Lãi cho vay vẫn ở mức cao
Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), lãi suất cho vay với doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao hiện ở mức 7 - 8%/năm; LS cho vay các lĩnh vực sản xuất kinh doanh thông thường khoảng 9 - 10%/năm đối với ngắn hạn; 10,5 - 12%/năm đối với trung và dài hạn. Tuy nhiên, những mức lãi suất nói trên chỉ được áp dụng cho khách hàng doanh nghiêp. Ngược lại, đối với khách hàng cá nhân, lãi suất cho vay cao hơn rất nhiều. Theo bảng lãi suất cho vay của một ngân hàng cổ phần tại TP.HCM đối với khách hàng cá nhân, lãi suất cho vay kinh doanh, DN siêu nhỏ trên 13%/năm, bất động sản 13%/năm, tiêu dùng 13,7%/năm...
Một số ngân hàng cho vay với lãi suất ưu đãi 0% trong mấy tháng đầu, nhưng với những tháng vay sau đó lãi vay được tính bằng lãi suất huy động 12 tháng là 7%/năm cộng với biên độ từ 4 - 7%, tùy mục đích vay của khách hàng mua nhà, ô tô, tiêu dùng...
Như vậy sau khuyến mãi, lãi suất cho vay ở mức 11-14%/năm.Nếu so với lãi suất cho vay ngoại tệ, lãi suất cho vay tiền đồng hiện nay cao gấp đôi. Điều này lý giải vì sao tín dụng ngoại tệ tăng mạnh, hơn 12,03%, trong 6 tháng qua trong khi tín dụng tiền đồng chỉ tăng 2,17%.
Có thể thấy, lãi suất cho vay cao gần gấp đôi lãi suất huy động, khi mà các ngân hàng thường chỉ ở mức 5-7%.
Lãi suất có thể giảm
Cũng theo báo cáo, 88% các TCTD tin rằng xu hướng lãi suất, nhất là lãi suất cho vay sẽ giảm trong thời gian tới. Trên 70% TCTD dự báo mặt bằng lãi suất huy động vốn và cho vay VND đều giảm với mức giảm kỳ vọng bình quân tương ứng 1,24%/năm và 1,43%/năm (tính chung cả năm 2014 so với năm 2013)...
VCBS cũng đưa ra nhận định với kỳ vọng lạm phát 2014 ở mức thấp 4,6 - 4,7%, thanh khoản hệ thống ngân hàng khá tốt nhưng tín dụng tăng trưởng thấp, đặc biệt là tín dụng bằng VND, mặt bằng lãi suất huy động trong 6 tháng cuối năm được dự báo nhiều khả năng sẽ tiếp tục ổn định và có chiều hướng giảm nhẹ với mức giảm khoảng 0,5%/năm.
Thực tế, xu hướng giảm của lãi suất trên thị trường thực tế vẫn duy trì với biên độ nhỏ trong suốt các tháng đầu năm. Đến cuối tháng 6 vừa qua, mặt bằng lãi suất huy động trên thị trường có được mức giảm tới 0,5-1,5%/năm so với cuối năm 2013. Đà giảm của lãi suất huy động theo đó cũng kéo giảm lãi suất cho vay ở nhiều ngân hàng khoảng 0,5-1,5%/năm, đưa lãi suất phổ biến xuống còn 7-10%/năm cho các kỳ hạn ngắn và 10-12%/năm ở các kỳ hạn dài. Giải thích về quyết định cho vay lãi suất thấp, lãnh đạo một ngân hàng cho rằng, điều này hoàn toàn hợp lý trong bối cảnh nhu cầu vốn của doanh nghiệp hay cầu tín dụng nói chung tương đối yếu, trái ngược hẳn với trạng thái thanh khoản khá dồi dào của hệ thống ngân hàng.
Việc giảm lãi suất để kích cầu cũng được nhiều ngân hàng thừa nhận. Lãnh đạo nhiều ngân hàng cho biết áp lực đẩy mạnh cho vay ra đối với ngân hàng rất lớn, bởi nó tác động tới lợi nhuận của ngân hàng, do vậy, nhiều ngân hàng đã tung ra nhiều gói tín dụng với lãi suất khủng.
Đến cuối tháng 6, tăng trưởng tín dụng đạt 3,52% trong khi mục tiêu đề ra là 12 – 14%, thì nửa cuối năm các ngân hàng đều chịu áp lực. Vì thế các ngân hàng đều đẩy mạnh cho vay.
Tuy nhiên, mặt bằng lãi suất được dự báo sẽ có chiều hướng giảm nhẹ không đồng nghĩa với việc tín dụng sẽ được đẩy nhanh ra nền kinh tế. mục tiêu tăng trưởng năm vẫn sẽ rất khó khăn bởi rào cản chính vẫn là quá trình xử lý nợ xấu vẫn chậm chạp và lòng tin khu vực tư nhân còn yếu.
Một chuyên gia ngân hàng cũng cho rằng tăng trưởng tín dụng không phải chỉ dựa vào quyết tâm của ngành ngân hàng mà ở cả một hệ thống bao gồm các bộ ngành khác nhằm giúp thị trường tháo gỡ vướng mắc về nợ xấu, tài sản đảm bảo, sức cầu của nền kinh tế, nợ đọng của ngân sách...
Quốc Hưng (Tổng hợp)