Lãi suất huy động liên tục giảm, lãi suất cho vay vẫn... đứng yên

Mặc dù lãi suất huy động liên tục được các ngân hàng điều chỉnh giảm, nhưng lãi suất cho vay của các ngân hàng dường như chưa có sự thay đổi gì, vẫn giữ nguyên theo mức cho vay của từng ngân hàng.

Khoảng cách lớn về lãi suất

Liên tục trong những ngày qua các ngân hàng đã hạ lãi suất huy động thêm từ 0,2-0,4%/năm, tuy nhiên lãi suất cho vay lại chưa được các ngân hàng giảm theo kì vọng của các doanh nghiệp. Theo tìm hiểu, hiện nay hầu hết các ngân hàng đều có mức lãi suất huy động ở các kì hạn ngắn là 4%.

Tại Ngân hàng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn (Agribank) mức điều chỉnh giảm nhẹ 0,1-0,2%/năm tùy kỳ hạn gửi. Cụ thể, lãi suất huy động kỳ hạn 1 tháng được Agribank giảm từ 4,3%/năm xuống còn 4%/năm. Kỳ hạn gửi 12-18 tháng tại ngân hàng này được điều chỉnh giảm 0,1%/năm, xuống còn 6,2%/năm. Kỳ hạn trên 18 tháng giảm thêm 0,2%/năm, xuống còn 6,3%/năm.

Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) điều chỉnh lãi suất thấp nhất dành cho kỳ hạn 1 tháng là 4%/năm và lãi suất cao nhất 6,2%/năm dành cho kỳ hạn gửi trên 24 tháng.

Không chỉ các ngân hàng thương mại Nhà nước giảm lãi suất huy động, nhiều ngân hàng thương mại cổ phần có quy mô nhỏ cũng giảm tối đa lãi suất huy động. Tại Ngân hàng thương mại cổ phần Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank), lãi suất kỳ hạn 1 tháng ngân hàng này áp dụng chỉ còn 4%/năm như nhiều ngân hàng lớn đang áp dụng. Lãi suất cao nhất tại kỳ hạn 24 tháng cũng chỉ ở mức 6,6%/năm.

Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), khác với những năm trước, hoạt động cho vay trong 2 tháng đầu năm 2015 ghi nhận mức tăng trưởng dương với mức tăng 0,68% so với đầu năm, tổng phương tiện thanh toán tăng khoảng 2,67%. Đây là tín hiệu tích cực về hoạt động tiền tệ, ngân hàng năm 2015, mà đòn bẩy chủ yếu là những nỗ lực không ngừng của ngành Ngân hàng.

Từ nhiều năm qua, các biện pháp của NHNN về điều hành chính sách tiền tệ tập trung vào việc kiểm soát lạm phát, từng bước đưa lạm phát xuống mức thấp và ổn định giá trị VNĐ đã trở thành cơ sở quan trọng để các ngân hàng giảm dần mặt bằng lãi suất cho vay.

Kỳ vọng giảm lãi suất 1-1,5%

Tuy nhiên, trên thực tế, mặc dù lãi suất huy động liên tục được các ngân hàng điều chỉnh giảm, nhưng lãi suất cho vay của các ngân hàng dường như chưa có sự thay đổi gì, vẫn giữ nguyên theo mức cho vay của từng ngân hàng.

Theo công bố của NHNN, đến nay, lãi suất cho vay VNĐ dành cho các lĩnh vực ưu tiên được các ngân hàng áp dụng phổ biến ở mức 7%/năm đối với kỳ hạn ngắn, lãi suất cho vay trung dài hạn được các ngân hàng thương mại Nhà nước tiếp tục áp dụng ở mức 9-10%/năm; lãi suất cho vay dành cho các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh thông thường phổ biến ở mức 7-9%/năm đối với kỳ hạn ngắn, 9,5-11%/năm đối với trung dài hạn. Như vậy, mặt bằng lãi suất cho vay đang thấp hơn mức lãi suất trong thời kỳ 2005-2006. Nhưng theo nhận định của các DN, nếu so với lãi suất huy động hiện nay, các mức lãi vay này đang quá cao.

Để chấn chỉnh hoạt động ngân hàng, NHNN đã thực hiện các biện pháp giảm mặt bằng lãi suất huy động theo lộ trình từng bước, chủ yếu là dựa trên tín hiệu lạm phát và khả năng thanh toán của các ngân hàng. Đồng thời, yêu cầu các ngân hàng xem xét giảm dần lãi suất đối với những khoản vay cũ nhằm chia sẻ khó khăn cùng khách hàng vay vốn. Đây là biện pháp gây tác động kép, buộc các ngân hàng phải tăng cường kiểm soát dòng vốn và nâng cao năng lực quản trị rủi ro tín dụng.

Theo nhận định của NHNN, từ những ngày đầu tháng 3-2015, mặt bằng lãi suất huy động VNĐ kỳ hạn 1 tháng đến dưới 6 tháng được nhiều ngân hàng áp dụng dưới mức trần 5,5%/năm theo quy định, tạo ra xu hướng giảm lãi suất cho vay trong thời gian tới, được kỳ vọng là giảm thêm 1-1,5%/năm trong năm nay.

Bên cạnh việc điều hành các mức lãi suất chủ chốt để hỗ trợ thanh khoản cho các ngân hàng và đáp ứng nhu cầu thanh toán của nền kinh tế, ngành Ngân hàng đã triển khai thực hiện hàng loạt chương trình tín dụng như: Chương trình kết nối ngân hàng - DN; Chương trình cho vay thí điểm phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn theo Nghị quyết số 14/2014/NQ-CP; Chương trình cho vay phát triển nhà ở xã hội; Chương trình cho vay hỗ trợ ngư dân theo Nghị định số 67/2014/NĐ-CP về một số chính sách phát triển thủy sản...

Chia sẻ với những khó khăn của DN, Phó Giám đốc NHNN Chi nhánh TP.HCM Trần Ngọc Minh cho rằng, năm 2015, NHNN chi nhánh TP.HCM xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình kết nối Ngân hàng- DN, với số vốn dự kiến 60.000 tỷ đồng, tăng 50% so với kết quả năm 2014. Trong đó, tiếp tục các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp thông qua các kênh như: Cho vay 5 nhóm lĩnh vực ưu tiên; đối thoại ngân hàng DN; trực tiếp kí kết cho vay tại các quận, huyện…

Lãi suất cho vay theo định hướng của NHNN đối với 5 nhóm, lĩnh vực ưu tiên, áp dụng lãi suất ngắn hạn bằng VNĐ không quá 7%/năm đối với tất cả các lĩnh vực kinh doanh, các loại hình DN, hộ sản xuất và cá nhân khi tham gia chương trình. Riêng lãi suất cho vay trung, dài hạn áp dụng ở mức lãi suất xoay quanh 9%/năm.

Theo NHNN, trong điều kiện thị trường tài chính còn ẩn chứa nhiều rủi ro, việc triển khai những chương trình tín dụng này được đánh giá là mô hình tín dụng khá an toàn do sự hỗ trợ, vào cuộc của các bộ, ngành liên quan và chính quyền địa phương các cấp đã góp phần tích cực vào việc lựa chọn dự án đầu tư hiệu quả, giúp các tổ chức tín dụng bảo toàn nguồn vốn và yên tâm hơn khi mở rộng tín dụng.

Theo Báo Hải Quan

 

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục