Một đợt cắt giảm lãi suất huy động sâu đang được các ngân hàng (NH) đồng loạt thực hiện. Động thái này được kỳ vọng sẽ tạo cơ hội giảm thêm lãi suất cho vay trong năm nay.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế, lãi suất huy động giảm nhưng lãi suất cho vay vẫn chưa thể giảm ngay vì cần độ trễ để việc giảm chi phí huy động vốn phát huy tác dụng.
Nhiều ngân hàng giảm lãi suất cho vay
Ngay từ đầu tháng 3, hàng loạt NH thương mại cổ phần (TMCP) đã niêm yết biểu lãi suất tiền gửi mới theo xu hướng giảm ở tất cả các kỳ hạn.
Cụ thể, Techcombank điều chỉnh tiền gửi kỳ hạn 1 tháng còn 4,3%/năm, giảm 0,1%/năm so với trước, Eximbank giảm lãi suất huy động kỳ hạn 1 tháng về mức 4,5%/năm và kỳ hạn 12 tháng về 6,1%/năm. Tại SCB, mức lãi suất tiền gửi kỳ hạn 1 tháng chỉ còn 5%/năm và kỳ hạn 12 tháng còn 7,05%/năm. Hiện, mức lãi suất kỳ hạn 1 tháng thấp nhất trên thị trường được ghi nhận chỉ còn 4%/năm tại Vietcombank và tiền gửi kỳ hạn 12 tháng cũng được kéo về 6%/năm.
Giao dịch tại chi nhánh DongA Bank Hà Nội.
Nhiều NH khác như Agribank, OCB, DongA Bank, HDBank... đã niêm yết biểu lãi suất mới với hướng giảm thêm từ 0,1% - 0,5%/năm, ở cả kỳ hạn ngắn và dài. Từ cuối năm 2014 đến nay, có NH đã 5 lần thay biểu lãi suất huy động mới theo hướng giảm hoặc chỉ trong vòng một tuần có NH 2 lần hạ lãi suất, mức điều chỉnh mỗi lần chỉ khoảng 0,1% - 0,2%/năm tùy từng kỳ hạn.
Lãi suất đồng loạt được các NH mạnh tay cắt giảm nhưng tiền gửi vẫn chảy vào ngân hàng. Số liệu của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Hà Nội cho biết, tính đến ngày 31/1/2015, tổng nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn Hà Nội đạt 1.198.587 tỷ đồng, tăng 0,66% so với 31/12/2014. Trong tháng 2/2015, nguồn vốn huy động của các TCTD trên địa bàn tiếp tục tăng. Tính đến cuối tháng 2/2015, tổng nguồn vốn huy động của các TCTD trên địa bàn đạt 1.204.431 tỷ đồng, tăng 1,15% so với 31/12/2014.
Kỳ vọng giảm lãi suất cho vay
Việc điều chỉnh lãi suất huy động là để tính toán và cân đối lại dòng vốn, sao cho chi phí vốn đầu vào giảm thêm để ngân hàng có thể cơ cấu lại nợ và điều chỉnh lãi suất cho vay. Tuy nhiên, so với mức độ giảm của lãi suất huy động thì lãi suất cho vay giảm chưa tương xứng. Trong khi lãi suất huy động liên tục giảm thì lãi suất cho vay vẫn ở mức từ 5% - 9% đối với các lĩnh vực ưu tiên và trên 10% với các lĩnh vực khác.
Ông Cao Sỹ Kiêm - Chủ tịch HĐQT DongABank cho rằng, lãi suất cho vay sẽ không giảm ngay được vì cần thời gian để cân đối lại dòng vốn. "Độ trễ của lãi suất cho vay thường khoảng 5 - 6 tháng so với lãi suất huy động, vì còn tùy thuộc vào kỳ hạn huy động và cho vay kỳ trước. Khi những kỳ hạn đến kỳ đáo hạn thì chi phí vốn đầu vào của các NH mới giảm và mới có thể điều chỉnh lãi suất cho vay. Nhưng riêng với những hợp đồng vay mới thì lãi suất sẽ theo hiện hành" - ông Kiêm đánh giá.
Thực tế, để giảm được lãi suất cho vay, cả NH và DN cần phải tính toán để giảm chi phí quản lý tài chính và cho vay. Hiện, năng lực quản trị của nhiều DN vẫn còn không ít vấn đề, mức độ rủi ro cao nên NH cũng sẽ cho vay với mức lãi suất phù hợp. Bên cạnh đó, việc cắt giảm chi phí để giảm lãi suất cho vay cũng không phải là câu chuyện đơn giản với các NH.
Báo cáo triển vọng kinh tế vĩ mô tháng 3 của NH HSBC mới đây đánh giá, lạm phát toàn phần của Việt Nam trong 5 tháng tới sẽ duy trì ở dưới mức 1%. Đây chính là cơ sở để Ngân hàng Nhà nước giảm điều chỉnh lãi suất huy động. "Với mức lạm phát có khả năng xê dịch giữa 0% và 1% trong 5 tháng tới, trước khi đạt mức tăng 2,8% so với năm ngoái vào cuối năm 2015, chúng ta xem xét tới khả năng Ngân hàng Nhà nước cắt giảm lãi suất thêm" - các chuyên gia HSBC nhận định.
Theo Kinh Tế & Đô Thị