Lãi suất ngân hàng đang giảm ra sao?

Từ tuần trước tới nay, nhiều ngân hàng bắt đầu cập nhật lại biểu lãi suất huy động mới giảm nhẹ so với kỳ trước, kéo theo lãi suất vay cũng hạ nhiệt theo.

 

Lãi suất ngân hàng đang giảm ra sao? - Ảnh 1

Sau Hội nghị trực tuyến về tín dụng bất động sản được tổ chức sáng ngày 08/02/2023, thị trường đều kỳ vọng vào đợt hạ lãi suất huy động cũng như lãi suất cho vay từ phía các ngân hàng trong thời gian sớm nhất, nhằm gỡ khó cho các doanh nghiệp, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh.

Lãi suất huy động đang giảm ra sao?

Theo đó, những ngày gần đây, lãi suất huy động tại các ngân hàng tiếp tục ghi nhận xu hướng giảm từ 0,3-0,5%/năm.

Đơn cử ngày 18/2 vừa qua, Techcombank thông báo cập nhật biểu lãi suất mới với mức giảm 0,3 – 0,5%/năm. Theo đó, lãi suất huy động cao nhất áp dụng cho khách hàng thường từ kỳ hạn 6 tháng đến 36 tháng giảm 0,5%/năm xuống còn 8,2%/năm, thay vì trên 9%/năm như trước đó. Còn tại kỳ hạn ngắn vẫn ở mức 5,9%/năm.

Đối với sản phẩm tiết kiệm thường, trước đây tại các kỳ hạn 6-36 tháng đều áp dụng mức lãi suất là 8,9%/năm với khách hàng Private/VIP 1, nhưng hiện tại ngân hàng đã giảm xuống còn 8,4%/năm.

Đối với các khoản tiền gửi Tiết kiệm thường trả lãi cuối kỳ, kỳ hạn 12 tháng, mức tiền gửi từ 999 tỷ trở lên và khách hàng cam kết không được tất toán trước hạn áp dụng mức lãi suất 9,5%/năm. Với sản phẩm Tiết kiệm Phát Lộc tại quầy, Techcombank đang niêm yết lãi suất dành cho khách hàng thường tại các kỳ hạn dài ở mức 8,4%/năm. Còn tại phân khúc khách hàng Private/Vip 1, khi khách hàng gửi từ 3 tỷ đồng trở lên, mức lãi suất sẽ được áp dụng là 8,7%/năm tại kỳ hạn 12-36 tháng, giảm 0,5%/năm so với trước đó

Như vậy, mức lãi suất tiết kiệm tại Techcombank hiện vẫn neo ở mức khá cao.

Nguồn: Techcombank
Nguồn: Techcombank

Tại Sacombank cũng vừa công bố biểu lãi suất huy động mới với mức giảm 0,3 đến 0,5%/năm ở nhiều kỳ hạn được áp dụng từ ngày 14/2.

Cụ thể, trước đây lãi suất tiết kiệm tại Sacombank từ kỳ hạn 15 đến 36 tháng đều ở mức 9% nhưng hiện tại đã giảm xuống mức 8,5% đến 8,65%/năm. Đối với kỳ hạn 6 đến 12 tháng cũng giảm xuống mức 8% đến 8,4%/năm.

Nguồn: Sacombank.
Nguồn: Sacombank.

Ngân hàng quy mô nhỏ hơn như NCB cũng giảm mạnh lãi suất huy động.

Cụ thể, so với thời điểm trước tết, kỳ hạn 60 tháng giảm xuống còn 9,1%, tương đương giảm 0,8%; kỳ hạn 36 tháng xuống còn 9,2%/năm, tương đương giảm 0,7%; còn từ kỳ hạn 12 đến 30 tháng giảm từ 9,9%/năm xuống còn 9,45%/năm; kỳ hạn 6 tháng cũng giảm từ 9,5%/năm xuống 9,3%/năm; các kỳ hạn dưới 6 tháng, lãi suất tiết kiệm được giữ nguyên tối đa 6%/năm.

Tương tự, BaoViet Bank áp dụng biểu lãi suất mới từ 17/02/2023, giảm mạnh từ 0,03% -1,66% so với kỳ điều chỉnh trước. Lãi suất tiền gửi kỳ hạn 1 tháng giảm 0.03%, chỉ còn 562%/năm, kỳ hạn 6 tháng giảm 0,37% còn 8,43%/năm, kỳ hạn 12 tháng giảm đến 0,81% chỉ còn 8,59%/năm. Lãi suất tiền gửi kỳ hạn 24 tháng và 36 tháng giảm mạnh hơn 1% chỉ còn lần lượt 7,48%/năm và 6,64%/năm.

Ngoài ra, một số ngân hàng khác cũng đã thông báo điều chỉnh lãi suất huy động như VietABank, MSB,… với mức giảm 0,3-0,8%/năm.

Ngoài ra, các nhà băng quốc doanh cũng có sự điều chỉnh lãi suất. Lãi suất tiết kiệm trực tuyến (online) của Vietcombank và Agribank đã giảm về bằng mức niêm yết tại quầy, thay vì cao hơn như trước đó.

Lãi suất huy động kỳ hạn 6 tháng,12 tháng của Agribank lần lượt là 6,1%/năm và 7,4%/năm. Vietcombank mới điều chỉnh lãi suất huy động online ở kỳ hạn 12 tháng, hiện là 7,4%/năm.

Có thể thấy, lãi suất huy động tại các ngân hàng có giảm so với giai đoạn trước nhưng mức giảm chưa sâu, chủ yếu dao động từ 0,2% đến 0,8%/năm.

Nhiều ngân hàng đã rục rịch giảm lãi suất. (Nguồn ảnh: Internet).
Nhiều ngân hàng đã rục rịch giảm lãi suất. (Nguồn ảnh: Internet).

Lãi suất cho vay đang giảm

Tuần qua, một số ngân hàng cũng đã thông báo sẽ giảm lãi suất cho vay và tung ra nhiều gói tín dụng ưu đãi hỗ trợ. Loạt ngân hàng như Agribank, Techcombank, VietinBank, Vietcombank, Sacombank, SeABank,…đã công bố các chương trình giảm lãi suất, các gói tín dụng ưu đãi với mức lãi suất thấp hơn khoảng 1-3%/năm.

Đặc biệt, ngày 16/2, Agribank còn thông báo điều chỉnh giảm lãi suất tối đa 3%/năm so với lãi suất cho vay đang áp dụng đối với khách hàng có dư nợ vay kinh doanh bất động sản. Thời gian thực hiện điều chỉnh lãi suất tối đa đến 31/12/2023 và thời gian áp dụng lãi suất điều chỉnh kéo dài từ 31/1/2023 đến hết ngày 31/12/2024.

VietinBank cũng đã thông báo tung ra gói 10.000 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi từ 7%/năm nhằm hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) mới phát triển hoạt động kinh doanh trong 6 tháng đầu năm 2023

Trước đó, từ ngày 10/2/2022, ngân hàng MB đã áp dụng giảm 1% lãi suất vay dành cho khách hàng doanh nghiệp có doanh thu dưới 100 tỷ đồng qua nền tảng Biz MBBank.

Khách hàng có thể thực hiện đăng ký vay vốn bằng tính năng giải ngân online ngay trên nền tảng Biz MBBank để được hưởng lãi suất ưu đãi giảm đến 1%/ năm. Khách hàng doanh nghiệp cần hoàn thành ký kết hợp đồng tín dụng và các thủ tục thế chấp tài sản đảm bảo với ngân hàng MB.

Ngân hàng Bản Việt (Viet Capital Bank) cũng đưa ra chương trình “Vay vốn ưu đãi, kinh doanh siêu lãi” với khách hàng cá nhân và doanh nghiệp với lãi suất cực ưu đãi chỉ từ 10.5%/năm. Gói vay với hạn mức 1,000 tỷ đồng, dành cho khách hàng vay vốn từ ngày 01/02/2023 đến 30/04/2023 (hoặc đến khi chương trình hết hạn mức).

Động thái giảm lãi suất cho vay của các ngân hàng diễn ra sau khi lãi suất huy động tại nhiều ngân hàng hạ nhiệt trong thời gian gần đây.

Trên thực tế, lãi suất thực của Việt Nam hiện vẫn cao hơn nhiều quốc gia trên thế giới. Vì vậy, giới phân tích kinh tế - tài chính cho rằng, Ngân hàng Nhà nước cần cân nhắc sớm hạ lãi suất để hỗ trợ cho nền kinh tế và các doanh nghiệp. Khi hạ được lãi suất, triển vọng nền kinh tế sẽ tích cực hơn, không chỉ với ngành bất động sản và với các ngành khác.

Với điều kiện tỷ giá như hiện nay, theo nhiều chuyên gia kinh tế - tài chính, lãi suất huy động của Việt Nam ở mức 6-8% là phù hợp.

Tuy nhiên, thông tin với báo chí, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, việc giảm lãi suất cho vay trong thời gian tới vẫn gặp nhiều khó khăn do các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới tiếp tục tiến trình thắt chặt chính sách tiền tệ; lạm phát trong và ngoài nước có xu hướng gia tăng; tín dụng tăng nhanh hơn huy động vốn tạo áp lực cho các tổ chức tín dụng phải tăng lãi suất để ổn định và thu hút thêm nguồn vốn.

Thực tế, dù lãi suất cho vay đang có xu hướng giảm, nhưng đây có phải xu hướng dài hạn đủ sức hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp hay không còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố.

 

Hoàng Long (t/h)

Sở hữu trí tuệ
In bài viết
KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục