Lạm phát 6 tháng đầu năm 2016 còn thấp và cách khá xa mục tiêu kiểm soát,
Tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm đạt 5,52%. Tốc độ tăng trưởng năm nay tuy cao hơn tốc độ tăng chung của cùng kỳ các năm từ 2012 – 2014 (lần lượt là 4,93%; 4,9%; 5,22%) nhưng có dấu hiệu chững lại so với tốc độ tăng 6,28% trong 6 tháng đầu năm 2015. Tốc độ tăng trưởng 6 tháng đầu năm thấp, đặt ra thách thức lớn trong việc đạt mục tiêu tăng trưởng cả năm 2016 là 6,7%.
Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cả nước tháng 6/2016 tăng 0,46% so với tháng trước, tăng 2,35% so với tháng 12/2015 và tăng 2,4% so với cùng kỳ năm trước. CPI bình quân 6 tháng đầu năm 2016 tăng 1,72% so với cùng kỳ năm 2015.
Lạm phát cơ bản theo thước đo CPI (sau khi loại trừ lương thực - thực phẩm tươi sống; năng lượng và mặt hàng do Nhà nước quản lý bao gồm dịch vụ y tế và dịch vụ giáo dục) tháng 6/2016 tăng 0,13% so với tháng trước, tăng 1,88% so với cùng kỳ năm trước; bình quân 6 tháng đầu năm 2016 so cùng kỳ năm 2015 tăng 1,8%.
Như vậy, bình quân 6 tháng đầu năm 2016 so với cùng kỳ năm trước, tốc độ tăng lạm phát cơ bản (+1,8%) tương đối sát so với tốc độ tăng của lạm phát chung (+1,72%), qua đó cho thấy, chính sách tiền tệ vẫn đang được điều hành ổn định, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô. CPI bình quân 6 tháng đầu năm 2016 tuy có mức tăng cao hơn so với bình quân 6 tháng đầu năm 2015 (+0,86%) nhưng vẫn thấp hơn cùng kỳ các năm trước (năm 2014 tăng 4,77%, năm 2013 tăng 6,73%, năm 2012 tăng 12,2%).
Mức tăng CPI trong 6 tháng đầu năm 2016 chủ yếu do tác động của việc điều chỉnh giá dịch vụ công (y tế, giáo dục) theo lộ trình thị trường, biến động tăng của giá nguyên nhiên, vật liệu, lương thực, thực phẩm và việc điều chỉnh tăng tiền lương tối thiểu vùng và lương cơ sở.
Theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, CPI 6 tháng đầu năm 2016 đã tăng liên tục trong 5 tháng là hiện tượng hiếm thấy trong 20 năm qua. Dự báo tốc độ lạm phát chung cho cả năm 2016 sẽ ở mức khoảng 4,2%. Tuy nhiên, không loại trừ việc lạm phát sẽ vượt qua mức mục tiêu 5% của Chính phủ bởi mặt bằng giá có thể sẽ có những diễn biến phức tạp.
Cụ thể, theo PGS. TS Ngô Trí Long, những yếu tố ngoại sinh ảnh hưởng trực tiếp gồm: thị trường thế giới và biến đổi khí hậu gây xáo trộn trên thị trường lương thực, việc Anh rời khỏi EU… Bên cạnh đó, những yếu tố nội sinh như khả năng kiểm soát cung tiền của Ngân hàng nhà nước (NHNN) và biến động của tổng cầu.
Theo ông Long, dù mức lạm phát 6 tháng đầu năm còn thấp và cách khá xa mục tiêu kiểm soát, song đây vẫn là một biến số khó lường và đòi hỏi cẩn trọng trong điều hành. Bởi lẽ, từ nay đến cuối năm 2016 có nhiều yếu tố dự báo sẽ gây áp lực lên CPI, đặc biệt khi các mặt hàng y tế và giáo dục được đồng loạt điều chỉnh, thiên tai, thời tiết mất mùa; tăng lương cơ bản; độ trễ của tăng cung tiền; áp lực tỷ giá… Giá cả nhập khẩu tính bằng USD tăng so với các tháng trước cũng là một yếu tố gây ảnh hưởng không nhỏ. Ngoài ra, cũng phải kể đến lãi suất vay ngân hàng còn cao, tiền thuê địa điểm sản xuất kinh doanh khá lớn, các phí "bôi trơn" khá phổ biến…
"Những yếu tố này đã làm giảm, thậm chí triệt tiêu lợi nhuận của doanh nghiệp (DN). DN muốn sống được phải tìm cách nâng giá bán bằng cách nâng đơn giá, giảm lượng, cân đo thiếu… Trong khi yếu tố sâu xa, tiềm ẩn của lạm phát là hiệu quả đầu tư và tốc độ tăng năng suất lao động lại thấp hơn năm trước. Tốc độ tăng trưởng kinh tế sẽ chậm lại và không đạt được mục tiêu" - ông Long khẳng định.
Với mức tăng này, theo các chuyên gia kinh tế thì chưa có gì quá đáng lo ngại và một phần rất lớn trong dự báo lạm phát tăng lên này là do điều chỉnh giá dịch vụ.
Khánh Ngân - (Theo Lao động, Tổng cục Thống kê)