Lãi suất tiết kiệm tại các ngân hàng đua nhau lao dốc

Hàng loạt ngân hàng đồng loạt điều chỉnh lãi suất tiết kiệm tại các kỳ hạn 1 tháng đến dưới 6 tháng, thậm chí giảm sốc về chỉ còn 3,7%/năm.

Nhóm 4 ngân hàng có vốn nhà nước là Vietcombank, VietinBank, BIDV, Agribank vừa tiếp tục điều chỉnh lãi suất huy động ở các kỳ dài hạn sau khi đã giảm lãi suất kỳ hạn 3 tháng đến mức trần quy định của Ngân hàng Nhà nước vào hôm qua (ngày 25/5).

Đối với hình thức gửi tại quầy giao dịch, Vietcombank trả lãi suất cao nhất trong nhóm Big4 khi vẫn giữ nguyên là 7,2%/năm ở kỳ hạn 12 tháng. Trong khi đó, BIDV, Agribank và VietinBank đều đã giảm xuống chỉ còn 6,8%/năm.

Trong nhóm này, Agribank đang có lãi suất thấp nhất. Ngân hàng đã điều chỉnh lãi suất gửi kỳ hạn 12 tháng xuống 6,8%/năm, và còn tiếp tục giảm kỳ hạn từ 13 tháng xuống còn 6,6%/năm. BIDV và VietinBank áp dụng mức 6,8%/năm cho tất cả các kỳ hạn từ 12 tháng trở lên.

Lãi suất tiết kiệm tại các ngân hàng đua nhau "lao dốc".
Lãi suất tiết kiệm tại các ngân hàng đua nhau "lao dốc".

Biểu lãi suất tại các ngân hàng khác hầu hết cũng đều giảm lãi suất theo quy định lãi suất tiền gửi kỳ hạn 1 đến dưới 6 tháng tối đa 5%/năm.

Đơn cử như Ngân hàng An Bình (ABBank) vừa giảm mạnh lãi suất, lên tới 0,8% sau nhiều ngày giữ nguyên mức lãi suất huy động ở mức cao nhất hệ thống, tới 9,2%/năm.

Theo biểu lãi suất tiết kiệm trên kênh online và ứng dụng của ABBank, từ ngày 25/5, lãi suất huy động kỳ hạn 6-10 tháng giảm lần lượt 0,3% và 0,5%, còn 8,2%; lãi suất các kỳ hạn 12-13 tháng giảm 0,5% xuống còn 8,3%/năm. Lãi suất các kỳ hạn từ 15 tháng trở lên vốn được ABBank niêm yết ở mức 9,2%/năm trong nhiều ngày đã giảm mạnh xuống còn 8,4%/năm đối với kỳ hạn 15 tháng (giảm 0,8%) và 8,5%/năm đối với các kỳ hạn từ 18 tháng trở lên (giảm 0,7%). Đối với tiết kiệm tại quầy, mức lãi suất huy động của ABBank cũng giảm xuống 8,3%/năm đối với các kỳ hạn sau 12 tháng, kỳ hạn 6 tháng chỉ còn 7,8%/năm.

Ngân hàng Việt Nam Thương Tín (VietBank) cũng vừa tiến hành giảm lãi suất lần thứ 4 liên tiếp kể từ đầu tháng 5 vào sáng nay (26/5). Theo biểu lãi suất tiết kiệm online mới nhất của ngân hàng này, lãi suất huy động kỳ hạn 6-7 tháng còn 7,8%/năm, giảm 0,2%; lãi suất huy động các kỳ hạn 8-11 tháng cũng được giảm 0,4% còn 7,7%/năm; lãi suất kỳ hạn 12 tháng giảm 0,3% còn 7,8%/năm; lãi suất kỳ hạn 13-15 tháng giảm 0,1% còn 7,9%/năm; lãi suất kỳ hạn từ 18 tháng trở lên đồng loạt giảm 0,3% còn 7,8%/năm.

Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) cũng không nằm ngoài cuộc đua giảm lãi suất huy động với mức giảm 0,1-0,4% lãi suất ở một số kỳ hạn. Theo đó, lãi suất huy động online kỳ hạn 6 tháng giảm 0,4% còn 6,8%/năm; kỳ hạn 7 tháng giảm 0,3% còn 6,9%/năm; kỳ hạn 8 tháng giảm 0,2% còn 7%/năm; kỳ hạn 9 tháng giảm 0,1% còn 7,1%/năm; kỳ hạn 12 tháng giảm 0,2% còn 7,4%/năm. Đây là lần thứ 3 kể từ đầu tháng Sacombank giảm lãi suất huy động.

Trong khi đó, Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank), Ngân hàng TMCP Phát triển TP. Hồ Chí Minh (HDBank), Ngân hàng TMCP Quốc dân (NCB)... cũng đồng loạt giảm lãi suất huy động kỳ hạn 3 tháng còn 5%/năm.

Với kỳ hạn 6 tháng, Techcombank điều chỉnh giảm lãi suất từ 7,3%/năm xuống còn 7%/năm; HDBank giảm từ 6,8%/năm xuống 6,6%/năm; BaoVietBank giảm từ 7,8% xuống còn 7,5%/năm...

BaoVietBank còn giảm lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng từ 8,4%/năm xuống 8,1%/năm; kỳ hạn 24 tháng từ 8,1%/năm xuống còn 7,7%/năm.

Ở kỳ hạn 24 tháng, Kiên Long Bank giảm từ 7,5% xuống 7,4%/năm; Techcombank giảm từ 7,3% xuống 7%/năm; TPbank giảm từ 6,2% xuống 6,1%/năm…

Hiện mức lãi suất cao nhất trên thị trường thuộc về những ngân hàng có quy mô nhỏ như ABBank, VietABank, GPBank, VietABank, với lãi suất niêm yết từ 8,5 - 8,6%/năm.

Tại Eximbank, lãi suất tiết kiệm cho các khoản tiền gửi 1 tháng giảm sâu về 3,7%/năm và 3,8%/năm với kỳ hạn 2 tháng, tương ứng cách trần quy định 1,2 – 1,3%/năm.

Theo nhận định của Ngân hàng Nhà nước, việc tiếp tục điều chỉnh giảm các mức lãi suất điều hành là giải pháp linh hoạt, phù hợp với điều kiện thị trường hiện nay để hỗ trợ quá trình phục hồi tăng trưởng kinh tế theo chủ trương của Quốc hội và Chính phủ, qua đó tiếp tục định hướng giảm mặt bằng lãi suất cho vay của thị trường, góp phần tháo gỡ khó khăn cho người vay vốn ngân hàng.

Đồng thời, việc điều chỉnh giảm trần lãi suất tiền gửi bằng VND các kỳ hạn từ 1 đến dưới 6 tháng cũng hỗ trợ các tổ chức tín dụng giảm chi phí đầu vào, từ đó có điều kiện thuận lợi giảm lãi suất cho vay, tăng khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp và người dân, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Cơ quan quản lý tiền tệ cho biết, sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến trong nước, quốc tế, dự báo lạm phát và lãi suất thị trường để điều hành lãi suất phù hợp; tiếp tục có giải pháp khuyến khích các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí để giảm mặt bằng lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh.

An Tú

TCDN
In bài viết
KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục