CNN cho biết, lạm phát phi mã buộc người dân Venezuela phải chi nhiều tiền hơn cho các mặt hàng cơ bản như thực phẩm và thuốc men, hai thứ vốn đang thiếu cung cho nhiều người, tạo ra một cuộc khủng hoảng nhân đạo.
Lạm phát được dự báo lên tới 2.200% năm nay đang khiến đồng bolivar của Venezuela mất giá trầm trọng.
Siêu lạm phát khiến người Venezuela phải cân tiền.
Hôm 28/7, 1 USD đổi được 10.389 bolivar. Đầu tuần này, 1 USD ngang giá 8.820 bolivar. Đây là giá trị tiền tệ xét theo tỷ giá không chính thức trên trang dolartoday.com vốn được hàng triệu người Venezuela sử dụng.
Tệ hơn nữa là các ngân hàng tư nhân chỉ cho phép người dân rút 30.000 bolivar (2,88 USD) một lần tại các ATM. Hạn mức này tại các ngân hàng quốc doanh là 10.000 bolivar (0,96 USD).
Bolivar giảm giá trị đến mức đáng ngạc nhiên trong 5 năm qua. Năm 2013, 20 USD đổi được 629 bolivar song đến năm 2014, 20 USD đổi được hơn gấp đôi con số trên là 1.521 bolivar. Năm 2015, 20 USD ngang giá 13.648 bolivar và năm 2016, 20 USD tương đương 20.216 bolivar. Ở thời điểm ngày 27/7, 20 USD đổi được đến 195.755 bolivar.
Nội tệ mất giá đến mức người Venezuela phải cân tiền khi đi mua sắm, không thể để vừa tiền vào ví vì quá nhiều hay thậm chí lấy tiền lót bánh thay giấy ăn.
Venezuela từng là quốc gia giàu nhất Mỹ Latin và hiện vẫn sở hữu trữ lượng dầu mỏ lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, khi tình hình ngày một tệ đi, Helima Croft – Giám đốc Chiến lược Hàng hóa tại RBC Capital Markets cho rằng họ có thể trở thành quốc gia dầu mỏ đầu tiên trên thế giới "thất bại hoàn toàn".
Trâm Anh