Kinh doanh thua lỗ, không đủ điều kiện giao dịch ký quỹ
Công ty Cổ phần Searefico (HoSE: SRF) là một trong những doanh nghiệp tiên phong trong lĩnh vực M&E tại Việt Nam, chuyên thiết kế – thi công, cung cấp thiết bị trọn gói trong lĩnh vực Cơ điện công trình và Lạnh công nghiệp.
SRF được thành lập năm 1999 với mã số thuế 0301825452. Trụ sở công ty đặt tại lầu 14 Centec Tower, 72-74 Nguyễn Thị Minh Khai, phường Võ Thị Sáu, quận 3, TP.HCM. Ông Lê Tấn Phước là Chủ tịch HĐQT.
Được biết, ngày 21/3/2023, HoSE đã đưa ra thông báo bổ sung danh sách 2 mã chứng khoán không đủ điều kiện giao dịch ký quỹ, trong đó có SRF, với lý do lợi nhuận sau thuế của công ty trên báo cáo tài chính Hợp nhất kiểm toán năm 2022 là con số âm.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất năm 2022, doanh thu thuần bán hàng và cung cấp dịch vụ của SRF đạt 1.185 tỷ đồng, tăng 27% so với cùng kỳ năm 2021. Tuy nhiên do giá vốn tăng cao, lên tới 1.204 tỷ đồng nên công ty lỗ gộp 18,7 tỷ đồng. Đáng chú ý, chi phí quản lý doanh nghiệp cũng tăng đột biến lên 160,4 tỷ đồng, trong đó các khoản trích lập dự phòng phải thu khó đòi là 77,3 tỷ đồng.
Từ những áp lực chi phí trên, tính đến ngày 31/12/2022, SRF lỗ sau thuế 141,3 tỷ đồng. Đây là lần đầu tiên công ty kinh doanh thua lỗ sau gần 3 thập kỷ hoạt động.
Trong 3 năm trước đó, kết quả kinh doanh của SRF đi xuống theo từng năm nhưng vẫn có lãi. Theo đó, doanh thu thuần của doanh nghiệp trong năm 2019 đạt 1.706 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế ở mức 72,4 tỷ đồng, tương ứng 4,24%.
Bước sang năm 2020, doanh thu thuần đạt 1.486 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế giảm tới 59,2% so với cùng kỳ năm trước, tương ứng 42,9 tỷ đồng. Năm 2021, doanh thu thuần giảm xuống 930,4 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế còn 34,3 tỷ đồng.
Vay vốn nhiều, “thất hẹn” với cổ đông
Đi cùng kết quả kinh doanh không mấy khả quan, tổng nợ phải trả của SRF cũng ở mức cao. Tính đến ngày 31/12/2022, nợ phải trả của công ty lên tới 1.301 tỷ đồng, gấp 3 lần vốn chủ sở hữu là 428,9 tỷ đồng.
Trong đó, nợ ngắn hạn là 1.221 tỷ đồng, chiếm tới 93,8% tổng nợ. Phần lớn trong khoản nợ này đến từ việc vay ngân hàng lên tới 503,4 tỷ đồng. Tài sản thế chấp bao gồm quyền đòi nợ phát sinh từ các hợp đồng, tiền gửi có kỳ hạn, tín chấp và tiền ký quỹ.
Đơn cử, tại ngân hàng Vietinbank, SRF đã sử dụng tài sản thế chấp là quyền đòi nợ phát sinh từ các hợp đồng và toàn bộ hàng hóa, thành phẩm, nguyên vật liệu sản xuất tấm PIR để vay 130,6 tỷ đồng. Ngoài ra, có 4 lần công ty sử dụng tín chấp để vay vốn tại ngân hàng MSB tổng số 73,8 tỷ đồng…
Thời điểm những năm 2019, 2020, 2021, hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu (D/E) của SRF chạm mức lần lượt 2,78; 2,64 và 2,23. Đây là chỉ số cho thấy năng lực quản lý nợ và quy mô tài chính đang có của một doanh nghiệp. Thông thường, nếu hệ số này lớn hơn 1 cho thấy doanh nghiệp đang vay nợ nhiều hơn số vốn hiện có, tiềm ẩn nhiều rủi ro, khó khăn trong kinh doanh.
Bên cạnh đó, SRF còn “thất hẹn” với cổ đông khi không trả cổ tức trong năm 2022. Nguyên nhân, theo tờ trình phân phối lợi nhuận năm 2022, do công ty phải tập trung xử lý tồn đọng của các năm trước, tiến hành đánh giá lại các khoản thu và thực hiện trích lập dự phòng công nợ phải thu khó đòi. Cùng với đó, thị trường bất động sản gặp nhiều khó khăn, bất ổn,ảnh hưởng đến việc tiếp tục triển khai dự án và thanh toán cho nhà thầu. Theo đó, công ty lỗ sau thuế 141,33 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế riêng chưa phân phối chỉ còn 43,29 tỷ đồng.