịch bản tích cực vào thời điểm hiện tại thì thị trường nên dao động biên độ hẹp với thanh khoản giảm dần để thị trường có thể hấp thụ lực cung trong giai đoạn 6 tháng vừa qua, nhất là khi các tín hiệu chốt lời trong khoảng 1-3 tuần gần đây xuất hiện với tần suất và biên độ mạnh hơn.
Việc thị trường trầm lại trong ngắn hạn sẽ giúp các nhà đầu tư có thể bình tĩnh hơn, tránh các tình trạng "đua lệnh" vào các cổ phiếu nóng, mang tính đầu cơ cao, đặc biệt là trong tình hình hiện nay, khi dư nợ margin của cả thị trường đang quanh mốc 150.000 tỷ đồng, một lượng dư nợ khá lớn và cũng tiềm ẩn rủi ro điều chỉnh.
Người Đưa Tin: Liệu trong thời gian tới, cổ phiếu nhóm bất động sản còn hấp dẫn để đầu tư, và nhà đầu tư có nên giữ cổ phiếu ngành này trong danh mục của mình?
Ông Nguyễn Trọng Minh: Tôi cho rằng sự tăng giá của nhóm cổ phiếu BĐS trong thời gian không thể hiện cho tình hình kinh doanh của các công ty tốt lên mà chủ yếu do các cổ phiếu này có mức giảm giá quá mạnh trong năm 2022 nên hấp dẫn dòng tiền đầu cơ.
Về mặt thông tin, những gì tồi tệ nhất với thị trường BĐS, doanh nghiệp bất động sản đều đã và đang diễn ra, vì vậy các thông tin mới gần như sẽ không tác động trực tiếp đến nhóm cổ phiếu này.
Ngoài ra, việc tỉ giá tăng là tất yếu khi NHNN duy trì mặt bằng lãi suất thấp; việc Novaland chậm thanh toán lãi trái phiếu cũng nằm trong dự đoán của các bên phân tích.
Về cơ hội đầu tư nhóm cổ phiếu BĐS, tôi cho rằng xu hướng ngắn hạn vẫn sẽ tiếp tục đi lên và dòng tiền đầu cơ vẫn sẽ tập trung ở nhóm cổ phiếu này. Tuy nhiên, nhóm cổ phiếu này chỉ phù hợp với các nhà đầu tư có kinh nghiệm đầu cơ, và đặc biệt phải có kỉ luật trong giao dịch; những nhà đầu tư ít kinh nghiệm chỉ nên phân bổ một phần nhỏ tài sản vào nhóm cổ phiếu này.
Ông Nguyễn Phương Hiếu: Sau khi hồi phục mạnh từ tháng 11/2022 đến hiện tại, việc nhóm BĐS điều chỉnh mạnh và gặp áp lực bán là hoàn toàn dễ hiểu. Quan điểm của tôi cho rằng các thông tin liên quan đến tỉ giá và liên quan đến từng doanh nghiệp BĐS cụ thể chỉ là lý do cho việc hợp thức hóa hành động "chốt lời" của các nhà đầu tư trên thị trường.
Quá trình này trong ngắn hạn có thể kìm hãm đà tăng của thị trường, thậm chí đưa VN-Index rơi vào tình trạng điều chỉnh. Tuy nhiên việc điều chỉnh cũng sẽ không rơi vào tình trạng "rơi tự do" giống thời điểm tháng 10/2022, khi các yếu tố quan trọng nhất là chính sách và dòng tiền vẫn đang ủng hộ cho toàn bộ thị trường chứng khoán Việt Nam.
Do đó, trong ngắn hạn nhóm BĐS đang gặp áp lực chốt lời, tuy nhiên áp lực bán này sẽ là cơ hội để giải ngân với những vị thế tốt hơn đối với các cổ phiếu BĐS, đặc biệt là các doanh nghiệp có những dự án pháp lý rõ ràng, tiến độ thực hiện ổn định theo kế hoạch, tình hình tài chính ổn định.